Hàng trăm phụ nữ ở Mỹ bị ung thư khi nâng ngực: Ở Việt Nam đã có trường hợp nào chưa?
Không phải túi độn ngực nào cũng có nguy cơ gây ung thư. Do vậy, chị em cần hiểu đúng bản chất của các loại túi độn ngực để tránh nhầm lẫn gây tâm lý hoang mang.
Mới đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra con số về mối liên quan giữa đặt túi nâng ngực và ung thư. Theo đó, có 457 phụ nữ ở Mỹ được xác định bị ung thư lympho tế bào khổng lồ sau khi đặt túi nâng ngực (giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2018), trong đó, 9 người đã tử vong.
Thông tin trên đã khiến dư luận hoang mang, nhất là đối với những chị em đã từng phẫu thuật đặt túi ngực cũng như với những người đang có ý định với phương pháp làm đẹp này.
Theo ThS Nguyễn Minh Nghĩa, Giảng viên Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình (Đại học Y Hà Nội), ung thư lympho tế bào khổng lồ lần đầu tiên được chẩn đoán và phát hiện vào năm 1997. Đây là loại ung thư xuất hiện kèm với việc đặt túi ngực nhưng có tỷ lệ cực thấp. Thời gian xuất hiện trung bình khoảng 10 năm sau khi đặt túi nâng ngực.
Triệu chứng lâm sàng hay gặp nhất khi bị ung thư lympho tế bào khổng lồ là tụ dịch bất thường quanh túi, tăng thể tích ngực và gây đau. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có các triệu chứng như đỏ da vùng ngực, sờ thấy khối bất thường.
Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là tất cả những người đã đặt túi độn ngực đều có nguy cơ bị ung thư vì còn phụ thuộc vào loại túi ngực được sử dụng.
Theo đó, trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ, túi độn ngực được chia thành các nhóm như: Túi nhám, túi trơn và túi phủ polyurethane. Trong đó, dựa vào kích thước độ nhám trên bề mặt túi, người ta chia túi nhám thành: nhám kích thước lớn, nhám kích thước nhỏ (vi nhám).
Cụ thể, túi nhám kích thước lớn khi có hạt nhám bề mặt >75micromet; túi nhám kích thước nhỏ khi hạt nhám từ 10-75 micromet. Những túi có hạt nhám kích thước < 15 micromet được coi là túi trơn.
Trước sự lo lắng của nhiều người về việc đặt các loại túi độn ngực có thể gây ung thư, TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội) nhấn mạnh: “Sự thực là ung thư lympho ác tính tế bào khổng lồ chỉ liên quan đến túi nhám kích thước lớn, cấu trúc vỏ túi này được sử dụng tạo túi giọt nước, không hề liên quan đến túi allergan vỏ vi nhám hay túi tròn được sử dụng phổ biến ở Việt Nam trong hơn 10 năm qua”.
Theo TS.BS Phạm Thị Việt Dung, tháng 11/2018, bà có tham dự một Hội nghị phẫu thuật tạo hình tại nước Pháp. Trong Hội nghị này, nhiều chuyên gia đến từ các nước trên thế giới cũng đề cập đến mối liên quan giữa đặt túi nâng ngực với ung thư lympho tế bào khổng lồ. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy, các ca ung thư chỉ liên quan đến các túi nhám kích thước lớn (tỷ lệ khoảng 1/3.817 ca).
Do đó, tại Pháp, dù chưa có lệnh cấm nhưng các bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ nước này hiện không còn sử dụng loại túi nhám kích thước lớn nữa. Còn túi tròn, vỏ vi nhám vẫn được dùng bình thường trên toàn nước Pháp.
Vì vậy, TS.BS Phạm Thị Việt Dung khuyến cáo, mọi người cần hiểu đúng bản chất của các loại túi độn ngực để tránh nhầm lẫn gây tâm lý hoang mang.
Theo TS.BS Nguyễn Huy Thọ, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội, đặt túi ngực là một phương pháp làm đẹp khá an toàn giúp cho chị em có vòng một đẹp hơn. Thực tế, cho đến nay, tại Việt Nam, chưa phát hiện có ca nâng ngực làm đẹp nào dẫn đến ung thư cả. Chỉ có những ca nâng ngực gặp biến chứng nhiễm trùng, biến dạng do thực hiện ở những nơi không đảm bảo an toàn về điều kiện vô trùng cũng như nhân viên thực hiện chưa có tay nghề, chuyên môn.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, đối với những chị em có ý định làm đẹp bằng phương pháp đặt túi ngực, ngoài việc quan tâm về chất liệu, loại túi độn ngực, điều quan trọng là phải lựa chọn những địa chỉ uy tín, chất lượng với đội ngũ y, bác sĩ giỏi chuyên môn, có chứng chỉ trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ để thực hiện, tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.