Hành động quyết liệt ngăn thực phẩm giả hoành hành

Thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng đang len lỏi vào bữa ăn hằng ngày của người dân, không chỉ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng mà còn làm suy giảm niềm tin xã hội, bóp méo thị trường và làm khó công tác quản lý.

Người dân sử dụng thực phẩm trong lo sợ

Cuối tháng 4/2025, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh phát hiện một cơ sở sản xuất “nước mắm” từ nước lã pha muối, hương liệu tổng hợp và phẩm màu công nghiệp không rõ nguồn gốc. Chủ cơ sở khai nhận tiêu thụ trung bình hơn 1.000 lít mỗi tháng, bán chủ yếu cho các quán ăn bình dân tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Hàng nghìn hộp sữa bột giả mang nhãn hiệu Sure IQ bị cơ quan Công an thu giữ. Ảnh: BCA

Hàng nghìn hộp sữa bột giả mang nhãn hiệu Sure IQ bị cơ quan Công an thu giữ. Ảnh: BCA

Tại tỉnh Tây Ninh, hơn 2 tấn “hạt nêm” nghi có pha bột đá và chất độn công nghiệp bị niêm phong. Còn tại TPHCM, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ hàng ngàn chai tương ớt “nhái” thương hiệu nổi tiếng, bên trong chứa dung dịch không đạt tiêu chuẩn vệ sinh.

Không chỉ gia vị, thực phẩm tươi sống cũng bị làm giả. Đồng thời, sữa, bột ăn dặm, bánh kẹo... cho trẻ em cũng là đích nhắm của một số cơ sở vì lợi nhuận cao. Bằng chứng là vụ việc do Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ gần 600 loại sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Tình trạng thực phẩm giả ngày càng phức tạp hơn khi những người nổi tiếng cũng góp phần quảng bá cho những sản phẩm này, bất chấp tính mạng của người dân dưới sự điều khiển của lợi ích. Vụ việc hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam về hành vi lừa dối khách hàng theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự vào ngày 19/5 là một ví dụ điển hình. Cơ quan điều tra cho biết, hoa hậu này đã góp vốn vào Công ty Chị Em Rọt để cùng hợp sức thổi phồng công dụng sản phẩm bán ra thị trường, sau đó nhận về 7 tỷ đồng.

Trước tình trạng thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng như hiện nay, cộng thêm thông tin hàng loạt vụ việc sản xuất hàng giả được phản ánh mỗi ngày, người tiêu dùng cảm thấy như mình đang sống trong lo sợ. Rõ ràng là mua đồ ăn để chế biến cho gia đình, mua đồ bổ cho người thân sử dụng để nâng cao sức khỏe mà họ rất lo mua nhầm thuốc độc.

Niềm tin bị bào mòn, thị trường bị bóp méo

Vừa qua, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã đề nghị Viện Dinh dưỡng quốc gia khẩn trương kiểm tra, rà soát nội dung truyền thông, quảng cáo các sản phẩm Nestlé Milo. Cụ thể là việc quảng cáo Nestlé Milo được thử nghiệm lâm sàng của Viện Dinh dưỡng quốc gia.

Trong khi theo phản hồi từ Viện Dinh dưỡng quốc gia, thực tế đây chỉ là một đề tài nghiên cứu khoa học, không phải nghiên cứu lâm sàng theo đúng định nghĩa chuyên môn. Điều này đồng nghĩa với việc Milo đã cường điệu hóa kết quả nghiên cứu, khiến người tiêu dùng dễ hiểu lầm.

Thực phẩm giả không chỉ là nỗi lo của người dân mà còn là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thực phẩm giả làm suy yếu các chuẩn mực chất lượng, khiến thị trường trở nên hỗn loạn và thiếu công bằng. Người tiêu dùng khó phân biệt được hàng thật - hàng giả, gây chán nản cho các doanh nghiệp chân chính, trong khi những kẻ làm giả ngày càng tinh vi hơn.

