Hạnh phúc tuổi trẻ: Cách để thoát khỏi nỗi sợ hãi
Có lần, khi đang đi dạo ở California, đột nhiên tôi nghe thấy một âm thanh rin rít chói tai vang lên. Tôi nhìn về phía phát ra tiếng động và nhảy lùi lại vì trên đường, ngay trước mặt tôi, có một con rắn đuôi chuông lớn.
Con rắn đuôi chuông này khá to và béo. Tôi đứng cách nó vài bước chân và hai bên quan sát nhau. Tôi có thể thấy rõ tất cả hoa văn trên da nó, cái đầu to, đôi mắt không chớp - rắn không có mí mắt - và chiếc lưỡi đen cứ thò ra thụt vào.
Cuộc sống của chúng ta là do sự sợ hãi nhào nặn nên
Chúng tôi tiếp tục quan sát nhau thêm một lúc, rồi nó bắt đầu di chuyển ra xa, nhưng khi nó làm vậy, tôi tiến đến gần hơn, thế là con rắn cuộn người lại, sẵn sàng tấn công. Chúng tôi cứ làm thế ít nhất là nửa giờ đồng hồ. Lúc đó, con rắn đã khá mệt mỏi và không biết phải làm gì. Cuối cùng, nó lại bắt đầu di chuyển ra xa, nhưng vẫn giữ đầu và đuôi hướng về phía tôi, sẵn sàng cuộn người lại tấn công nếu tôi đến quá gần. Sau đó nó lặng lẽ biến mất vào bụi rậm.
Hãy vận dụng cách ấy để quan sát mọi nỗi sợ hãi nảy sinh trong bạn. Dù bạn sợ rắn, sợ cha mẹ, sợ một học sinh khác, sợ giáo viên, hay sợ hãi dưới bất kỳ hình thức nào khác, đừng chạy trốn mà hãy quan sát nó, hoài nghi về nó, tìm ra nỗi sợ hãi đó là gì. Hãy quan sát nỗi sợ hãi của bạn và học hỏi từ nó.

Bạn có biết sợ hãi là gì không? Ngay từ nhỏ, chúng ta đã bắt đầu sợ. Chúng ta sợ người lớn, cha mẹ, giáo viên. Khi chúng ta lớn lên, nỗi sợ hãi này vẫn tiếp tục; hầu hết mọi người trên thế giới – người già cũng như người trẻ – đều có cảm giác sợ hãi lạ thường này.
Người lớn có quyền trừng phạt bạn, đuổi bạn ra ngoài hoặc yêu cầu bạn phải ở trong phòng; và thế là ở trường cũng như ở nhà, chúng ta liên tục bị đào luyện trong nỗi sợ. Cuộc sống của chúng ta là do sự sợ hãi nhào nặn nên, từ nhỏ cho đến khi chết đi, chúng ta đều sợ hãi. Và bạn đã bao giờ quan sát bản thân khi đang sợ hãi chưa, bụng dạ bạn thắt lại, bạn toát mồ hôi, bạn gặp ác mộng như thế nào? Bạn không thích ở bên những người khiến bạn sợ hãi. Cùng với nỗi sợ hãi đó, chúng ta đến trường, và cùng với nỗi sợ hãi, chúng ta rời trường để gặp gỡ điều lạ thường này, dòng suối bao la sâu thẳm vô tận mà ta gọi là cuộc sống.
Vì vậy, đối với tôi, dường như điều có tầm quan trọng trước hết là chúng ta được dạy dỗ để thoát khỏi nỗi sợ bởi vì sợ hãi làm tâm trí ta bị trì trệ, làm suy nghĩ bị tê liệt và tạo ra bóng tối. Chừng nào còn sợ hãi, chúng ta sẽ không thể tạo ra một thế giới mới. Bây giờ, hãy tìm hiểu nỗi sợ hãi, thâm nhập vào đó. Đừng nói “Tôi sợ” và chạy trốn. Hãy quan sát nó, đối mặt với nó, tìm ra lý do tại sao bạn sợ hãi.
Một trong những nguyên nhân gây ra sợ hãi là so sánh. Xã hội chúng ta hoạt động dựa trên sự so sánh và chúng ta nghĩ so sánh là điều cần thiết để có thể phát triển. Khi một giáo viên so sánh bạn với một người có lẽ khôn lanh hơn một chút, họ bảo bạn: “Hãy khôn lanh như người khác”. Để làm cho bạn tích cực, chăm học như những cô bé, cậu bé khác, họ chấm điểm bạn, thế là bạn không ngừng đấu tranh, cạnh tranh; bạn ghen tỵ với người khác.
