Phát triển bền vững du lịch ẩm thực ở Việt Nam: Cần chiến lược đồng bộ

Trong bối cảnh ẩm thực Việt Nam ngày càng được công nhận và đánh giá cao trên thế giới, việc cần có những chiến lược đồng bộ và hiệu quả để phát triển bền vững du lịch ẩm thực trở nên cấp thiết.

Tạo dựng thương hiệu ẩm thực quốc gia

Để tạo dựng một thương hiệu ẩm thực quốc gia mạnh mẽ, cần phải có một chiến lược quảng bá đồng bộ và nhất quán. Việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu ẩm thực Việt Nam cần được thực hiện qua các kênh truyền thông quốc tế, các sự kiện ẩm thực lớn và hợp tác với những người nổi tiếng (KOLs).

Trước hết, theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch: “Chúng ta cần nhận diện rõ lợi thế của ẩm thực Việt. Những gì là khác biệt độc đáo, riêng có của chúng ta mà các đối thủ không có để quảng bá, như các món chúng ta mới được Michelin vinh danh chẳng hạn, chúng ta phải có trách nhiệm giữ bản quyền. Các tổ chức cá nhân làm ẩm thực phải đăng ký bản quyền các món ăn, ẩm thực của mình để đảm bảo sau này không có chuyện bắt chước ấy”.

Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội đầu bếp Hà Nội kiêm chủ sở hữu chuỗi Bánh mì Phố - Hà Hải Đoàn cho rằng, đến lúc cần đồng nhất và tiêu chuẩn hóa đối với các món ăn Việt Nam. Chẳng hạn, món phở cần phải có đủ những vị cơ bản để nhận ra đó là phở Việt. Hay như bánh mì, bún chả, bún bò Huế,… phải đảm bảo những yếu tố chung nhất, tránh sự nhầm lẫn với những món khác, ở quốc gia khác.

 Masterchef Phạm Tuấn Hải trình diễn món ăn. Ảnh: Hồng Phượng

Masterchef Phạm Tuấn Hải trình diễn món ăn. Ảnh: Hồng Phượng

“Trong lĩnh vực du lịch, ẩm thực đóng vai trò quan trọng. Cùng với cảnh quan, thì ẩm thực được quan tâm, người ta muốn biết hôm nay được ăn gì, ở đâu. Ẩm thực ở mỗi quốc gia lại có màu sắc riêng của mình. Chúng ta phải làm sao để du khách chưa đến Việt Nam đã biết màu của chúng ta là gì. Khi vào đến Việt Nam, du khách lại nhận thấy ẩm thực có màu sắc riêng của mỗi tỉnh, thành. Khi mà màu sắc chung của đất nước hấp dẫn cho người ta đến, lại có màu sắc riêng của từng địa phương đủ hấp dẫn nữa thì du khách sẽ ở lâu, thậm chí người ta còn quay lại nhiều” - anh Hà Hải Đoàn nhận định.

Có gần 20 năm làm hướng dẫn viên du lịch và từng dẫn hàng nghìn khách quốc tế, anh Nguyễn Viết Kiên đánh giá: “Muốn phát triển du lịch ẩm thực, cần phải xây dựng thành thương hiệu ẩm thực Việt. Cần lấy một số món ăn làm đặc trưng rồi từ đó xây dựng thương hiệu riêng như phở, nem… Ngoài ra, phải chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm, nên có thông tin về ẩm thực rõ ràng bằng tiếng Anh, kể cả ẩm thực đường phố”.

Tận dụng công nghệ và các nền tảng số

Khi xã hội ngày càng phát triển, việc sử dụng công nghệ và các nền tảng số để quảng bá du lịch ẩm thực là rất quan trọng. Các trang web, ứng dụng di động và mạng xã hội có thể đóng vai trò then chốt trong việc giới thiệu và quảng bá ẩm thực Việt Nam đến với du khách toàn cầu.

Ông Nguyễn Hoàng Nam - chuyên gia Công nghệ và Marketing số cho biết: “Công nghệ và các nền tảng số hiện đại là công cụ mạnh mẽ trong việc quảng bá du lịch ẩm thực. Ví dụ, việc phát triển ứng dụng di động Foody.vn, HaNoiGrapevine.com hay Tripadvisor.com với các tính năng đặt chỗ, đánh giá và chia sẻ trải nghiệm có thể giúp du khách dễ dàng tiếp cận và trải nghiệm ẩm thực Việt Nam. Các chiến lược tiếp thị qua mạng xã hội như tổ chức các cuộc thi ẩm thực trên Instagram hay Facebook cũng cần được khai thác triệt để để thu hút sự quan tâm của cộng đồng toàn cầu”.

 Món nem thính truyền thống được các đầu bếp lành nghề chế biến trở nên tinh tế và hấp dẫn hơn. Ảnh: Hồng Phượng

Món nem thính truyền thống được các đầu bếp lành nghề chế biến trở nên tinh tế và hấp dẫn hơn. Ảnh: Hồng Phượng

Là một người đã lớn tuổi nhưng nghệ nhân Nguyễn Thị Ánh Tuyết rất ủng hộ sáng kiến ra mắt App ẩm thực: “Tôi vừa đi dự lễ khai trương App ẩm thực của quận Hoàn Kiếm. Tôi thấy đây là một ý tưởng rất hay và ý nghĩa, có tiềm năng đạt hiệu quả rất cao. Nó như “phát súng” đầu tiên khai sáng cho nền ẩm thực Việt Nam”.

