Hành động quyết liệt, nỗ lực bứt phá tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh
Qua 2/3 chặng đường năm 2023, bức tranh KT-XH của Hà Tĩnh đã nổi lên nhiều gam màu sáng. Từng cơ hội tiếp tục được tận dụng, các động lực chính được lên kịch bản kỹ lưỡng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH của năm.
Nhiều chỉ số ấn tượng
Giữa tháng 8, Tổ máy số 1 - Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 chính thức vận hành trở lại sau hơn 2 năm ngừng hoạt động. Đây là một trong những tín hiệu tích cực, kỳ vọng góp phần vào tăng trưởng ngành công nghiệp và nền kinh tế tỉnh trong những tháng cuối năm.
Theo ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công thương, Tổ máy số 1 - Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 vận hành, hòa lưới điện quốc gia trở lại đã đưa chỉ số ngành sản xuất điện trong tháng 8 và 8 tháng tăng cao so với cùng kỳ. Cùng với tăng trưởng ở một số nhóm ngành mũi nhọn khác, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2023 đã đạt mức tăng 4,37%. Nếu tình hình sản xuất các doanh nghiệp (DN) diễn ra thuận lợi, Nhà máy Sản xuất Pin VinES đi vào hoạt động thì chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 dự kiến sẽ đạt mục tiêu đề ra.
Cùng với công nghiệp, ngành thương mại - dịch vụ ghi nhận những tín hiệu tích cực. Trong 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt gần 38.500 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ tổ chức tốt hoạt động thu hút du khách, ngành du lịch thắng lợi, đặc biệt là du lịch biển, đưa doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tăng 26,51% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất khẩu 8 tháng là gam màu tươi sáng trong bức tranh kinh tế với kim ngạch đạt hơn 1,9 tỷ USD, tăng 63% so với cùng kỳ 2022. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn diễn ra thuận lợi với năng suất vụ lúa xuân đạt cao nhất từ trước đến nay. Những ngày này, đồng lúa đang hẹn hò mùa gặt hè thu với tiếp nối niềm tin thắng lợi.
Thêm một niềm vui của khối ngành kinh tế khi kết quả thu ngân sách 8 tháng đạt hơn 11.500 tỷ đồng, bằng 60,5% dự toán HĐND tỉnh giao. Con số này minh chứng cho sự quyết tâm, quyết liệt của các cơ quan tài chính trong bối cảnh nền kinh tế, hoạt động DN còn nhiều khó khăn. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tập trung cao, kịp thời tháo gỡ các “điểm nghẽn”, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án. Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao hơn tỷ lệ chung của cả nước.
Nhiệm vụ xây dựng NTM tiếp tục nhận được sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành và sự đồng thuận của Nhân dân. Cùng đó, tỉnh cũng tập trung triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy phát triển SXKD, nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút đầu tư. Trong 8 tháng, toàn tỉnh có 819 DN thành lập mới và 11 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm và giành nhiều thành quả. Giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định với những kết quả vượt bậc, trong đó, phải kể đến tấm huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế của em Đinh Cao Sơn - Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.
Chính sách giảm nghèo bền vững, hoạt động an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân, hỗ trợ học sinh nghèo… được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho Nhân dân.
Theo đánh giá của Sở KH&ĐT, từ đầu năm tới nay, bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều bất lợi cho việc phát triển KT-XH. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành; các sở, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ, khắc phục khó khăn, tạo được nhiều điểm sáng về KT-XH, đảm bảo tốt an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Sức bật từ các động lực tăng trưởng
Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 có ý nghĩa quan trọng đối với thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Những “quả ngọt” đạt được trong 2/3 chặng đường đầu năm là động lực để Hà Tĩnh tiếp tục vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ.
Trên cơ sở kết quả những tháng đầu năm và đánh giá các yếu tố có tác động lớn đến nền kinh tế, các ngành đã tính toán kịch bản tăng trưởng, khả năng thực hiện kế hoạch năm 2023 để xây dựng nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm với các giải pháp khả thi. Theo phân tích của Cục Thống kê, cùng với Tổ máy số 1 - Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 hòa lưới trở lại thì các yếu tố như: dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 dự kiến đến cuối năm 2023, lũy kế giải ngân đạt khoảng 36.000 tỷ đồng; hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp có những tín hiệu tích cực hơn là những động lực được kỳ vọng tạo sức bật cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Cục trưởng Cục Thống kê cho rằng, Tổ máy số 1 - Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã vận hành trở lại, nếu Nhà máy Sản xuất Pin VinES đi vào hoạt động trong quý III/2023 và các yếu tố tăng trưởng khác như thương mại - dịch vụ, sản xuất thép, hoạt động lĩnh vực xây dựng… diễn ra ổn định, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch thì tăng trưởng GRDP có thể đạt trên 8% như kế hoạch.
Về nhiệm vụ những tháng cuối năm, ông Trần Việt Hà - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Để đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, các cấp, ngành cần tiếp tục nỗ lực, quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội để phát triển KT-XH. Trong đó, cần tập trung các nhiệm vụ trọng tâm như: thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, các dự án đang triển khai; quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN, hỗ trợ SXKD, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, cần quan tâm các hoạt động an sinh xã hội, đời sống người dân, đảm bảo an ninh trật tự.
Với sự nỗ lực, tăng tốc của các cấp, ngành, địa phương, DN và “đòn bẩy” từ những động lực tăng trưởng đã được xác định, Hà Tĩnh hoàn toàn có cơ sở bứt phá, chinh phục mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt trên 8%.