Hàng Việt là ưu tiên của thị trường

Thúc đẩy Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', Sở Công thương Lâm Đồng vừa có cuộc khảo sát trên diện rộng về hệ thống phân phối cũng như sản xuất trên địa bàn tỉnh. Kết quả đáng mừng với hệ thống phân phối rộng khắp cũng như ưu tiên của người tiêu dùng đối với những hàng hóa mang nhãn hiệu Việt.

Hàng Việt được ưu tiên sử dụng tại Lâm Đồng

Hàng Việt được ưu tiên sử dụng tại Lâm Đồng

Hệ thống phân phối rộng

Bà Đinh Thị Thanh, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại cho biết, Sở đã tiến hành khảo sát 1.280 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Trong đó, có 1.200 cơ sở phân phối, kinh doanh và 80 cơ sở sản xuất thuộc đủ các ngành nghề. Kết quả cho thấy, hầu hết các cơ sở phân phối là hộ kinh doanh, có quy mô nhỏ, mang tính hộ gia đình. Điểm cộng là hệ thống bán lẻ rộng khắp các khu vực từ thành thị tới nông thôn, tạo thuận lợi cho hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ cư dân. Từ thành phố cho tới từng thôn, buôn xa nhất đều có các tiệm tạp hóa theo mô hình hộ gia đình kinh doanh, cung cấp hàng hóa thiết yếu.

Tại 1.200 cơ sở kinh doanh trên địa bàn, hàng hóa đa dạng, phong phú, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Trong đó, chủ yếu là các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết thực như lương thực thực phẩm, hóa mỹ phẩm, hàng may mặc. Tỷ trọng doanh thu hàng hóa do Việt Nam sản xuất chiếm khá cao, trên 85% hàng hóa trên thị trường Lâm Đồng là hàng hóa trong nước. Hàng nhập khẩu chủ yếu thuộc đối tượng xa xỉ phẩm, ít có hàng nhập ngoại thuộc nhóm nhu cầu thiết yếu. Kết quả này cho thấy, người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng hàng Việt cao và hàng hóa có nguồn gốc Việt Nam được cung ứng rộng rãi trên thị trường.

Sản xuất tăng dần quy mô

Trong 80 cơ sở sản xuất tham gia khảo sát, có trên 50% là các cơ sở, doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất lớn hơn 500 m2. Điều này cho thấy các cơ sở ngày càng quan tâm tới mở rộng quy mô và diện tích phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại Lâm Đồng, hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp đều sản xuất các mặt hàng đặc trưng, có lợi thế của địa phương như rau, hoa, trà, cà phê. Cũng do tính đặc trưng, nguồn gốc của nguyên liệu dùng để sản xuất chiếm trên 91% lấy từ ngay trong tỉnh, từ ngoài tỉnh chiếm xấp xỉ 9%. Các cơ sở đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương để sản xuất hàng hóa. Đây là thuận lợi của doanh nghiệp đồng thời cũng mang lại thịnh vượng cho người nông dân cung ứng nguyên liệu.

Về hàng hóa, các cơ sở sản xuất lớn bắt đầu quan tâm tới các quy chuẩn VietGAP, Global GAP, các công cụ quản lý chất lượng ISO và sử dụng tem truy xuất nguồn gốc (QR code). Một số doanh nghiệp đã chú trọng tới phân phối qua các kênh hiện đại như siêu thị, sàn thương mại điện tử, áp dụng các phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt.

Tăng giá trị hàng Việt

Với nhiều tín hiệu đáng mừng, hoạt động sản xuất, kinh doanh và phân phối hàng Việt trên địa bàn Lâm Đồng vẫn còn nhiều điều để tiếp tục cải tiến. Cụ thể như, với các trung tâm thương mại lớn tại thành phố, thị trấn lớn, hệ thống phân phối “Hàng Việt Nam chất lượng cao” hoạt động khá hiệu quả. Nhưng ở khu vực nông thôn, hàng Việt Nam chất lượng cao chưa được tổ chức phân phối có hệ thống, khiến người tiêu dùng không dễ tiếp cận. Các cơ sở sản xuất nhỏ chưa quan tâm nhiều tới tiêu chuẩn sản phẩm, truy xuất nguồn gốc hay công bố chất lượng sản phẩm. Hàng hóa của các cơ sở nhỏ tiêu thụ chủ yếu qua các kênh truyền thống như đại lý, chợ đầu mối, chưa tham gia vào các chuỗi liên kết hiện đại, hiệu quả hơn.

Dựa trên những kết quả thu thập từ thực tế, nhiều giải pháp được đưa ra với mục tiêu phát triển hệ thống phân phối hàng hóa Việt trên địa bàn tỉnh. Đó là hỗ trợ hộ kinh doanh bán lẻ vùng nông thôn, kết nối nhà sản xuất hợp tác kinh doanh trực tiếp với hệ thống bán lẻ, giảm chi phí trung gian không cần thiết để giảm giá, tăng sức cạnh tranh.

Với doanh nghiệp sản xuất, các hỗ trợ về thông tin, khuyến công, khuyến nông, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc… tiếp tục được cung cấp cho cơ sở, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành hàng hóa. Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, giữ thị trường minh bạch để tạo môi trường kinh doanh công bằng cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202005/phan-phoi-va-san-xuat-hang-hoa-lam-dong-hang-viet-la-uu-tien-cua-thi-truong-3001425/