Hành trang để vững bước lập thân, lập nghiệp

Bản lĩnh, trẻ trung, thông minh, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sau hai năm xung phong lên biên giới, thực hiện nhiệm vụ trong Khu Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) Ea Súp (nằm trên địa bàn các xã Ia R'vê và Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), các trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) Đoàn KT-QP 737 (Quân khu 5) có sự trưởng thành, tiến bộ vượt bậc, nhiều đồng chí vinh dự được kết nạp Đảng, tặng giấy khen.

Cuối năm 2023, trong lúc bổ củi, dọn nhà, ông Lang Thanh Hải (40 tuổi, trú tại thôn 5, xã Ia R’vê) không may bị bọ cạp cắn vào tay gây sưng tấy, đau nhức rất khó chịu. Tuy đã chủ động hút máu, nặn độc, sát khuẩn cẩn thận, song cảm giác hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh ngày càng trầm trọng.

Tại Bệnh xá quân dân y Đoàn KT-QP 737, được Trung tá, bác sĩ Phùng Bá Cường, Bệnh xá trưởng trực tiếp thăm khám, kiểm tra, cho uống thuốc chống sốc, chống dị ứng và truyền dịch, sức khỏe của ông Hải đã khá hơn. Lo lắng cho sức khỏe người bệnh, đêm ấy, y tá, TTTTN Trần Thị Út Lương thường xuyên túc trực, chườm khăn ấm, kẹp nhiệt độ, đo huyết áp, bón từng thìa cháo khiến ông Hải cảm thấy rất ấm lòng, xúc động. Tròn hai năm gắn bó với mảnh đất biên cương đầy nắng và gió bụi, đã rất nhiều lần chị Út Lương và các TTTTN của Bệnh xá quân dân y được phân công tham gia những chuyến xe cấp cứu, chuyển viện, giúp các bệnh nhân bị rắn cắn, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, điện giật, đuối nước... qua cơn thập tử nhất sinh.

Y tá, TTTTN Trần Thị Út Lương cho biết: “Tuyến đường độc đạo nối Khu KT-QP Ea Súp với trung tâm huyện hiện đang bị xuống cấp trầm trọng. Mùa mưa, nhiều đoạn bị ngập úng, sình lầy khiến các phương tiện qua lại rất khó khăn, vất vả. Có đêm, trên đường đưa một phụ nữ trẻ có dấu hiệu chuyển dạ sinh non đi cấp cứu, xe của chúng tôi bị vướng sình lầy, không thể qua được. Bí quá, mọi người phải chạy vào các nhà dân xung quanh mượn cuốc, xẻng, đòn kê, nhờ người ra hỗ trợ. Công việc xong xuôi, ai cũng lấm lem bùn đất, mệt đến rã rời, nhưng khi chứng kiến sản phụ “vượt cạn” thành công, em bé bụ bẫm, khôi ngô, kháu khỉnh, mọi vất vả, khó khăn như được đền đáp xứng đáng. Từ lần ấy, ngoài các trang thiết bị y tế chuyên dụng, trên xe cứu thương, chúng tôi chuẩn bị thêm những chiếc xẻng pháo, cuốc chim để sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu có thể xảy ra trong quá trình chuyển viện”.

Cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 hướng dẫn học sinh xã Ia R’vê học bài.

Cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 hướng dẫn học sinh xã Ia R’vê học bài.

Là những kỹ sư nông, lâm nghiệp, cử nhân tài chính, kế toán, tin học, ngoại ngữ, y tá, điều dưỡng, bác sĩ thú y trẻ, mới ra trường, với nhiệt huyết, khát khao cống hiến, khẳng định bản thân, thời gian qua, theo sự phân công của cấp ủy, chỉ huy đơn vị, các TTTTN Đoàn KT-QP 737 tích cực bám nắm địa bàn, chung tay hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc, ấm no.

Gần dân, gắn bó với dân, khi thiên tai, mưa lũ, hình ảnh những chiến sĩ áo xanh tình nguyện cứu hộ, cứu nạn, bất chấp hiểm nguy, đưa người dân vùng lũ đến nơi tránh trú an toàn; khi nắng hạn kéo dài, ngày ngày cần mẫn chở từng can nước sạch đến giúp dân đã trở nên quen thuộc, gần gũi với hàng vạn đồng bào ở vùng biên. Các chương trình: “Áo ấm tặng mẹ Việt Nam anh hùng”; “Bữa cơm ấm lòng trẻ vùng biên”; “Vườn mít, vườn xoài đoàn kết”; “Ngày hội bánh chưng xanh vì người nghèo vùng biên”; “Giọt máu nghĩa tình”... do đội ngũ TTTTN tham mưu, hưởng ứng và phát động thực sự là chất keo gắn kết tình cảm quân dân máu thịt nơi biên cương Tổ quốc.

Hai năm qua, nhờ những lớp phụ đạo hè, phụ đạo tối của các TTTTN Đoàn KT-QP 737, nhiều em nhỏ có học lực kém ở thôn 8, thôn 9 (xã Ia R’vê) nay có thể giải được những bài toán khó, biết kể chuyện, đọc thơ, giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà.

TTTTN H’Dream Niê, nhân viên Ban Chính trị cho biết: “Do thiếu sân chơi và sự quản lý, quán xuyến của người lớn nên ngày nghỉ, giờ nghỉ, trẻ em nơi vùng sâu, vùng xa thường rủ nhau đi tắm sông, tắm suối; leo trèo cột điện, cây cao tìm bắt tổ chim, hái xoài, hái ổi... tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, điện giật, mất an toàn rất cao. Quá trình phụ đạo, ngoài củng cố, truyền dạy kiến thức, chúng tôi chú trọng bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng sống cho các em, nhất là việc dạy trẻ tập bơi, kỹ thuật sơ cấp cứu, băng bó vết thương, kỹ năng phòng vệ, tránh bị kẻ xấu xâm hại, tấn công, dụ dỗ, những số điện thoại đường dây nóng... Từ một cử nhân ngữ văn sống khá nội tâm, nhút nhát, sau thời gian gắn bó với màu áo xanh tình nguyện, giờ đây tôi thêm tự tin, vững bước trên hành trình mới. Cảm ơn môi trường Quân đội, cấp ủy, chỉ huy đơn vị và những người dân hiền lành, chất phác nơi vùng biên đã luôn quan tâm, đồng hành, giúp đỡ để chúng tôi phấn đấu, rèn luyện, vươn lên trở thành công dân có ích”.

Gương mặt rạng ngời, niềm tự hào, phấn khởi của đảng viên trẻ Trần Thị Út Lương, Y Rô Gin Niê, H’Dream Niê, Trần Anh Quốc, Trần Thị Thu Hiền, Nguyễn Cảnh Thắng... trước ngày “ra quân” là minh chứng sinh động, rõ nét về tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt khó vươn lên của các TTTTN Đoàn KT-QP 737 suốt thời gian qua. Những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm tích lũy được trong môi trường quân ngũ sẽ là hành trang quan trọng để họ tự tin, vững bước lập thân, lập nghiệp trên hành trình mới.

Bài và ảnh: HÀ LÊ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/hanh-trang-de-vung-buoc-lap-than-lap-nghiep-768877