Chùa Kim Sơn Lạc Hồng (nằm trong khuôn viên Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên, tỉnh Hòa Bình) đã tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu. Buổi lễ đã thu hút hàng nghìn tăng ni, phật tử trong và ngoài địa phương tham gia.
Trao đổi với PV, Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Chủ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về bậc đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương để cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Chính vì vậy, đây là dịp để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên và được Phật giáo coi là ngày lễ quan trọng trong tháng 7 Âm lịch hằng năm.
Theo Đại đức Thích Trí Thịnh, dịp đại lễ Vu Lan báo hiếu này, tại các cơ sở tự viện thường được tổ chức với các hoạt động như Tụng kinh-sám Vu Lan, kinh báo hiếu phụ mẫu, kinh Mục Liên sám pháp, kinh A Di Đà…; lễ cầu siêu cho anh linh anh hùng liệt sĩ, tổ tiên trong gia đình; pháp thoại thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan báo hiếu; nghi thức "Bông hồng cài áo" tri ân công đức sinh thành của cha mẹ; nghi thức thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh anh hùng liệt sĩ và cửu huyền thất tổ; chương trình nghệ thuật về công cha nghĩa mẹ…
Mở đầu đêm đại lễ, mọi người xúc động khi xem vở diễn về Vu Lan. Trong đó, Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về bậc đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương để cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.
Những câu chuyện, những tâm sự, bài học về sự hi sinh của mẹ cha dành cho con cái được các Phật tử tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng truyền tải đến hàng nghìn người trong buổi lễ.
Tất cả đều trang nghiêm thành kính nhớ về tiền nhân của mình, cùng tụng kinh, niệm Phật cầu quốc thái dân an, siêu độ vong linh, gia đình an phúc tại Lễ Vu Lan báo hiếu.
Đêm lễ tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng đã diễn ra các nghi thức tâm linh và đáng chú ý hơn cả trong ngày này là nghi thức “bông hồng cài áo”.
"Bông hồng cài áo" là một trong những nghi lễ đầy ý nghĩa trong ngày lễ Vu Lan, khơi gợi tình mẫu tử thiêng liêng khi được cài lên ngực những đóa hồng tươi thắm trong ngày Vu Lan báo hiếu.
Những ai đã mất cha mẹ, sẽ được cài lên ngực một bông hồng màu trắng. Những ai mất cha hoặc mẹ sẽ được cài lên ngực bông hoa hồng màu phớt hồng. Những ai còn cha và mẹ sẽ được cài lên ngực áo bông hồng màu đỏ.
Sau nghi lễ bông hồng cài áo là nghi lễ thả đèn hoa đăng. Theo ý nghĩa của Phật giáo đối với nghi lễ này là cầu cho quốc thái, dân an, mọi nhà đều an lành, hạnh phúc.
Dòng người tham gia rước, thả đèn hoa đăng.
Mỗi ngọn đèn trên tay là một lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc và nhân dân an lạc.
Việc thả đèn hoa đăng lên dòng nước còn được hiểu rằng, những vong nhân đã khuất sẽ theo những ánh sáng ấm áp mà bỏ đi những oan khiên thù hận, bước theo con đường giải thoát khổ đau.
Những ngọn hoa đăng được thắp lên sáng rực, lấp lánh dưới mặt nước lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc và nhân dân an lạc.
Phạm Trọng Tùng