Hàng Việt - Từ làng ra biển lớn

Đưa hàng Việt ra thế giới là một hành trình đầy thử thách, và những người thành công là những người dũng cảm, sáng tạo nhất. Hành trình vượt khó của họ là những câu chuyện truyền cảm hứng. Bởi nhiều trong số họ đều xuất phát từ những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội

Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội

Người kể chuyện làng nghề

Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội rất tâm đắc với chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động gắn văn hóa, du lịch với thương mại. Bà là thế hệ thứ 15 của một gia đình có nghề gốm gia truyền lâu đời. Làng nghề Bát Tràng của bà có hai điểm đặc biệt, một là có nghề rồi mới có làng. Theo giải thích của bà, tổ tiên xưa của làng là làng gốm cổ Bồ Bát (nay là làng Bạch Liên, thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) theo Vua Lý Công Uẩn rời đô ra Thăng Long và mang theo nghề đến lập nên làng Bát Tràng ngày nay. Hai là, có làng mà không có ruộng, vì cư dân ở đây chỉ làm gạch và hàng thủ công mỹ nghệ.

Khi nhu cầu thế giới suy giảm, bà mới thấm thía chủ trương “gắn văn hóa, du lịch với thương mại”. Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt do bà xây dựng là một trong những địa điểm du lịch thú vị của làng nghề Bát Tràng. Ở đây có trên 60 gian hàng của các nghệ nhân. Mỗi gian hàng là một dòng sản phẩm riêng, với những câu chuyện riêng. Đó là những câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn, có thể là chuyện về ý tưởng ban đầu của sản phẩm, biến thiên ra sao trong quá trình sáng tạo; về chuyện họ phải giải quyết những bài toán nào, khi biến ý tưởng thành sản phẩm… Qua đó, du khách cảm nhận được những thông điệp nhân văn và văn hóa, cốt cách con người Bát Tràng.

Trung tâm còn có một khu trại sáng tác để thu hút các nghệ nhân, họa sỹ, những người yêu gốm tạo nên những tác phẩm gốm độc đáo. Trong không gian văn hóa đó, du khách có cơ hội trải nghiệm làm nghề, giao lưu với các thế hệ tiền bối ngay tại vùng sản xuất gốm sứ nổi tiếng.

Theo bà Vinh, Bát Tràng đã thể hiện xuất sắc chủ trương “gắn văn hóa, du lịch với thương mại”. Trong bối cảnh nhu cầu thế giới suy giảm, Bát Tràng vẫn ăn nên làm ra, du khách vẫn tấp nập ra vào. Sợi dây du lịch - thương mại đã tạo ra hệ giá trị văn - hóa - kết - nối hài hòa giữa người tiêu dùng, người sản xuất và nhà phân phối hàng Việt.

“Chỉ khoảng 1 tháng sau đã có đơn hàng đầu tiên, dù khá nhỏ thôi nhưng thời điểm đó chúng tôi rất vui và hạnh phúc”, Giám đốc Indochina JSC Hoàng Thanh Tâm chia sẻ.

“Chỉ khoảng 1 tháng sau đã có đơn hàng đầu tiên, dù khá nhỏ thôi nhưng thời điểm đó chúng tôi rất vui và hạnh phúc”, Giám đốc Indochina JSC Hoàng Thanh Tâm chia sẻ.

Từ một cửa hàng nhỏ tới nhà sản xuất có hơn 3.000 đối tác toàn cầu

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển sáng tạo Đông Dương (Indochina JSC) xuất phát điểm là một cửa hàng bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở 93 Mã Mây (Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ năm 2015, chủ yếu phục vụ khách du lịch quốc tế đến Thủ đô.

Nhận thấy xu hướng yêu thích và ưa chuộng các sản phẩm được bày bán tại cửa hàng, Indochina JSC mạnh dạn thành lập Phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu vào tháng 6/2015, khi ấy chỉ có 3 người gồm Giám đốc Hoàng Thanh Tâm và 2 nhân viên kinh doanh.

