Hành trang trái tim người lính Cụ Hồ

Chạy trốn lệnh quân dịch của ngụy quyền Sài Gòn, quyết tâm theo cách mạng, ông Đỗ Thám góp một phần xương máu giành độc lập, hòa bình cho dân tộc. Trong thời bình, phát huy vai trò của người lính Cụ Hồ, thương binh, đảng viên Đỗ Thám không ngừng lao động, sản xuất và trao trọn ân tình vì đồng bào nghèo. Ông trở thành 'phao cứu sinh' cho nhiều hộ nghèo, đồng đội khó khăn và là gương công dân Bình Phước ưu tú sau 50 năm giải phóng.

Cựu chiến binh, đảng viên Đỗ Thám cùng vợ ôn lại những kỷ niệm một thời hoa lửa

Cựu chiến binh, đảng viên Đỗ Thám cùng vợ ôn lại những kỷ niệm một thời hoa lửa

Sẵn sàng chiến đấu vì độc lập, tự do

Năm nay 85 năm tuổi đời, gần 60 năm tuổi Đảng, cựu chiến binh, thương binh Đỗ Thám ở xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản vẫn nhớ như in những ngày tháng kháng chiến khốc liệt mà hào hùng. Đôi mắt nhìn xa xăm trở lại mấy mươi năm về trước, ông Thám kể: Lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng nên khi ngụy quyền Sài Gòn ban lệnh quân dịch, tôi đã bỏ trốn vào rừng. Sau đó, tháng 3-1962, tôi gia nhập cách mạng. Sau khi được biên chế vào C75, tôi được học cứu thương rồi y tá về phục vụ Tiểu đoàn 368 thuộc Tỉnh đội Bình Long cũ. Năm 1972 - mùa hè đỏ lửa ở mặt trận Bình Long, cuộc chiến khốc liệt, tôi tham gia phục vụ y tế khi quân ta giải phóng Quản Lợi và Lộc Ninh. Trong kháng chiến, mọi cơ sở vật chất, thiết bị y tế, thuốc men thiếu thốn nên tôi luôn mang theo bộ dụng cụ phẫu thuật được tiệt trùng, sẵn sàng chữa trị cho các chiến sĩ, đồng thời tận dụng mật ong rừng để sát trùng vết thương. Chăm lo cho các chiến sĩ nhưng bản thân cũng đôi lần không tránh khỏi bom đạn. Vết thương còn nhức nhối ở vùng đùi hai chân là di chứng một thời bom đạn ác liệt.

Chia sẻ về tinh thần chiến đấu của lớp thanh niên bấy giờ, ông Thám cho biết: Không gì để nói hết sự trung kiên, kiên cường của những cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng bấy giờ. Họ chỉ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, quyết đem hết sức chiến đấu dù phải thương vong cũng cố gắng làm thế nào giải phóng đất nước. Chúng tôi thời điểm bấy giờ không nghĩ đến cuộc sống sau này ra sao, chỉ nghĩ là đi để giành độc lập, tự do, trở về đơn vị mà còn đồng chí, đồng đội là mừng!

Ông Đỗ Thám trong một lần đến thăm gia đình anh Điểu Thìn ở ấp Sóc Quả, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản

Ông Đỗ Thám trong một lần đến thăm gia đình anh Điểu Thìn ở ấp Sóc Quả, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản

Ưu tú trong thời bình

Nay dù tuổi đã cao nhưng ông Thám vẫn say mê lao động sản xuất. Trên vườn cao su rộng lớn, hằng năm ông tạo việc làm cho khoảng 50 lao động địa phương với thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng. Đồng thời trao nhiều “phao cứu sinh” cho người lao động. Ôm chầm lấy vị cứu tinh khi ông Đỗ Thám tới thăm, anh Điểu Thìn (SN 1975) ở ấp Sóc Quả, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản xúc động: “Cuộc đời tôi may nhờ có ông Thám. Ngày đó, vợ chồng tôi được ông nhận vào làm công với thu nhập tương đối ổn định. Ông còn ân cần hỏi thăm hoàn cảnh gia đình. Rồi một ngày tôi được ông xây tặng căn nhà, mua sắm một số đồ dùng thiết yếu… Nhờ ông mà nay cuộc sống gia đình tôi cơ bản ổn định. Tôi mang ơn ông suốt đời!”

Ông Thám rất “mê” làm việc thiện. Ông chia sẻ: Tôi còn lành lặn trở về sau chiến tranh là niềm hạnh phúc. Do đó, cứ trong khả năng của mình giúp đỡ người khác bằng cái tâm nên tôi không nhớ mấy chục năm qua đã hỗ trợ xây dựng bao nhiêu căn nhà, công trình và giúp đỡ bao nhiêu phần quà. Nhưng khi mình còn khả năng giúp đỡ người khó thì sẵn sàng làm và cố gắng mỗi năm trao tặng 1 căn nhà nghĩa tình đồng đội hoặc tình thương. Chỉ trong 5 năm qua (khi ông đã sang tuổi 80 - PV), ông Thám đã hỗ trợ xây dựng 5 căn nhà nghĩa tình cựu chiến binh, ủng hộ các phong trào, cuộc vận động với tổng trị giá hơn 300 triệu đồng.

Ông Đỗ Thám chia sẻ: Tôi luôn tâm niệm, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đóng góp một phần sức trẻ của mình thì đến khi giải phóng dân tộc và bây giờ phải hoàn thành cao hơn nữa. Tôi là cựu chiến binh cao tuổi, đảng viên gần 60 năm tuổi Đảng, trước hết phải giáo dục con cháu cố gắng, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn đất nước đang vươn mình đi lên. Thứ hai, bản thân còn sức thì phải lao động làm ra của cải ổn định kinh tế, cuộc sống gia đình và đóng góp cho xã hội, cùng Đảng, Nhà nước chăm lo một phần cho các hộ khó khăn, tạo điều kiện, giúp đỡ họ bằng cái tâm của mình.

Cựu chiến binh Đỗ Thám tích cực đồng hành với chương trình nhà nghĩa tình cựu chiến binh

Cựu chiến binh Đỗ Thám tích cực đồng hành với chương trình nhà nghĩa tình cựu chiến binh

Ông Lê Xuân Bắc, Phó Chủ tịch HĐND xã, Bí thư Chi bộ ấp Quản Lợi A, xã Tân Lợi chia sẻ: Mỗi khi địa phương có cuộc vận động, phong trào thi đua, an sinh xã hội, gia đình đảng viên, cựu chiến binh Đỗ Thám luôn trong danh sách đi đầu. Các dịp lễ, tết, ông luôn chủ động trao tặng hàng chục phần quà. Ngay trong Chi bộ ấp Quản Lợi A, ông đã góp tiền và trực tiếp gọi nhân công sửa chữa, xây dựng sân nhà văn hóa. Ông cũng là một trong những nhà hảo tâm thường xuyên trao tặng các căn nhà nghĩa tình ấm áp trong và ngoài xã.

Chiến tranh đã lùi xa, trong hành trình của người lính Cụ Hồ Đỗ Thám cùng nhiều cựu chiến binh một thời vào sinh, ra tử cho nền hòa bình, độc lập vẫn là tinh thần kiên trung, dũng cảm vì Tổ quốc. 50 năm sau giải phóng, ông Đỗ Thám luôn sống và cống hiến không biết mệt mỏi, giữ trọn lòng kiên trung của người cộng sản.

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/171356/hanh-trang-trai-tim-nguoi-linh-cu-ho