Hành động sớm để chủ động trước thiên tai

Đồng Nai vừa triển khai Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2024 với chủ đề Hành động sớm - chủ động trước thiên tai. Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT).

Người nuôi cá bè tại huyện Định Quán bị thiệt hại nặng do thiên tai năm 2023. Ảnh: B.Nguyên

Người nuôi cá bè tại huyện Định Quán bị thiệt hại nặng do thiên tai năm 2023. Ảnh: B.Nguyên

Trong đó, vai trò của công tác truyền thông có ý nghĩa rất quan trọng nhằm nâng cao năng lực, nhận thức của cộng đồng, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương trong công tác PCTT; sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai.

* Cảnh báo giai đoạn giao mùa

Ngày 15-5-2024, trên địa bàn huyện Trảng Bom xuất hiện mưa lớn kèm theo lốc xoáy, gió giật mạnh quét qua địa bàn xã Thanh Bình làm trên 100 hécta chuối cấy mô đang trong thời gian trổ buồng và thu hoạch bị gãy đổ. Uớc tính thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.

Trước đó, mưa lớn kèm theo gió lốc cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà vườn trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Tân Phú đồng loạt rụng trái, hàng trăm gốc sầu riêng bị gãy đổ, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân. Ngoài ra, mưa dông đã quật ngã nhiều cây trồng, làm tốc mái nhiều công trình xây dựng, gây ngập cục bộ, ảnh hưởng đến hệ thống điện… tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, một trong số nhiệm vụ trọng tâm trong PCTT năm 2024 là: kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị phòng, chống thiên tai bổ sung để thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn về người và tài sản trong phòng tránh thiệt hại do thiên tai gây ra.

Những cơn mưa lớn xuất hiện vào giai đoạn giao mùa làm cho nước trên bờ cuốn theo rác thải, các chất ô nhiễm đổ xuống các sông, suối cũng là nguyên nhân gây ra những vụ cá chết hàng loạt, thiệt hại lớn về tài sản cho các khu vực nuôi cá bè ở 2 huyện Định Quán, Tân Phú và thành phố Biên Hòa. Chỉ tính riêng năm 2023, 189 lồng bè nuôi thủy sản tại các huyện Định Quán, Tân Phú bị cuốn trôi với gần 1,7 ngàn tấn cá bị chết và thoát ra sông, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy dự báo, năm 2024, thời kỳ chuyển mùa bắt đầu muộn hơn mọi năm. Từ đầu tháng 5 đến nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa to và dông như ở thành phố Long Khánh, Tân Phú, Định Quán, Trảng Bom… Thời kỳ chuyển mùa cần đề phòng dông lốc, sét, mưa đá xuất hiện nhiều, cường độ mạnh vào tháng 5 và sau các đợt giảm mưa. Trong các tháng 6-7, khả năng vẫn có nắng nóng cục bộ diễn ra ở một vài nơi với nhiệt độ cao. Lũ đầu mùa có khả năng xảy ra vào khoảng tháng 7, lũ chính vụ xuất hiện vào các tháng 8-10.

* Triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó

Với phương châm Hành động sớm - chủ động trước thiên tai, từ tỉnh đến các địa phương trên địa bàn Đồng Nai đều đồng bộ triển khai công tác xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án PCTT năm 2024 ngay từ sớm. Trong đó, chú trọng công tác rà soát các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai để bổ sung vào phương án ứng phó theo từng ngành, địa phương, đơn vị.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Ngô Tấn Tài, thực hiện phương châm phòng là chính, ngay từ thời kỳ giao mùa, Huyện ủy, UBND huyện Định Quán đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, địa phương trên địa bàn huyện xây dựng các kế hoạch, phương án chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai thường hay xảy ra trên địa bàn. Trọng tâm là công tác PCTT trong nuôi thủy sản trên sông Đồng Nai và sông La Ngà. Khi có thiên tai xảy ra, các hộ nuôi thủy sản trên sông thường bị ảnh hưởng rất lớn về kinh tế, công tác khắc phục thiệt hại đòi hỏi phải có thời gian.

Tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa lũ là nội dung được đặc biệt chú ý trong công tác PCTT năm 2024. Đặc biệt là công tác tổ chức kiểm tra các công trình phòng, chống thiên tai, đặc biệt là hồ chứa thủy lợi, thủy điện; duy tu, sửa chữa kịp thời những hạng mục hư hỏng, mất an toàn để đảm bảo vận hành an toàn công trình trong mùa mưa lũ.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, nhiệm vụ trọng tâm đang được doanh nghiệp tập trung thực hiện là tổ chức kiểm tra trước mùa mưa lũ nhằm đánh giá lại tình trạng và năng lực của từng công trình hồ chứa để có kế hoạch duy tu, sửa chữa các hạng mục hư hỏng nhằm đảm bảo hoạt động phục vụ sản xuất và an toàn công trình trong mùa mưa lũ. Doanh nghiệp đã tiến hành kiểm kê số lượng vật tư phòng, chống lụt bão dự trữ tại các hồ chứa, bổ sung đầy đủ vật tư cần thiết và thay thế các vật tư hư hỏng tại các công trình trọng điểm. Ngoài ra, công tác vận hành điều tiết hồ chứa; công tác quan trắc mực nước hồ và đo lượng mưa được đảm bảo chính xác; công tác duy tu, bảo dưỡng công trình, thiết bị… được chú trọng, đảm bảo an toàn hồ, đập, công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/hanh-dong-som-de-chu-dong-truoc-thien-tai-14e59e1/