Hàng Việt chật vật trên các sàn thương mại điện tử

Dù doanh thu các nhà bán trên các sàn thương mại điện tử đều có sự tăng trưởng nhưng 'cuộc chơi' lại nghiêng về các nhà bán ngoại.

Nền tảng số liệu thị trường thương mại điện tử Metric vừa ra mắt báo cáo toàn cảnh thị trường thương mại điện tử trong 6 tháng đầu năm 2024.

Doanh thu bán lẻ trực tuyến tăng mạnh

Theo đó bất chấp gần 574 nghìn nhà bán rời bỏ thị trường, 5 sàn bán lẻ trực tuyến Shopee, Tiki, Lazada, Sendo và TikTok Shop thu về gần 144 nghìn tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng gần 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số sản phẩm bán ra đạt hơn 1500 triệu sản phẩm, tăng gần 66% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Metric cho rằng, mức tăng trưởng ấn tượng này nhờ vào sự đóng góp lớn của 2 sàn thương mại điện tử Shopee và TikTok Shop, nhất là sự xuất hiện liên tục của các phiên livestream từ các nhà bán, nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng.

Cũng từ đây hàng loạt mặt hàng ghi nhận doanh số khủng như mặt hàng thuộc nhóm mỹ phẩm, thiết bị điện gia dụng, quần áo giày dép, điện thoại máy tính bảng, đồ nhà bếp. Ngay cả các mặt hàng giá trị cao như ô tô, xe máy như hãng xe Vinfast cũng góp doanh thu ấn tượng sau mỗi phiên livestream.

Trong đó, phải kể đến mặt hàng nông sản địa phương và các sản phẩm OCOP. 6 tháng đầu năm, các sản phẩm rau củ, hoa quả tăng trưởng 135% doanh số so với cùng kỳ. Các phiên livestream bán nông sản cũng được nhiều sàn thương mại điện tử đẩy mạnh về cả hình ảnh lẫn tần suất.

Với những tăng trưởng ấn tượng này, Metric dự báo trong quý III-2024, tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam đạt mức hơn 88 nghìn tỉ đồng với 944 triệu sản phẩm được bán ra. Tăng lần lượt hơn 23.2% và 23.1% so với quý II-2024.

 Doanh thu các sàn thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2024. ẢNH: THU HÀ

Doanh thu các sàn thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2024. ẢNH: THU HÀ

Nhà bán Việt cạnh tranh khốc liệt

Dù có nhiều doanh thu tích cực, nhưng thương mại điện tử Việt Nam lại chứng kiến sự thống trị của các thương hiệu ngoại, đặc biệt là các thương hiệu đến từ ngành hàng Điện thoại – máy tính bảng, chiếm 4/10 thương hiệu có doanh số cao nhất.

Cũng trong 10 thương hiệu có doanh thu cao nhất ở 5 sàn thì duy nhất có 1 thương hiệu của Việt Nam là Vinamilk. Còn lại thuộc về sân chơi của thương hiệu ngoại.

Điều này cho thấy mức cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu nội và ngoại trên nền tảng online.

“Các thương hiệu nội cần chiến lược kinh doanh khéo léo hơn để tăng cường sức cạnh tranh trên các sàn mua sắm trực tuyến ngay tại sân nhà”-đại diện Metric bình luận.

Đơn vị này gợi ý, người mua hàng online hiện nay có xu hướng tích cực mua qua livestream và mua combo để tiết kiệm chi phí. Doanh nghiệp có thể khai thác xu hướng này để có mùa kinh doanh tốt trong tương lai.

Bên cạnh đó, thị phần nhà bán cũng có nhiều thay đổi khi tỉ lệ nhà bán chính hãng trên các nền tảng có xu hướng tăng trưởng hơn 12% so với cùng kỳ.

“Điều này cũng phù hợp hơn với xu thế tiêu dùng, khi một số ngành hàng đặc thù như làm đẹp, sức khỏe… người dân chi tiêu nhiều hơn cho các thương hiệu chính hãng hoặc nhà bán đã có uy tín lâu năm trên thị trường. Và lên Shop Mall là một cách thể hiện uy tín của doanh nghiệp"- Metric bình luận.

Ngành hàng văn phòng phẩm dự kiến bùng nổ trong quý III-2024

Cuối tháng 8 và tháng 9 là thời điểm vàng cho ngành hàng văn phòng phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Doanh số ngành này trong hai tháng gần đây đã bắt đầu tăng mạnh.

Năm ngoái, chỉ trong tháng 8, các nhà bán đã thu về 254 tỉ đồng cho các sản phẩm bút, sách, họa cụ... phục vụ năm học mới. Trong đó phân khúc giá rẻ dưới 50.000 đồng được chú ý nhiều hơn cả với các sản phẩm bút, sổ, giấy các loại.

Năm nay xu hướng này tiếp tục được dự đoán sẽ "bội thu". Metric ước tính, quý III-2024 tổng doanh số ngành hàng văn phòng phẩm trên Shopee sẽ đạt hơn 829 tỉ đồng, với hơn 44 triệu sản phẩm bán ra, tăng lần lượt 32% và 42% so với quý 2-2024.

THU HÀ

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/hang-viet-chat-vat-tren-cac-san-thuong-mai-dien-tu-post801841.html