Tháng 8/2015, Indochina JSC đăng ký thành công 1 tài khoản Gold Supplier (nhà cung cấp vàng) trên Alibaba.com, bắt đầu những đơn hàng đầu tiên kinh doanh trên sàn thương mại điện tử sau 2 tháng.

“Chỉ khoảng 1 tháng sau đã có đơn hàng đầu tiên, dù khá nhỏ thôi nhưng thời điểm đó chúng tôi rất vui và hạnh phúc”, Giám đốc Indochina JSC Hoàng Thanh Tâm chia sẻ.

Những kết quả kinh doanh thể hiện xu hướng tích cực, khi đến tháng 7/2017, Indochina JSC nâng cấp tài khoản ban đầu từ gói Standard (Tiêu chuẩn) lên Premium (Cao cấp) và tiếp tục đăng ký thêm 1 tài khoản Gold Supplier thuộc ngành hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm nghệ thuật đặc sắc. Ở đây, Indochina JSC tập trung khai thác thế mạnh sản xuất khác nhau, hướng đến đối tượng khách hàng khác nhau và cung cấp các giá trị tiêu dùng khác nhau. 2 tài khoản hoạt động song song cũng giúp tăng độ nhận diện của doanh nghiệp, dễ dàng kết nối những khách hàng tiềm năng chuyên biệt, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận.

Biết đến Indochina JSC qua gian hàng trên Alibaba.com, năm 2017, một đối tác Ả Rập đã tìm đến tận văn phòng và showroom của Indochina JSC để tìm hiểu về thiết kế, mẫu mã sản phẩm. Sau 3 ngày làm việc với cường độ cao, trải qua nhiều lần thương lượng mới đi đến kết quả. May mắn, đối tác đã tin tưởng và đặt hàng 2 container xuất khẩu - một đơn hàng không hề nhỏ đối với doanh nghiệp mới chỉ “chập chững” trên đường ra biển lớn.

“Đến giờ, chúng tôi vẫn là đối tác tốt của nhau”, Giám đốc Indochina JSC Hoàng Thanh Tâm cho biết.

Tham gia thương mại điện tử, Indochina JSC ký kết thành công nhiều hợp đồng lớn, doanh thu xuất khẩu tăng trưởng rõ rệt qua từng năm. Phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu từ 3 nhân viên đã tăng lên 12 nhân viên kinh doanh trong tổng số 20 nhân sự, với nhiều phòng, ban mới như: Phòng Marketing, Phòng Bán hàng, Phòng Mua hàng, Bộ phận Quản lý chất lượng…

Năm 2018, để chủ động nguồn cung, Indochina JSC đầu tư xây dựng một nhà máy đạt tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, trở thành thành viên trong chuỗi cung ứng BSCI, tức doanh nghiệp đáp ứng hệ thống tuân thủ xã hội trong kinh doanh - là hệ thống giám sát xã hội của châu Âu đối với doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Tháng 12/2021, bất chấp khó khăn giữa đại dịch Covid-19, Indochina JSC xây dựng nhà máy thứ 2 ở Chương Mỹ (Hà Nội), tạo điều kiện cho việc kinh doanh liên tục mở rộng.

Đầu tư vào sản xuất cũng là tiền đề để Indochina JSC tự tin đăng ký làm Verified Suppier (nhà cung cấp được xác minh) trên Alibaba.com. Để trở thành Nhà cung cấp được xác minh, Indochina JSC đã trải qua chương trình đánh giá bởi tổ chức giám định độc lập quốc tế SGS, liên quan đến 100 tiêu chí thuộc 8 danh mục, đó là: Đảm bảo hậu mãi, Hồ sơ công ty, Sản phẩm chính, Chất lượng quản lý, Khả năng sản xuất, Khả năng nghiên cứu và phát triển, Khả năng Dịch vụ và Khả năng của chuỗi cung ứng.

