Hành lang pháp lí, GV, người dạy thêm ngoài nhà trường nên biết để tránh vi phạm
Bài viết cung cấp một số hành lang pháp lí có liên quan đến việc dạy thêm, học thêm nhằm giúp giáo viên nắm thêm thông tin.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2025.
Thông tư này có một số quy định mới và không phải giáo viên nào cũng hiểu rõ. Bài viết này cung cấp một số hành lang pháp lí theo quy định hiện hành có liên quan đến việc dạy thêm, học thêm nhằm giúp giáo viên nắm thêm thông tin.
![Ảnh minh họa: Doãn Nhàn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_231_51417514/a4db27381e76f728ae67.jpg)
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn
Dạy học online có cần đăng ký kinh doanh dạy thêm?
Một trong những yêu cầu về đối với tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh được quy định tại Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT là phải đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh có quy định đối tượng không phải đăng ký kinh doanh bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại như sau:
(1) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
(2) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
(3) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
(4) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
(5) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
(6) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp cũng nêu các trường hợp hộ kinh doanh không cần phải đăng ký kinh doanh gồm:
- Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối;
- Người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến;
- Người kinh doanh lưu động;
- Người kinh doanh thời vụ;
- Người làm dịch vụ có thu nhập thấp.
Như vậy, trừ các ngành nghề và đối tượng liệt kê ở trên, thì cá nhân có hoạt động thương mại thường xuyên, liên tục đều bắt buộc phải đăng ký kinh doanh. Do đó, nếu thực hiện dạy thêm online cần phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh.
Người không có bằng sư phạm được đăng ký kinh doanh dạy thêm không?
Từ ngày 14/02/2025, Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, mã ngành nghề để dạy thêm, học thêm là các dịch vụ dạy kèm (gia sư) theo Phụ lục II của Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về hệ thống ngành kinh tế Việt Nam là nhóm giáo dục khác chưa được phân vào đâu (mã ngành 8559) hiện không thuộc danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư.
Riêng với mô hình kinh doanh trung tâm ngoại ngữ, tin học, Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT có yêu cầu giám đốc trung tâm phải đáp ứng các điều kiện về bằng cấp nhưng không bắt buộc phải có bằng sư phạm:
- Tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ ngoại ngữ tối thiểu bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương (đối với giám đốc trung tâm ngoại ngữ).
- Tốt nghiệp đại học tin học hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản theo Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hoặc tương đương theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông (đối với giám đốc trung tâm tin học).
Như vậy theo quy định hiện hành, người không có bằng sư phạm có thể đăng ký kinh doanh dạy thêm.
Giáo viên về hưu có được dạy thêm không?
Học thêm để bồi dưỡng, nâng cao, nắm chắc kiến thức là nhu cầu của không ít học sinh. Bên cạnh đó, việc học với các giáo viên có kinh nghiệm như giáo viên lâu năm, giáo viên về hưu cũng là sự lựa chọn của nhiều phụ huynh.
Tại Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có quy định rõ về các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm như sau:
(1) Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
(2) Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
(3) Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Như vậy, căn cứ quy định trên không cấm giáo viên về hưu dạy thêm. Do đó, giáo viên về hưu vẫn được dạy thêm khi Thông tư 29 có hiệu lực.
Tuy nhiên giáo viên về hưu cũng cần lưu ý là không được tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học (kể cả tiền tiểu học), trừ khi dạy thêm thuộc 01 trong 03 trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.
Giáo viên dạy thêm đóng thuế như thế nào?
Thuế đối với hộ kinh doanh kinh doanh dạy thêm:
Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC và Thông tư 213/2013/TT-BTC, hộ kinh doanh tổ chức dạy thêm phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được quy định tại Điều 10 Thông tư 40/2021/TT-BTC như sau:
Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân x Tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân
Từ 01/01/2026, ngưỡng doanh thu nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng của cá nhân, hộ kinh doanh tăng lên 200 triệu đồng theo quy định tại Điều 5, Điều 17, khoản 2 Điều 18 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024.
Không đăng ký kinh doanh dạy thêm phạt thế nào?
Đối với vi phạm về đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP như sau:
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cá nhân, các thành viên hộ gia đình đăng ký kinh doanh nhiều hơn một hộ kinh doanh;
b) Không được quyền thành lập hộ kinh doanh nhưng vẫn thành lập hộ kinh doanh;
c) Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định;
d) Không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
Như vậy, dạy thêm theo hình thức hộ kinh doanh nhưng không thực hiện đăng ký: Phạt tiền từ 05 đến 10 triệu đồng đối với cá nhân; tổ chức bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.
Đối với vi phạm về thành lập doanh nghiệp quy định tại khoản 4 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP như sau:
4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký;
b) Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh.
Như dẫn chiếu ở trên, dạy thêm theo hình thức doanh nghiệp mà không thực hiện đăng ký: Phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng đối với tổ chức; cá nhân vi phạm bị phạt từ 25 đến 50 triệu đồng.