Hàng triệu người trên thế giới có thể tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện mỗi năm

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2025-2030 do Bộ Y tế tổ chức ngày 10-4.Tại hội nghị, Thạc sĩ Hà Thị Kim Phượng, Phòng Điều dưỡng-Tiết chế và KSNK (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế) cho biết, thống kê trên toàn cầu do WHO thực hiện năm 2022 cho thấy 100 người bệnh tại các bệnh viện chăm sóc cấp tính có 7 người bệnh ở các quốc gia có thu nhập cao và 15 người bệnh ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình mắc ít nhất một nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) trong thời gian nằm viện.Trung bình, 1 trong 10 người bệnh bị ảnh hưởng sẽ tử vong do NKBV. Đặc biệt, hằng năm, có khoảng 136 triệu ca NKBV do vi khuẩn kháng kháng sinh. Dự báo đến năm 2050, gần 3,5 triệu người có thể tử vong do NKBV mỗi năm, gấp 4,4 lần so với HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cộng lại (2021).

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, KSNK là một trong những trụ cột quan trọng trong bảo đảm an toàn người bệnh, chất lượng dịch vụ y tế và năng lực ứng phó của hệ thống y tế trước các bệnh truyền nhiễm. Đại dịch Covid-19 đã qua khẳng định vai trò không thể thiếu của KSNK, không chỉ trong phòng, chống dịch mà còn trong công tác bảo vệ đội ngũ y tế và cộng đồng.

Thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực để kiện toàn hệ thống, xây dựng hành lang pháp lý, phát triển nhân lực và triển khai chuyên môn kỹ thuật về KSNK. Những kết quả bước đầu đó đã tạo nền tảng quan trọng cho việc nâng cao chất lượng và bảo đảm an toàn trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, KSNK vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Sự chênh lệch về nguồn lực và năng lực giữa các cấp khám, chữa bệnh; hạ tầng, thiết bị, vật tư KSNK còn thiếu thốn; ý thức tuân thủ quy trình của một bộ phận nhân viên y tế và người bệnh, người nhà người bệnh còn hạn chế; đặc biệt, tình trạng kháng kháng sinh cùng mối đe dọa từ vi khuẩn đa kháng thuốc đang ngày càng gia tăng và sự xuất hiện của các dịch bệnh mới nổi và tái nổi.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về KSNK giai đoạn 2025-2030. “Đây là tài liệu định hướng quan trọng, có tính chiến lược, nhằm đồng bộ hóa các hoạt động KSNK trên phạm vi cả nước, phù hợp với chiến lược nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Đây sẽ là kim chỉ nam quan trọng để các đơn vị, cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước triển khai bài bản, đồng bộ và hiệu quả công tác KSNK”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đánh giá cao những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong công tác KSNK tại các cơ sở khám, chữa bệnh; đồng thời nhấn mạnh: KSNK đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo dịch vụ y tế ở bất kỳ quốc gia nào. Theo bà, để công tác KSNK đạt hiệu quả cao hơn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các ngành liên quan.
Tổ chức Y tế thế giới cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống y tế, đồng thời xây dựng và triển khai các giải pháp KSNK trong các cơ sở khám, chữa bệnh một cách hiệu quả.

(Theo qdnd.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202504/hang-trieu-nguoi-tren-the-gioi-co-the-tu-vong-do-nhiem-khuan-benh-vien-moi-nam-1039347/