Trong đề án mang tính chiến lược quốc gia, ông Lã Quốc Khánh cho biết Hiệp hội Ẩm thực Du lịch Việt Nam cũng đang xây dựng Bách khoa toàn thư Ẩm thực Việt Nam và cộng đồng kết nối. Dự án này được xem là “Super App” đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực này, với mục tiêu xây dựng một nền tảng toàn diện, nơi kết nối tri thức, cộng đồng và kinh doanh trên quy mô quốc tế.

Phát triển các sản phẩm du lịch ẩm thực độc đáo

Để Việt Nam thu hút du khách, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của du lịch ẩm thực, phát triển các sản phẩm du lịch ẩm thực độc đáo là một chiến lược quan trọng. Bằng cách xây dựng các tour du lịch ẩm thực vùng miền, tour làng nghề truyền thống kết hợp ẩm thực, du khách không chỉ được thưởng thức các món ăn truyền thống mà còn hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa và con người nơi đó. Chẳng hạn như khám phá làng nghề truyền thống làm nước mắm ở Phú Quốc, làm nem chua ở Thanh Hóa, làm bún ở làng Bún Phú Đô (Hà Nội)…

Từng có nhiều năm kinh nghiệm làm đầu bếp, giành nhiều giải thưởng về ẩm thực cũng như am hiểu về ẩm thực du lịch, Masterchef Phạm Tuấn Hải cho rằng đến lúc chúng ta cần đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực đặc thù, độc đáo: “Du khách ngày nay khác trước khi không còn muốn sắm vai những người khách thụ động. Họ thích được tham gia trực tiếp vào các hoạt động, trải nghiệm tại các điểm đến. Nếu như bây giờ mỗi nhà hàng có một trải nghiệm, một phong cách trải nghiệm thì chắc chắn đó sẽ là cái mà khách hàng rất muốn, sẽ cảm thấy thú vị và đến nhiều. Ví dụ, nhà hàng của tôi có nhiều khách hàng đến rất thích làm món cà ri. Họ thích tự làm, từ say, nghiền rồi nấu theo cách của họ. Họ cảm thấy thoải mái và trở lại nhiều hơn”.

Cần thêm nhiều đầu bếp giỏi để nâng tầm ẩm thực Việt

Trong tiến trình thăng hoa của ẩm thực Việt Nam ra thế giới, vai trò của những đầu bếp rất quan trọng trong việc quảng bá, tiếp thị. Là các đầu bếp, hơn ai hết họ nắm được các bí quyết trong việc chế biến và nâng tầm ẩm thực Việt Nam. Những đầu bếp có cơ hội, điều kiện để giới thiệu các món ăn cho du khách, hoặc du khách tiềm năng trên thế giới thông qua các sự kiện như sự kiện văn hóa ẩm thực Việt Nam ở nước ngoài, các hội chợ, hoặc trực tiếp tại nơi họ đang phục vụ…

Khi khẳng định ẩm thực Việt Nam đang có mặt trên bản đồ thế giới, điều đầu tiên tôi phải nghĩ tới đến từ các đầu bếp. Trong vòng thời gian 5 năm trở lại đây, các CLB bếp, các Hiệp hội bếp rồi các chi hội bếp hoạt động rất năng động, nhiệt huyết. Họ kết hợp, giao lưu với nhau và cùng tạo ra rất nhiều các kỷ lục của Việt Nam. Họ mang kinh nghiệm của mình để làm sao đưa ẩm thực Việt Nam mỗi ngày mỗi ngày ra thế giới” - Masterchef Phạm Tuấn Hải cho biết.

Thực tế, Việt Nam có nhiều món ngon nhưng để món ăn ấy ra thế giới phải cần những đầu bếp giỏi để nâng tầm giá trị lên. Chẳng hạn có nhiều khách sạn, các đầu bếp có thể mang những món ăn đơn giản của đời thường nhưng bằng việc chế biến làm cho món ăn ngon hơn, hấp dẫn hơn. “Tôi đặc biệt ấn tượng với khách sạn Indochine. Họ đã cho làm món ăn Việt thường ngày trở nên sang trọng hơn. Vẫn là nộm hoa chuối hay ngó sen, nhưng cách chọn nguyên liệu, chế biến và bài trí của đầu bếp, món ăn trở nên hấp dẫn và tinh tế hơn”, ông Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội chia sẻ.

Chính vì thế, theo chị Nguyễn Thị Hoa - giáo viên tại một trung tâm đào tạo nghề du lịch và ẩm thực ở Hà Nội, đào tạo nhân lực là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Ví dụ, các chương trình đào tạo có thể bao gồm các khóa học chuyên sâu về phục vụ món ăn truyền thống, kiến thức về các nguyên liệu và kỹ thuật nấu ăn đặc trưng. Thông qua đào tạo, đội ngũ nhân viên luôn được cập nhật kiến thức và kỹ năng mới.

Các mô hình hợp tác công - tư có thể giúp tạo ra sự đồng bộ và hiệu quả trong phát triển du lịch ẩm thực. Chính phủ có thể cung cấp khung pháp lý và hỗ trợ tài chính, trong khi doanh nghiệp đóng vai trò chủ động trong việc triển khai và quảng bá sản phẩm.

Hữu Kế

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-trien-ben-vung-du-lich-am-thuc-o-viet-nam-can-chien-luoc-dong-bo-post309785.html