Hành động ngay vì hệ sinh thái!

Trong báo cáo vừa công bố, Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc tiếp tục cảnh báo về những mối đe dọa toàn cầu, trong đó có sự sụp đổ của hệ sinh thái. Thêm một lần nữa tiếng chuông cảnh báo lại được gióng lên về hậu quả nghiêm trọng khi con người không cắt giảm mạnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Lòng 1 con đập khô cạn ở Graaff-Reinet, Nam Phi, ngày 14/11/2019. Ảnh: REUTERS

Lòng 1 con đập khô cạn ở Graaff-Reinet, Nam Phi, ngày 14/11/2019. Ảnh: REUTERS

Gần 200 quốc gia đã nhất trí với báo cáo nêu trên trong đó nêu chi tiết về tác động đang gia tăng của tình trạng trái đất ấm lên. Báo cáo chỉ ra những hậu quả được đo đếm cụ thể đối với tình trạng tuyệt chủng các loài, sự sụp đổ của hệ sinh thái, hiện tượng nắng nóng chết người, thiếu nước và giảm năng suất trồng trọt.

Chỉ trong năm 2021, thế giới chứng kiến một loạt trận lũ lụt, nắng nóng bất thường và cháy rừng nghiêm trọng chưa từng thấy ở khắp các châu lục. Tác động xấu được dự báo còn phức tạp trong những thập niên tới, kể cả khi thế giới nỗ lực giảm đà tăng của nhiệt độ trái đất. Có tới 14% số loài sinh vật trên cạn phải đối mặt nguy cơ tuyệt chủng “rất cao” với kịch bản nhiệt độ toàn cầu tăng 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Con số này có thể tăng lên 18% và 29% với kịch bản mức tăng lần lượt là 20C và 30C.

Biến đổi khí hậu đã và đang góp phần gây ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo và thúc đẩy sự dịch chuyển ở mọi khu vực trên thế giới. IPCC cảnh báo, hơn 1 tỷ người ở các vùng ven biển đối mặt nguy cơ ngập lụt vào giữa thế kỷ này. Các thành phố và khu tái định cư ven biển sẽ đối mặt thách thức lớn để bảo vệ tính mạng con người và tài sản trước mối đe dọa về triều cường và các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng. Hậu quả là gần 50% dân số thế giới; khoảng 3,3 tỷ đến 3,6 tỷ người rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu.

Tác động của các đợt nắng nóng gây chết người, hạn hán, bão lớn càng trở nên nghiêm trọng do việc sử dụng đất và đại dương thiếu kiểm soát. Bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái được khẳng định là nền tảng cho sự phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Liên hợp quốc kêu gọi chung tay bảo tồn 30%-50% diện tích đất và đại dương trên thế giới.

Hiệp hội Chữ thập Ðỏ và Trăng lưỡi liềm Ðỏ quốc tế (IFRC) đã đề nghị hành động khẩn cấp và tài trợ của địa phương, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương nhất, để chống lại tác động tàn khốc của cuộc khủng hoảng khí hậu. Phản ứng đối với dịch Covid-19 đã chứng minh rằng, các chính phủ có thể hành động dứt khoát và quyết liệt khi đối mặt với các mối đe dọa toàn cầu.

Giới khoa học nhận định, các tác động và rủi ro của biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương, cũng như bất bình đẳng xã hội và kinh tế. Ðiều này làm gia tăng thách thức, nhất là ở các khu vực đang phát triển, các vùng ven biển, đảo nhỏ, sa mạc, vùng núi và vùng cực. Maarten van Aalst, tác giả chính của báo cáo nêu trên cho biết, văn kiện lần này là một hồi chuông cảnh tỉnh cho thấy những rủi ro mà chúng ta lo ngại đang đến nhanh hơn nhiều. Tuy nhiên, chưa quá muộn và thế giới vẫn có thể giảm lượng khí thải để tránh điều tồi tệ nhất.

Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu kêu gọi hạn chế mức tăng của nhiệt độ trái đất ở ngưỡng 20C và lý tưởng nhất là ở dưới 1,50C. Báo cáo IPCC công bố hồi tháng 8/2021 cho biết, mức tăng nhiệt của trái đất chắc chắn vượt ngưỡng 1,50C. Hãy hành động ngay trước khi quá muộn!

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/binh-luan-quoc-te/hanh-dong-ngay-vi-he-sinh-thai--687605/