Hạnh phúc vẹn tròn của đôi vợ chồng khuyết tật

Một mái ấm hạnh phúc với những người con ngoan hiền, khỏe mạnh là ước mơ của mọi gia đình. Đối với những người không may mắn bị mất đi một phần thân thể thì mơ ước tưởng chừng hết sức bình dị ấy lại là kết quả của quá trình phấn đấu bền bỉ để vượt qua mặc cảm của bản thân, nỗ lực hòa nhập cộng đồng. Gia đình chị Hà Thị Tuyết - anh Lê Văn Quốc ở thôn Liêm Công Tây, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh là một trường hợp như thế.

 Chị Tuyết chăm sóc vườn tiêu

Chị Tuyết chăm sóc vườn tiêu

Men theo con đường làng phảng phất mùi cay nồng của hạt tiêu bà con tranh thủ phơi buổi sớm, chúng tôi đến gia đình chị Tuyết, anh Quốc. Lúc này chị Tuyết chuẩn bị ra vườn thu hoạch tiêu. Nhìn chị Tuyết với vóc dáng nhỏ nhắn một mình di chuyển chiếc thang đặt lên những gốc tiêu rất cao bằng động tác nhanh nhẹn, khéo léo, ai chứng kiến cũng đều phải cảm phục. Bởi người phụ nữ này làm tất cả công việc chỉ bằng 1 cánh tay phải, cánh tay kia đã không may mất hẳn sau một tai nạn thương tích. Tạm ngừng công việc, tiếp chuyện chúng tôi, chị Tuyết cho biết hằng ngày vợ chồng chị cùng phụ nhau làm nhưng hôm nay có người thuê nên anh tranh thủ ra ngoài làm thêm. Được biết, cơ thể anh Quốc cũng không được lành lặn và khỏe mạnh như người bình thường. Trong căn nhà kiên cố, rộng rãi, hướng ánh nhìn rạng rỡ về phía một bé trai, một bé gái khỏe mạnh, xinh xắn đang nô đùa cùng các bạn hàng xóm, chị khoe đấy chính là “trái ngọt” của anh chị sau gần 10 năm gắn bó, cũng ngần ấy thời gian đồng cam cộng khổ vượt qua bao khó khăn không sao kể xiết.

