Hạnh phúc nơi nhà bán trú
Nhà xa trường tới gần chục cây số, đường núi gập ghềnh, mưa rét, khó lòng đến trường. Đó chỉ là những khó khăn trong quá khứ, còn nay, nhà bán trú ấm áp là nơi con chữ neo đậu, nơi mà học trò vùng cao xã Nậm Cang, thị xã Sa Pa (Lào Cai) có được niềm hạnh phúc.
Trường THCS Nậm Cang nằm ở trung tâm xã Nậm Cang, cách trung tâm thị xã Sa Pa gần 40 cây số. Trường được xây dựng khang trang giữa một vùng núi rừng trùng điệp. Năm học này, Trường THCS Nậm Cang có 128 học sinh, trong đó có 54 học sinh ở bán trú. Nhiều em khoảng cách nhà xa trường tới gần chục cây số, gần thì 5-6 cây, đường núi đi khó khăn và gập ghềnh. Ở lại bán trú là điều thuận lợi nhất đối với các em. Thầy giáo Nguyễn Quốc Đại, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, hiện nay, Trường THCS Nậm Cang có dãy nhà bán trú với 4 phòng ở, đủ đáp ứng nhu cầu ăn ở, học tập tại trường của hơn 50 học sinh người dân tộc Mông, Dao. Học sinh vùng cao Nậm Cang rất vui khi được ở nhà bán trú. Cũng chính vì thế, nhiều năm nay, nhà trường giảm đi nhiều áp lực về sĩ số, bỏ học và hoàn cảnh gia đình của học sinh. Các em hoàn toàn yên tâm ở lại trường với sự chăm lo của thầy, cô giáo. Ở bán trú, hằng tháng, mỗi em được Nhà nước hỗ trợ 15kg gạo và khoảng 600.000 đồng để phục vụ chi phí sinh hoạt, học tập. “Ngôi nhà bán trú Nậm Cang đối với học sinh người Mông, người Dao nơi đây như một gia đình ấm áp. Các em sống đoàn kết, biết yêu thương, tự giác và biết làm những công việc để phục vụ chính việc học tập, ăn ở, sinh hoạt của mình”, thầy giáo Nguyễn Quốc Đại chia sẻ.
Tại đây, nhà trường tổ chức ăn cơm bán trú đều đặn ngày 3 bữa, trong đó có một bữa ăn sáng. Các thầy, cô giáo thay phiên nhau phụ trách bán trú, thuê người nấu ăn. Bữa nào các em cũng ăn tập trung, được ăn cơm nóng sốt, đủ khẩu phần, ăn no. Sau giờ tan học, các em trở về nhà bán trú, tập trung vào bếp ăn để cùng nhau ăn cơm đầm ấm, vui vẻ.
Học sinh bán trú Nậm Cang được thầy, cô giáo dạy các kỹ năng cần có để đáp ứng cho cuộc sống bán trú như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm các công việc như chăm sóc bản thân, ăn ở vệ sinh, biết làm sạch, đẹp khu nhà ở của mình, được tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sau giờ học và quan trọng là kỹ năng tự học.
Để có được những bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng, ngon miệng, thầy và trò nhà trường còn làm một khu vườn rau bán trú với diện tích 800m2. Với khu vườn này, thầy và trò nhà trường trồng khá nhiều loại rau, mùa nào thức nấy như: Cải bắp, cải củ, su su, su hào, rau ngót...; thầy và trò còn nuôi thêm đàn gà, mấy con lợn để cải thiện vào bữa ăn hằng ngày và tổ chức các bữa ăn vào dịp tết, Trung thu... Sau giờ học, các em học sinh tích cực làm các công việc, có tốp chăm sóc vườn rau, có nhóm chăm đàn gà, đàn lợn, có nhóm quét dọn nhà cửa... Em nào cũng tỏ ra chăm chỉ trong công việc.
Mùa này, tiết trời ở Nậm Cang rét và buốt, nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C. Do chưa có bình nước nóng nên phụ huynh học sinh đã góp củi để các em đun nước nóng tắm rửa hằng ngày. Em Đặng Văn Long, dân tộc Dao, học sinh lớp 8 cho biết: “Chúng em phân thành các nhóm thay nhau đun nước để bạn nào cũng có nước nóng tắm, rửa mặt đều đặn”.
Em Giàng Thị Phượng, dân tộc Mông, học sinh lớp 9 chia sẻ: “Chúng em cảm thấy rất hạnh phúc khi được học tập ở ngôi trường khang trang, được ở lại nhà bán trú, được thầy, cô chăm lo chu đáo. Chúng em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng các thầy, cô giáo”.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/hanh-phuc-noi-nha-ban-tru-607250