Thành công “nâng cấp”, Indochina JSC tiếp tục phát triển hệ thống khách hàng và tập trung thiết kế sản phẩm. Sản phẩm của Indochina JSC được khách hàng biết đến nhiều hơn trước đây, bởi gian hàng có 60 sản phẩm được trưng bày thay vì 20 sản phẩm như trước. Lượng tương tác tăng hơn 50%, lượng khách hỏi hàng tăng gấp 3 lần, số lượng đơn hàng chốt thành công đã tăng hơn 30%,… so với trước đó, phần nào bởi khách hàng hài lòng và yên tâm hợp tác hơn khi tất cả những thông tin về Indochina JSC đã được xác minh bởi SGS và Alibaba.com.

Đến nay, lượng khách ghé vào gian hàng của Indochina JSC trên Alibaba.com mỗi tháng dao động khoảng 20.000 - 30.000, với 300 - 400 yêu cầu nhận hàng. Con số này cao gấp 6 lần trung bình ngành hàng thủ công mỹ nghệ trên Alibaba.com, và giá trị giao dịch của Indochina JSC đã đạt tới 5 triệu USD.

Từ một cửa hàng bán lẻ ở Mã Mây, đến một gian hàng trên thương mại điện tử, Indochina JSC giờ có trong tay 3 nhà máy sản xuất và hệ thống lên tới hơn 3.000 đối tác toàn cầu từ các quốc gia như Mỹ, Canada, Pháp, Đan Mạch, Nhật Bản,...

Lên Tà Xùa để tìm lối đi riêng

Anh Phạm Vũ Khánh sinh năm 1972, vốn là kỹ sư cơ khí tài năng tại Công ty Cổ phần Cơ khí ô tô 3-2. Năm 2005, anh từ bỏ công việc, chuyển hướng sang theo đuổi ngành trà. Điều anh muốn không chỉ làm nhà máy chế biến trà, mà phải chủ động từ vùng nguyên liệu chè, và bắt đầu tư Bản Bẹ, Tà Xùa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La). Khi ấy, Tà Xùa còn chưa có đường, chưa có điện.

Đồng bào ở Tà Xùa chủ yếu thuộc dân tộc H’mông, có nhịp sống khá chậm. Dù sở hữu một trong những giống chè hiếm nhất thế giới là Shan Tuyết, nhưng người dân nơi đây cũng chỉ coi như loại chè bình thường trên rẻo cao, không hề ý thức về giá trị nó có thể mang lại.

Chưa kể, cây chè Shan Tuyết cổ thụ quý hiếm, thậm chí lúc đó còn bị đặt ở vùng quy hoạch bỏ đi. Nguyên nhân búp chè cổ thụ thường rất to, bà con quen xao chè bằng củi lửa, không đủ nhiệt để diệt men, dẫn đến khi ra trà bị đắng, người mua không thích. Búp chè của cây Shan Tuyết cổ thụ chỉ được bán với giá 20.000 đồng/kg chè tươi, trong khi chè của cây mới trồng lại bán được giá 40.000/kg, nghịch lý vô cùng.

Biết là khó, nhưng anh Khánh vẫn quyết tâm làm. Anh đến sống với người dân Tà Xùa, học tiếng H’mông, dành hàng năm trời để khảo sát khoanh vùng nguyên liệu, hỗ trợ người dân với tư cách cá nhân. Sau đó, anh thành lập Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (TAFOOD), khởi động việc đem chè Shan Tuyết xuống núi với thương hiệu Shanam - có nghĩa là trà Shan Tuyết Việt Nam.

Vì chè là cây ăn lá, nếu hái đúng kỹ thuật thì mùa sau cây sẽ lại ra nhiều búp hơn, và cứ như vậy sản lượng sẽ tăng. Hơn nữa, nếu hái đúng kỹ thuật “một tôm hai lá” thì chè Shan Tuyết thực sự là “vàng xanh, vàng trắng” giúp bà con thay đổi cuộc sống.