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, riêng trong năm 2024, cả nước phát hiện hơn 3.500 vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, con số này chỉ là phần nổi. Một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường thừa nhận: “Chúng tôi chỉ kiểm soát được phần nhỏ trong hệ thống phân phối chính thức. Còn các chợ tạm, chợ cóc, bán online, thì gần như không thể quản lý hết”.

Đối với thực phẩm chức năng, không quá khi nói rằng người tiêu dùng Việt Nam từ lâu đã bị lạc vào “ma trận” thật giả lẫn lộn của các loại sản phẩm này. Những vụ việc gần đây khiến người tiêu dùng chưa từng hoang mang và mất niềm tin đến vậy. Trong bối cảnh này, không ít người tiêu dùng đang đặt dấu hỏi lớn về công tác quản lý thị trường cũng như giám sát an toàn thực phẩm (ATTP).

Điển hình, ngày 13/5 vừa qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thuộc Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Thanh Phong - nguyên Cục trưởng Cục ATTP cùng 4 cán bộ khác về tội nhận hối lộ. Việc khởi tố này nằm trong quá trình mở rộng điều tra vụ án làm giả hàng trăm tấn thực phẩm chức năng do Nguyễn Năng Mạnh (Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MEDIUSA) và đồng phạm thực hiện.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, bước đầu đã làm rõ việc bị can Nguyễn Năng Mạnh thông đồng, móc nối và đưa tiền “lobby” cho một số lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục ATTP. Từ đó, các lãnh đạo, cán bộ này bỏ qua các vi phạm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thẩm định, hậu kiểm, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất và Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (cấp phép sản xuất) đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng.

Lỏng lẻo trong kiểm soát

Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến thực phẩm giả có “đất sống” là do hệ thống kiểm soát ATTP còn chồng chéo, phân tán.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự công bố sản phẩm, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm. Thủ tục tự công bố khá đơn giản, hồ sơ không phức tạp và không mất phí, doanh nghiệp có thể sản xuất ngay mà không cần cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ. Một số doanh nghiệp đã lách luật, tự công bố các sản phẩm thuộc nhóm đáng lẽ cần phải được cơ quan quản lý thẩm định, gây xáo trộn thị trường và đe dọa sức khỏe người sử dụng.

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, thực phẩm chức năng đang được quản lý theo cơ chế hậu kiểm. Tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm ra thị trường, đăng ký kinh doanh, tiến hành công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Y tế/sở y tế và chịu trách nhiệm.

Tùy loại sản phẩm, cơ quan quản lý sẽ tiến hành hậu kiểm và xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định pháp luật về thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Lá chắn” hậu kiểm được coi là biện pháp duy nhất để kiểm soát các sản phẩm này. Thế nhưng thực tế việc hậu kiểm chưa đạt như kỳ vọng.

Người tiêu dùng tự cứu mình

Trong bức tranh đầy phức tạp về ATTP, vai trò của người tiêu dùng là yếu tố không thể bỏ qua. Theo Cục ATTP, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR trên bao bì sản phẩm, từ đó truy xuất thông tin về nguồn gốc, ngày sản xuất, hạn sử dụng và các dữ liệu liên quan đến sản phẩm. Bên cạnh đó, Cục ATTP khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua hoặc sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, đặc biệt là những sản phẩm được quảng cáo và bán qua hình thức livestream hoặc “xách tay” mà không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Việc mua bán các sản phẩm không được công bố hợp pháp là hành vi vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng.

Thực phẩm giả không chỉ là câu chuyện về sức khỏe và lợi nhuận. Đó là cuộc chiến giữa lòng tham và lương tri. Để chiến thắng, không thể chỉ trông chờ vào một vài đợt kiểm tra hay vài cuộc thanh tra chớp nhoáng. Rất cần một nỗ lực từ thể chế đến nhận thức, từ công nghệ đến đạo đức xã hội. Và cuộc chiến này không thể trì hoãn thêm nữa.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hanh-dong-quyet-liet-ngan-thuc-pham-gia-hoanh-hanh-10306249.html