Theo thông lệ, Lễ hội đền Đông Cuông được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của năm mới âm lịch. Năm 2024, lễ hội được khai mạc vào đêm 20/2 (tức ngày 12/1 âm lịch).
Tối 20/1, hàng vạn người dân từ các xã của huyện Văn Yên cũng như du khách mọi miền Tổ quốc đổ dồn về khu vực đền Đông Cuông để tham gia lễ hội, ai ai cũng mong muốn được chứng kiến nghi lễ mổ trâu trắng tế thần.
Tại đây, người dân và du khách được chiêm ngưỡng màn văn nghệ đặc sắc giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển đền Mẫu Đông Cuông.
Đúng 0h ngày 21/2, lễ tế trâu trắng đầu năm được tiến hành ngay tại sân chính của đền Đông Cuông.
Theo ban quản lý đền Đông Cuông, đây là hoạt động tâm linh có từ xa xưa. Theo tục lệ, đầu năm tế trâu trắng để cầu cho mưa thuận, gió hòa và cầu cho bách gia trăm họ được sức khỏe, bình an.
Trâu dùng để tế là trâu đực trắng, to khỏe, được tuyển chọn kỹ lưỡng từ nhiều ngày trước khi làm lễ.
Tới giờ "thiêng” (thời khắc đầu tiên của ngày Mão), thầy Mo bước từ cung cấm ra, cùng các trai đinh và dân bản cử hành làm lễ hiến sinh, cầu mong mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, cầu cho linh hồn các anh hùng đã hy sinh tại thác Ghềnh Ngai.
Tiếp đến, hàng nghìn người dân đến chứng kiến nghi lễ mổ trâu tế thần được ban quản lý đền phát lộc Mẫu đầu xuân.
Việc xin lộc được nhiều người cho là điều không thể thiếu khi đến Lễ Mẫu tại Đền Đông Cuông dịp đầu xuân vì họ quan niệm rằng xin lộc Mẫu sẽ mang về những điều may mắn, "Tống cố, nghinh tân”, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, mong những điều tốt đẹp đến trong năm mới.
Sau lễ Mổ trâu tế Mẫu và chư vị Thần linh là lễ rước Mẫu qua sông - Kiệu Mẫu được trai đinh chuẩn bị và được các tín nữ trang trí từ hôm trước.
Đúng 8h, Lễ rước Mẫu qua sông được tiến hành tuần tự theo đúng nghi thức trang trọng và linh thiêng nhất của nhà đền. Thầy Mo và những người giúp việc trong trang phục truyền thống của người Tày Khao làm thủ tục sửa soạn những vận dụng cần thiết cho Mẫu.
Dân bản rước kiệu Mẫu từ đền Đông Cuông sang miếu Ghềnh thăm Đức Ông. Thứ tự đội hình rước kiệu được bố trí Cờ ngũ hành, Cờ hội, Chiêng, Trống, Đội múa dân tộc, Lễ vật, Đôi vật, Chủ lễ, thầy mo (bê hòm sắc phong), Kiệu Mẫu, Nhạc bát âm, Kiệu vua Páo, Quan viên và đông đảo nhân dân thôn bản, du khách, thiện tín thập phương…
Một thuyền lớn hoặc một bè/mảng lớn túc trực dưới sông đón kiệu. Đến mép nước, kiệu Vua Con ở lại trên bờ, chỉ có kiệu vua Mẹ xuống thuyền cùng 11 người sang miếu Ghềnh Ngai.
Khi mọi thủ tục cúng tế xong đúng 10h kiệu Mẫu và kiệu vua con lại tiếp tục được rước quay về đền và an vị trong cung cấm.
Tại đây, thầy Mo thực hiện nghi lễ cuối cùng là đóng cửa cung cấm và cửa chính của đền kết thúc lễ hội đầu xuân của đền Đông Cuông.
Theo quan niệm của đồng bào Tày xã Đông Cuông và các vùng lân cận, nghi lễ rước Mẫu là hình thức tái hiện lễ cưới lại "của Mẫu với Đức Ông” mà hậu duệ họ Hà phải tổ chức.
Bên cạnh phần lễ, khi đến Lễ hội đền Đông Cuông năm 2024, du khách còn được tham gia trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc như leo cột, kéo co, đẩy gậy...
Hân Nguyễn - Văn Đức