Hành động giúp cứu mạng chàng trai trong vụ cháy 2 người chết ở TP.HCM
Căn nhà một trệt, 4 lầu nằm trong hẻm trên đường số 10 (phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức) xảy ra hỏa hoạn khiến 2 vợ chồng tử vong, 4 người nhập viện.
Trao đổi với Tri Thức - Znews trưa 27/12, bác sĩ Hoàng Trần Bá, khoa Bỏng - Vi phẫu tạo hình, Bệnh viện Quân Y 175 (Bộ Quốc phòng), cho biết cả ba bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu tại đơn vị này là B.P.A.K. (23 tuổi), V.Q.B. (25 tuổi) và T.M.T. (25 tuổi).
Qua khám lâm sàng, các nạn nhân không có dấu hiệu bỏng trên bề mặt da. Tuy nhiên, họ có triệu chứng bỏng hô hấp như nói khàn, đau rát vùng hầu họng, lông mũi bị cháy xém nhẹ. Các bác sĩ đang theo dõi tình trạng phù nề thanh môn và đánh giá tác động của các độc tố mà bệnh nhân có thể đã hít phải.
"Các bệnh nhân vẫn phải nằm lại viện để theo dõi một thời gian. Nếu xảy ra tình trạng cần cấp cứu, các bác sĩ sẽ can thiệp kịp thời", bác sĩ Bá nói.
Trên giường bệnh, nam thanh niên kể lại thời điểm xảy ra hỏa hoạn, anh vừa ngủ dậy thì bất ngờ điện bị ngắt và nghe thấy tiếng hô hoán từ bên ngoài. Anh lập tức mở cửa gọi các phòng bên cạnh, nhưng khói nhanh chóng tràn vào.
Trong tình huống nguy cấp, anh dùng áo nhúng nước từ bồn cầu để bịt mũi và miệng, sau đó lấy vòi sen xịt nước khắp phòng nhằm giảm nhiệt và ngăn khói lan thêm. Anh kịp gọi 114 báo cháy, và 10 phút sau lực lượng cứu hỏa có mặt dập lửa. Nhân viên cấp cứu 115 đã đưa anh đến bệnh viện ngay sau đó.
Thiếu tá, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Mai, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Quân Y 175, cho biết khi xảy ra cháy, đặc biệt là cháy nhà, bệnh nhân thường hít phải khói và bụi có nhiệt độ rất cao, dẫn đến nguy cơ bỏng hô hấp. Tình trạng này có thể gây suy hô hấp nghiêm trọng.
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân cần được đặt ống thở khẩn cấp để tránh nguy cơ tử vong. Bác sĩ nhấn mạnh việc nội soi thanh quản sớm là cần thiết để đánh giá mức độ tổn thương và đưa ra phương pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Đối với 3 ca bỏng hô hấp này, sau khi soi, bệnh nhân được thở khí dung kịp thời. Như vậy, sẽ giúp cho tiến trình hồi phục của bệnh nhân nhanh hơn và giảm gánh nặng về hô hấp cho bệnh nhân. Bác sĩ phải điều trị đa mô thức cho cả 3 bệnh nhân phối hợp với tất cả chuyên khoa, từ hô hấp, bỏng cho đến hồi sức.
"Chúng tôi sẽ kiểm tra tình trạng của bệnh nhân hàng ngày, để đánh giá tình trạng hô hấp, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp", bác sĩ Mai chia sẻ.
Trước đó, vào khoảng 5h45 ngày 27/12, người dân phát hiện căn nhà một trệt, 4 lầu nằm trong hẻm trên đường số 10 (phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức) xảy ra cháy nên hô hoán, tìm cách dập lửa nhưng không hiệu quả.
Nhận tin báo, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an TP Thủ Đức đã điều động nhiều cán bộ, chiến sĩ cùng xe chữa cháy chuyên dụng đến hiện trường và nhanh chóng dập tắt đám cháy.
Bác sĩ Nguyễn Khoa Lý, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Việt (TP Thủ Đức), cho biết kíp cấp cứu 115 của bệnh viện xuống hiện trường. Có 7 người bị thương được đưa tới trạm y tế phường Tăng Nhơn Phú B, trong đó 4 người được chuyển đến Bệnh viện Quân dân y Miền Đông.
Trung tá, bác sĩ chuyên khoa II Phan Hữu Hùng, Giám đốc Bệnh viện Quân dân y miền Đông, cho biết bệnh viện tiếp nhận 4 trường hợp cấp cứu thì 3 người có dấu hiệu bỏng đường hô hấp đã được chuyển đến Bệnh viện Quân Y 175 điều trị. Một người đang điều trị tại đây, hiện sức khỏe tạm ổn.