Hàng Việt vẫn gặp khó ngay trên 'sân nhà'
Dù ngày càng nâng cao vị thế, song hàng hóa sản xuất trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Nguyên nhân là bởi hàng ngoại ngày càng thâm nhập nhiều vào thị trường khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp nội phải làm mới mình để giữ thế chủ động trên 'sân nhà'.
Đối mặt nhiều thách thức
Theo Bộ Công Thương, sau hơn 14 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng tiêu dùng sản xuất trong nước đang bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối. Nổi bật như tại hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước (gồm Co.opMart, WinMart, BRG Retail) hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn, từ 80 đến 90%... Các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như Aeon, Central Retail, MM Mega Market, LotteMart… cũng đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc sản vùng miền và giữ tỷ lệ hàng Việt ngày càng cao.
Không những vậy, hàng Việt còn vào các kênh phân phối trực tuyến và tận dụng tốt ưu thế của thương mại số để phân phối tới các vùng miền. Giám đốc Đối ngoại, Công ty TNHH Shopee Việt Nam Phan Mạnh Hà cho biết, thương mại điện tử đang thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt. Như từ tháng 5 đến tháng 12-2023, Shopee đã thực hiện các chương trình tôn vinh nông sản Việt, trong đó giới thiệu 16 đặc sản trên 10 tỉnh, thành phố.
Cũng theo Bộ Công Thương, sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương trong các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam đã đóng góp vào việc duy trì mức tăng trưởng của thương mại trong nước và hỗ trợ đầu ra cho sản xuất trong nước. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường trong nước đã đóng góp vào việc tăng trưởng các ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như ngành sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, góp phần tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, hàng Việt đang đối mặt với nhiều thách thức ngay trên sân nhà. Nhiều mặt hàng ngoại nhập đang có xu hướng chuyển dịch mạnh vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam sau khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực. Tỷ trọng hàng ngoại nhập trong hệ thống phân phối, đặc biệt là kênh thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng tăng và được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo thống kê của Metric (nền tảng số liệu thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp, thương hiệu và nhà bán), trong 6 tháng đầu năm 2023, 3 nền tảng thương mại điện tử nước ngoài gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada đã chiếm 90% doanh thu của thị trường “số” tại Việt Nam (ước đạt 75,3 nghìn tỷ đồng). Các kênh bán hàng trực tuyến này đã đưa đến tận tay người tiêu dùng Việt Nam nhiều hàng hóa nước ngoài có giá cả cạnh tranh, hợp thị hiếu và xu hướng thời trang, có thời gian vận chuyển ngày càng rút ngắn.
Bên cạnh đó, nhiều chuỗi bán lẻ nước ngoài (cả trực tuyến và trực tiếp) đã tích cực đầu tư, mở rộng hệ thống cửa hàng vật lý, kho hàng tại Việt Nam để phân phối hàng ngoại nhập nhất là mỹ phẩm, hàng dệt may, da giày, thực phẩm chức năng, đồ nội thất và gia dụng, sản phẩm phục vụ bà mẹ và trẻ em…
Tiếp cận khách hàng “đa điểm chạm”
Năm 2023, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt con số 180 tỷ USD và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Đồng thời, xu hướng tiêu dùng của người Việt đã có nhiều thay đổi, trong đó hướng tới tiêu dùng xanh, bền vững hoặc mua ít hơn nhưng lựa chọn sản phẩm chất lượng cao hơn. Bên cạnh đó có một bộ phận người tiêu dùng dành chi tiêu nhiều hơn cho hàng hiệu.
Theo các chuyên gia, để đón đầu cơ hội này, các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với trách nhiệm xã hội, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, mở rộng kênh phân phối trong nước.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Thị Thu Thủy, việc nắm bắt và đáp ứng các xu hướng tiêu dùng là yếu tố then chốt để doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có thể cạnh tranh và phát triển.
“Để làm chủ được sân chơi của chính mình, doanh nghiệp cần xây dựng được chiến lược hiệu quả, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo những sản phẩm mang tính khác biệt và giá trị...”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy nói.
Hiện nay, với sự bùng nổ của thương mại điện tử, áp lực cạnh tranh về hàng hóa ngày càng trở nên khốc liệt hơn, trong khi người tiêu dùng chuyển dịch nhiều hơn sang mua sắm trực tuyến. Không chỉ giới trẻ mà hiện một tỷ lệ không nhỏ người tiêu dùng đứng tuổi đã thành thạo với việc mua hàng trực tuyến, đưa tổng số 60,7% người tiêu dùng mua sắm trên internet hằng tuần tại Việt Nam. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp phải làm mới mình, nhanh chóng chuyển đổi số để tiếp cận khách hàng.
Cụ thể, theo ông Đỗ Hữu Hưng, chuyên gia về thương mại điện tử, thương mại số bùng nổ trên tất cả các kênh, các hình thức. Vì thế, doanh nghiệp, nhà bán hàng cần tiếp cận “đa điểm chạm” (như website, ứng dụng của doanh nghiệp, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử…) để người dùng ở mọi kênh dễ dàng tiếp cận và mua hàng ở bất kỳ đâu.
Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai 4 nhóm giải pháp bao gồm: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng; hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; đổi mới công tác quản lý thị trường.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hang-viet-van-gap-kho-ngay-tren-san-nha-653398.html