Nhưng để bà con hiểu được việc đó cũng không đơn giản. Những ngày đầu, bà con vẫn hái theo cách lâu nay làm, búp ra đến đâu hái đến đó. Đến ngày hái chè, hôm thì bà con bận đi đám cưới, hôm lại bận làm nương, vậy là qua ngày tốt cho thu hoạch.

Để giúp bà con, TAFOOD bắt tay với địa phương thành lập Hợp tác xã Trà Tà Xùa. Hợp tác xã một mặt dạy bà con cách hái đúng, chọn chè tốt; mặt khác đứng lên thu mua cho bà con, đưa chè đạt tiêu chuẩn vào nhà máy của TAFOOD. Nhà máy bao tiêu hết cả vùng nguyên liệu của Hợp tác xã, bà con không lo về đầu ra, yên tâm gắn bó với Công ty.

Đồng thời, TAFOOD cũng tuyên bố mua chè Shan Tuyết với giá 40.000 đồng/kg chè tươi, bà con không cần chế biến mà chỉ cần hái đúng kỹ thuật, ai hái đúng kỹ thuật thì bán được chè giá cao hơn, bà con vui vẻ làm theo. Hiện giá mua chè tươi bình quân của TAFOOD tại Tà Xùa là 80.000 đồng/kg, chè của một số nhà hái theo kỹ thuật cao mức giá lên tới 150.000-160.000 đồng/kg, có thể nói là cao nhất Việt Nam.

Dần dần, người dân nơi đây hình thành được ý thức và thấy yêu cây chè hơn, hiểu rõ giá trị và lợi ích mình có được.

Bà con Tà Xùa những ngày đầu được tuyển vào nhà máy làm công nhân còn không biết chữ, cán bộ đến dạy mấy tháng liền cũng chỉ biết ký tên, giờ đã đọc thông, viết thạo và thậm chí giao tiếp với người Kinh rất giỏi. Đến nay, công nhân thu mua chè nguyên liệu, công nhân trong nhà máy và cả nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng của Shanam ở Tà Xùa đều là người H’mông, được trả lương, được mua bảo hiểm, biết dùng máy vi tính.

Cũng nhờ tăng thêm giá trị cho cây chè, thu nhập ổn định, bà con có vốn mở rộng nuôi trâu, bò, đầu tư trang trại rau màu. Từ một xã Vùng III đặc biệt khó khăn, nhiều bà con Tà Xùa mua sắm được những tiện nghi đắt tiền như tivi, tủ lạnh, xe máy…

Nhờ dự án của TAFOOD, lãnh đạo địa phương đã đầu tư một con đường bê tông nối với bản Bẹ. 200 cây chè Shan Tuyết có tuổi đời từ 124 đến 280 năm nằm ở bản Bẹ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Còn về TAFOOD, thay vì sử dụng địa danh Tà Xùa làm thương hiệu trà, Công ty xây dựng thương hiệu Shanam, giữ vững chính sách “3 phải”: Người hái chè phải là bà con dân tộc; người bảo vệ cây chè phải là bà con; người hưởng lợi từ cây chè phải là bà con.

Đến nay, thương hiệu Shanam đã đủ mạnh để “bảo lãnh” cho thương hiệu những cây chè Shan Tuyết cổ thụ ở Tà Xùa. Không chỉ thành công chinh phục thị trường trong nước, với 50 dòng trà khác nhau, Shanam cũng ghi dấu ấn trên thương trường quốc tế, đạt giải Bạc (không có giải Vàng) tại cuộc thi trà khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giải Đồng thế giới tại Pháp dành cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng có sản phẩm đặc biệt tốt trên toàn thế giới; được Tổ chức Tea Epicure của Hoa Kỳ xếp vào Top 1 dòng trà xanh trên thế giới với số điểm là 94/100 điểm.

Mô hình tại Tà Xùa cũng được TAFOOD đưa đến nhân rộng tại Sùng Đô (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) - nơi có 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ đã được công nhận là quần thể Cây Di sản Việt Nam.

Nguyễn Văn - Thy Thảo

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/hang-viet-tu-lang-ra-bien-lon-129505.htm