Hàng trăm nhà vượt lũ ở Đồng Tháp Mười bị bỏ hoang
Theo phản ánh của bạn đọc, hiện nay vùng Đồng Tháp Mười có hàng trăm căn nhà vượt lũ bị bỏ hoang, một số nền được rao bán; xuất phát từ nguyên nhân do không có đất sản xuất, người dân không có việc làm nên về lại quê nhà hoặc đến địa phương khác làm công nhân.
Thiếu sinh kế
Tại ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, hàng chục căn nhà vượt lũ bị bỏ hoang, cỏ dại mọc cao, tường gạch mục nát. Nhận nhà vượt lũ và sinh sống ở đây mười mấy năm qua, ông Nguyễn Văn Tấm (66 tuổi) đã sửa sang lại nhà cho sạch đẹp để ở. Ông Tấm kể, nhiều nhà trong khu vực ở trong tình trạng người dân bỏ đi nơi khác làm ăn bởi ở đây không có ruộng vườn để canh tác, họ không buôn bán được lại không có nghề nghiệp. Gia đình ông cũng vậy, chỉ còn hai ông bà già yếu sinh sống, các con ông đi nơi khác tìm việc, thuê nhà sinh sống.
Sống cùng dãy nhà với ông Tấm là những người già neo đơn, không nơi nương tựa, đã mượn những căn nhà bỏ hoang này che chắn tạm tá túc qua ngày. Bà Trần Thị Chăng (86 tuổi) mượn căn nhà vượt lũ gần 10 năm qua ở tạm, hàng ngày nhặt ve chai để kiếm sống. Bà Chăng nói, người ta cho mượn thì ở, bao giờ họ đòi lại thì trả, nhưng bà nghĩ có lẽ sẽ ở đây đến khi nào “đi theo ông bà” luôn chứ chủ nhà không có nhu cầu ở.
Cách đó hơn 40km, tại tuyến dân cư ấp Mương Khai, xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An cũng có khoảng 10 căn nhà vượt lũ không người ở. Ông Võ Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho biết, địa phương có 160 lô cụm, tuyến đã hoàn thiện hạ tầng, xây nhà, người dân đã vào ở hết. Nhiều năm qua lũ thấp, ít tôm cá, người dân không có kế mưu sinh, phải bỏ nhà đến nơi khác kiếm sống.
Một số căn nhà bỏ hoang đã được treo biển bán nền. Theo lời rao, chúng tôi gọi điện thoại gặp một người đàn ông tự xưng tên Lành, là môi giới bất động sản. Theo lời ông Lành, chủ nhà là người quen và bận việc nên nhờ ông bán giùm nền nhà với giá 430 triệu đồng, căn nhà này đã được mua bán 2 lần rồi. Ông Lành đảm bảo người mua nền nhà sẽ được cấp giấy tờ đầy đủ và được xây cất bình thường! Ghi nhận các tuyến dân cư vượt lũ ở các huyện Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng… cho thấy nhiều căn nhà vượt lũ khác cũng trong tình trạng xây thô chưa tô, chưa gắn cửa, bị bỏ hoang trống trước trống sau, bên trong cỏ dại, dây leo mọc đầy.
Hoàn thiện hạ tầng, hỗ trợ việc làm
Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An Nguyễn Văn Trang thông tin, tỉnh có 165 cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở 10 huyện, thị xã: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa, Bến Lức và thị xã Kiến Tường, với gần 34.000 lô nền (20.000 lô thuộc hộ đối tượng, còn lại là lô nền sinh lợi), tổng vốn đầu tư dự án gần 940 tỷ đồng. Hiện có khoảng 30.000 lô nền đã bàn giao cho người dân, đạt 88%. Trong đó, có gần 20.000 căn nhà đã xây xong, có người vào ở, đạt 59%. Các cụm, tuyến hoàn thiện đường giao thông, hệ thống thoát nước, điện, nước khoảng 58%.
Tuy nhiên, 2 năm trước, qua xem xét, Chính phủ nhận thấy các hộ này có điều kiện kinh tế khó khăn, không thể xây dựng nhà ở nên đã cho phép họ để lại nhà cho cha, mẹ, vợ (chồng), con thừa kế hoặc chuyển nhượng cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Văn Trang, chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ đã phát huy tác dụng, hỗ trợ chỗ ở kiên cố cho người dân vùng lũ an tâm sinh sống. Tuy nhiên, nhiều năm qua lũ thấp, thiếu việc làm nên tỷ lệ người dân vào ở chưa cao. Tỉnh Long An đang yêu cầu các địa phương thống kê lại số lượng nhà vượt lũ bỏ trống, về lâu dài sẽ hoàn thiện hạ tầng, hỗ trợ việc làm cho người dân, khắc phục tình trạng bỏ cụm, tuyến dân cư hoặc trở về nơi cũ sinh sống.
Chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ ĐBSCL (giai đoạn 1) từ năm 2001-2008 được triển khai tại các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Long An và TP Cần Thơ.
Dự án có tổng vốn gần 5.800 tỷ đồng với 804 cụm, tuyến dân cư, hỗ trợ 146.000 hộ dân sống trong vùng thường xuyên bị ngập lụt. Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt giai đoạn 2 của chương trình, gồm 179 dự án cụm, tuyến với 56.000 hộ dân của tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ.
Thủ tướng đồng ý cho kéo dài giai đoạn 2 của chương trình đến năm 2020 với 8.400 hộ dân thuộc chương trình chưa xây dựng nhà ở, tương đương với tổng số vốn cần vay 168 tỷ đồng.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hang-tram-nha-vuot-lu-o-dong-thap-muoi-bi-bo-hoang-post691184.html