Vậy nên so sánh nuôi dưỡng lòng đố kỵ, ghen tỵ; và ghen tỵ là khởi đầu của sợ hãi. Khi bạn so sánh bản thân với người khác, người khác đó quan trọng hơn bạn. Bạn, với tư cách một cá nhân có năng lực riêng, khuynh hướng, khó khăn riêng, có những vấn đề riêng, không hề quan trọng, mà người kia mới quan trọng. Thế là bạn bị gạt sang một bên và chỉ còn cách nỗ lực để trở nên giống một ai khác. Nỗ lực đó sinh ra ghen tỵ và sợ hãi.
Chính tâm trí tạo ra sự sợ hãi
Có nỗi sợ rắn, sợ những kẻ bắt nạt trong lớp, sợ cha mẹ, sợ xã hội, sợ những nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị. Làm sao bạn có thể thoát khỏi tất cả những nỗi sợ này? Bởi vì nếu không thoát khỏi nỗi sợ, cả quãng đời còn lại bạn sẽ sống trong bóng tối. Bạn có thể sở hữu một ngôi nhà đẹp với đèn điện sáng loáng, bạn có thể kết hôn với một người tốt, nhưng nếu sợ hãi dưới bất kỳ hình thức nào, bạn vẫn sẽ luôn luôn sống trong bóng tối. Vì vậy, điều quan trọng là phải tìm ra cách thoát khỏi sợ hãi.
Muốn vậy, trước hết bạn phải biết rằng mình đang sợ hãi. Và thứ hai, bạn không được chạy trốn mà phải nhìn thẳng vào nó. Khi ý thức được rằng mình đang sợ hãi, bạn chạy trốn nó, phải không? Bạn cầm lấy một cuốn sách hoặc ra ngoài đi dạo; bạn cố quên nó đi. Bạn ý thức được nỗi sợ hãi đó và không biết làm sao để giải quyết nó. Bạn thật sự sợ cả việc phải nhìn thẳng vào nó, vì vậy bạn chạy trốn nó theo nhiều hướng khác nhau. Bạn liên tục cố gắng trốn tránh vấn đề của mình, nhưng điều đó sẽ không giúp bạn giải quyết. Bạn phải đối mặt với nó.
Nếu bạn muốn tìm hiểu một con chim, muốn quan sát hình dạng của đôi cánh, đôi chân, cái mỏ của nó, bạn phải đến rất gần nó, phải không? Tương tự, nếu sợ hãi, bạn phải nhìn thật kỹ vào nỗi sợ của mình. Một khi chạy trốn nó, bạn chỉ làm nỗi sợ tăng thêm. Sợ hãi là thứ tồn tại trong mối liên quan với một thứ khác; nó không tự tồn tại. Nó tồn tại trong mối liên quan với con rắn, với những gì cha mẹ hoặc giáo viên của bạn có thể nói, hoặc liên quan đến cái chết. Nó phải dính dáng đến một thứ gì đó.
Tự thân sự sợ hãi không phải là một thứ riêng biệt; nó tồn tại trong sự tiếp xúc, trong sự liên quan, trong sự đụng chạm đến một điều khác. Bạn có ý thức, nhận thức được rằng bạn sợ hãi trong mối liên quan đến một thứ khác không? Bạn không sợ cha mẹ hay giáo viên của mình sao? Tôi hy vọng là không, nhưng chắc hẳn bạn có sợ. Bạn không sợ rằng mình có khả năng không vượt qua được các kỳ thi sao? Bạn không sợ người ta sẽ không nghĩ về bạn một cách đàng hoàng, tử tế và nói rằng bạn là người tốt sao? Bạn không biết những nỗi sợ hãi của chính mình ư?

Sách "Hạnh phúc tuổi trẻ" (Happy is the one who is nothing) của J. Krishnamurti.
Vậy nên, trước tiên bạn phải biết mình sợ hãi điều gì. Vậy thì bạn cũng phải biết, tâm trí phải biết tại sao nó sợ hãi. Sợ hãi có phải là một thứ tách rời với tâm trí không? Chẳng phải chính tâm trí đã tạo ra sợ hãi, bởi vì nó nhớ lại quá khứ hoặc nó tự phóng chiếu mình vào tương lai sao? Sợ hãi hủy hoại mọi thứ, và để thoát khỏi sợ hãi, người ta phải hiểu cách tâm trí tạo ra nỗi sợ.
Không có cái gọi là sợ hãi ngoại trừ những gì do chính tâm trí tạo ra. Tâm trí muốn nơi trú ẩn, tâm trí muốn sự an toàn, tâm trí có vô số hình thức của tham vọng tự bảo vệ; và chừng nào tất cả những điều đó còn tồn tại, bạn sẽ còn sợ hãi. Hiểu rõ tham vọng, hiểu rõ uy quyền là điều rất quan trọng; cả hai đều là dấu hiệu của nỗi sợ hãi có sức tàn phá khủng khiếp này.
Theo Hạnh phúc tuổi trẻ (Happy is the one who is nothing) của J. Krishnamurti.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/hanh-phuc-tuoi-tre-cach-de-thoat-khoi-noi-so-hai-234903.html