Chị Tuyết và anh Quốc gặp nhau trong thời gian vào làm thuê tại thành phố Đà Nẵng. Hai con người, hai mảnh ghép số phận song ở họ có điểm chung không mong muốn vì cơ thể không lành lặn. Có lẽ vì vậy mà anh chị đồng cảm, quyết định đến với nhau bằng tất cả tình yêu thương, sự sẻ chia và thấu hiểu. Năm 2010, chị Tuyết theo chồng về quê tại xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh. Thử thách lớn nhất mà chị Tuyết đối diện được gói gọn bằng 2 chữ “ Ba không”: Không nhà cửa, không đất sản xuất và không việc làm. Hai bên nội ngoại lại nghèo, đông con, chẳng thể giúp gì, anh chị phải xin sống nhờ nhà một người quen trong vùng, làm thuê mọi việc để sống qua ngày. Được 1 năm, thấy hoàn cảnh quá khó khăn, chính quyền địa phương cấp cho anh chị một mảnh đất gần đó. Có đất song không thể cất nổi căn nhà, dù chỉ tranh tre, vách đất, anh chị buộc phải dựng một lều tạm làm bằng 4 cọc tre và bạt nilon. Khổ nhất có lẽ vào thời điểm chị mang thai và sinh bé gái đầu lòng vào năm 2012. Niềm vui được làm bố làm mẹ lớn bao nhiêu thì nỗi lo lắng làm thế nào để lo cho con những thứ cơ bản nhất càng đè nặng lên suy nghĩ, tấm thân ốm yếu của 2 vợ chồng bấy nhiêu. Vốn đã vất vả giờ cơ cực, thiếu thốn chồng chất. Trong căn lều dột nát, anh chị chỉ biết mưa đâu che đó, những lúc gió thổi lớn phải bế con xin tá túc hàng xóm vì căn lều có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Như hiểu thấu khát khao, sự dũng cảm quyết định sinh con để có một mái ấm đúng nghĩa của bố mẹ, bé rất ngoan và khỏe mạnh. Nhìn con lớn từng ngày, nghĩ đến tương lai, anh chị động viên nhau không được phép nản chí, buông xuôi. Với trọng trách to lớn của một người chồng, người cha, anh Quốc như quên hết đau đớn, mệt mỏi, ngoài giúp vợ chăm con, anh nhận phụ hồ khắp nơi để có đồng ra đồng vào. Chị Tuyết đợi con cứng cáp, ban ngày tranh thủ ai thuê gì làm nấy, đêm đến lại cần mẫn ra ruộng mò cua bắt ốc bán kiếm tiền phụ thêm cùng chồng. Với bản tính thật thà, chăm chỉ, chịu thương chịu khó, anh chị càng được mọi người quý mến, giúp đỡ. Năm 2013, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể xã, đặc biệt là Hội LHPN xã Vĩnh Thành quan tâm, kêu gọi sự trợ giúp từ mọi nguồn lực, hỗ trợ gần 45 triệu đồng để gia đình chị Tuyết xây dựng nhà ở. Có sự giúp đỡ vô cùng quý giá, anh chị như được tiếp thêm sức mạnh, dồn hết tâm sức vào việc xây nhà. Để tiết kiệm chi phí cũng như công thợ, anh chị không kể ngày đêm, tự mình khai hoang, giải phóng mặt bằng diện tích đất gần 2 ha, tranh thủ vận chuyển vật liệu và làm luôn thợ phụ… Ngày ngôi nhà xây kiên cố, thoáng mát chính thức hoàn thiện không chỉ mang đến niềm vui lớn cho riêng hai vợ chồng mà cả thôn, cả làng ai ai cũng mừng cho anh chị.

Có nơi an cư rồi, vợ chồng chị quyết tâm tìm hướng phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Sau nhiều suy tính, anh chị mạnh dạn vay 25 triệu đồng từ kênh vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đầu tư trồng gần 50 gốc tiêu và dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt, gà, ngỗng. Trong quá trình sản xuất, anh chị luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi. Ban ngày bận việc, chị Tuyết tranh thủ đăng kí tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại xã vào ban đêm. Có những buổi chị ẵm theo con nhỏ cùng đến lớp. Từ những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được, anh chị áp dụng linh hoạt, hiệu quả vào các mô hình kinh tế hiện có tại gia đình nên cả vườn tiêu lẫn đàn gia súc, gia cầm đều phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế khả quan. Dần dần anh chị trả hết số tiền vay từ ngân hàng, tích cóp được một số vốn. Thời gian sau đó, anh chị đầu tư thêm chuồng trại, trồng cỏ nuôi bò. Không dừng lại ở đó, 2 vợ chồng còn thuê đất sau nhà đào hồ nuôi cá, làm thêm ruộng lúa… Đặc biệt cũng thời gian này, gia đình chị Tuyết vui mừng đón thêm thành viên mới là một bé trai kháu khỉnh, nay đã gần tròn 2 tuổi. Sau gần 8 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, từ bàn tay trắng, thuộc diện hộ nghèo nhất xã, năm 2014 gia đình anh chị vươn lên được hộ cận nghèo và năm 2018 chính thức thoát nghèo, cuộc sống ngày càng ổn định.

Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Thành Trần Thị Nguyên chia sẻ: “Điều đáng quý ở vợ chồng chị Tuyết, anh Quốc mặc dù cơ thể không lành lặn nhưng bằng ý chí, quyết tâm anh chị đã vượt lên số phận, phát triển kinh tế, tạo lập cuộc sống, xây đắp nên hạnh phúc vẹn tròn, trở thành tấm gương về tinh thần vượt khó để tiếp thêm nghị lực và niềm tin mạnh mẽ đối với những người khuyết tật về một tương lai tươi sáng…”.

Nguyễn Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142187