Hàng vạn người đổ về phiên chợ 'mua may, bán rủi'

Tối 28/1 (mùng 7 tháng Giêng) là thời điểm khai hội chợ Viềng (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Sau vài năm 'vắng bóng' vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ hội dịp Xuân Quý Mão đón lượng khách đông kỷ lục. Từ chiều đến tối, hàng vạn du khách đổ về mỗi lúc một đông, ken đặc không gian của phiên chợ 'mua may, bán rủi' chỉ mở một phiên duy nhất trong năm.

Hàng vạn du khách kéo về chợ Viềng, huyện Vụ Bản (Nam Định) du xuân, "mua may, bán rủi".

Hàng vạn du khách kéo về chợ Viềng, huyện Vụ Bản (Nam Định) du xuân, "mua may, bán rủi".

 Từ khoảng 3 giờ chiều 28/1 (mùng 7 tháng Giêng), ngày khai hội chợ Viềng, những con đường dẫn vào chợ đã chật kín người qua lại.

Từ khoảng 3 giờ chiều 28/1 (mùng 7 tháng Giêng), ngày khai hội chợ Viềng, những con đường dẫn vào chợ đã chật kín người qua lại.

Có lẽ, không nhiều du khách biết rằng, Nam Định có tới 4 chợ Viềng: Chợ Viềng ở Phủ Dầy, huyện Vụ Bản gọi là "Viềng Phủ"; chợ Viềng ở thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực (gần chùa Đại Bi) gọi là "Viềng Chùa"; chợ Viềng xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc và chợ Viềng thôn Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng.

Tuy nhiên theo dòng chảy thời gian, dần dà chỉ còn "Viềng Phủ" và "Viềng Chùa" là những phiên chợ nổi tiếng, được nhiều người biết tới. Trong đó, chợ Viềng Phủ Dầy, Vụ Bản luôn được các du khách trong và ngoài tỉnh ưu ái ghé thăm sau Tết, như một tập quán văn hóa quen thuộc mỗi dịp xuân về.

Vẫn giữ nét truyền thống, chợ Viềng chủ yếu bày bán cây, hoa, nông cụ theo ý nghĩa mang lại may mắn, thành công cho người mua.

Vẫn giữ nét truyền thống, chợ Viềng chủ yếu bày bán cây, hoa, nông cụ theo ý nghĩa mang lại may mắn, thành công cho người mua.

Theo dân gian, "Viềng" là đọc chệch đi của từ "về", mang ý nghĩa sum vầy, tụ họp. Chợ Viềng chỉ họp một phiên duy nhất vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 âm lịch nên còn có tên gọi khác là "chợ âm phủ". Nơi đây chủ yếu bày bán cây, hoa, nông cụ, không đặt nặng giá trị kinh tế mà mang ý nghĩa "mua may, bán rủi", cầu may mắn hanh thông cho năm mới.

Đồng chí Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vụ Bản, cho biết, chợ Viềng họp trải dài 7km trên địa bàn các xã Kim Thái, Trung Thành và thị trấn Gôi. Năm đầu tiên tổ chức lại phiên chợ sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, huyện đã có văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương để chuẩn bị các phương án đón lượng du khách dự kiến tăng đột biến.

Không đặt nặng giá trị kinh tế, du khách tin rằng những món đồ nho nhỏ như một chậu hoa mua ở chợ Viềng sẽ giúp họ khởi đầu năm mới hanh thông, thuận lợi hơn.

Không đặt nặng giá trị kinh tế, du khách tin rằng những món đồ nho nhỏ như một chậu hoa mua ở chợ Viềng sẽ giúp họ khởi đầu năm mới hanh thông, thuận lợi hơn.

Để bảo đảm an ninh, trật tự tại lễ hội, Công an huyện đã huy động 157 cán bộ, chiến sĩ, phối hợp cùng 271 chiến sĩ được tăng cường từ Công an tỉnh, Công an thành phố và lực lượng Công an xã làm nhiệm vụ; bố trí 3 vòng an ninh, sẵn sàng thực hiện phân làn giao thông, bảo vệ an toàn cho phiên chợ.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Kim Thái (nơi có cả chợ Viềng và quần thể di tích Phủ Dầy) Trần Khắc Thiềng, nét mới năm nay là xã đã bố trí 61 camera và 27 chốt an ninh trên khắp các tuyến đường, chủ động ứng phó khi xảy ra ùn tắc phương tiện hay mất an ninh, trật tự.

Du khách đứng chật kín sân phủ Tiên Hương, thuộc quần thể di tích Phủ Dầy, nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Du khách đứng chật kín sân phủ Tiên Hương, thuộc quần thể di tích Phủ Dầy, nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Từ chiều mùng 6 tháng Giêng, du khách trong và ngoài tỉnh Nam Định đã bắt đầu kéo về chợ Viềng, du xuân và đi lễ Phủ Dầy. Lượng khách tăng đột biến trong chiều và tối mùng 7 Xuân Quý Mão (là ngày nghỉ cuối tuần), dòng người tấp nập ken kín con đường họp chợ và bên trong các đền, phủ, nhất là phủ Tiên Hương.

Cầm trên tay một chiếc giỏ mây vừa mua với giá 60 nghìn đồng, ông Ngô Duy Hưng (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) hồ hởi nói: "Tôi cùng gia đình về chợ Viềng du xuân, mua cái giỏ này không phải để đựng tôm đựng cá, mà mong muốn gom tài lộc, bình an cho năm mới".

Càng về đêm, lượng người đổ về càng đông, ai cũng mong muốn mua được một món đồ may mắn trong chuyến du xuân đầu năm này.

Càng về đêm, lượng người đổ về càng đông, ai cũng mong muốn mua được một món đồ may mắn trong chuyến du xuân đầu năm này.

Càng về đêm, người đổ về chợ càng đông. Trời rất lạnh, nhưng ai cũng vui với những chậu cây, con dao, cái liềm hay túi thịt bê, thịt bò vốn là đặc sản chợ Viềng nức tiếng trên tay. Có lẽ đối với họ, đó đã là một sự lành đầu xuân để mong cầu một năm Quý Mão thành công, may mắn.

TRẦN KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hang-van-nguoi-do-ve-phien-cho-mua-may-ban-rui-post736396.html