Hành trang 'vượt bão'
Cơ cấu dân số cùng nền tảng sản xuất vững chắc giúp Việt Nam 'ở thế thuận lợi' để vượt qua được các thách thức hiện nay. Đây là nhận định của tạp chí INTHEBLACK (Australia) trong một bài viết mới đây.
4 yếu tố then chốt
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt từ 6-6,5%. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bài viết dẫn lời ông Warrick Cleine, Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam (KPMG là công ty chuyên cung cấp các dịch vụ kiểm toán, thuế, tư vấn và pháp lý), cho biết: “Chúng tôi không nghĩ rằng số liệu như thế là không đáng tin cậy”.
Lý giải cho nhận xét của mình, ông Warrick Cleine nêu rõ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã được đánh giá là ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Việt Nam cũng đang hưởng lợi từ vị thế của “một người chơi nghiêm túc” trong thương mại và sản xuất toàn cầu trong hơn hai thập niên qua. Cùng với đó, Việt Nam ít phụ thuộc vào du lịch hơn so với nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, dân số trẻ “làm việc trong một lực lượng rất năng suất” tạo động lực cho kinh tế trong nước của Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Ngoài 4 yếu tố then chốt như Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam đề cập, tạp chí INTHEBLACK cho rằng, không thể bỏ qua thực tế chuyển dịch sản xuất của các doanh nghiệp do căng thẳng thương mại và tác động của đại dịch. Ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital cũng cho rằng, vào thời điểm trước đại dịch, nhiều doanh nghiệp thương mại trên thế giới đều nghĩ họ đã có được chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát đã cho thấy rủi ro của việc quá phụ thuộc vào một vài nhà cung ứng chủ chốt, từ đó “thôi thúc sự dịch chuyển sản xuất”. “Việt Nam đặc biệt hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng tại Mỹ và châu Âu đối với các sản phẩm phục vụ cho làm việc tại nhà trong những giai đoạn phong tỏa ứng phó dịch Covid-19”, tạp chí INTHEBLACK nhấn mạnh thêm.
Đánh giá người Việt Nam có tinh thần hăng say lao động, chuyên gia Michael Kokalari nhận định, Việt Nam có thể tiếp tục thu hút thêm lao động giá rẻ từ khu vực nông nghiệp, hiện vẫn chiếm khoảng 45% lực lượng lao động: “Chỉ cần nhìn vào số lượng người lao động có thể chuyển từ ruộng vườn sang làm ở nhà máy trong 10 năm tới là thấy được số lượng rất lớn người lao động có trình độ tại Việt Nam xét tới tỉ lệ phổ cập giáo dục của quốc gia này là 95%”. Trong khi đó, bà Nguyễn Cát Thảo, một luật sư người Australia gốc Việt, đồng thời là người đồng sáng lập Đối thoại lãnh đạo trẻ Australia-Việt Nam, đánh giá người Việt Nam “vô cùng kiên cường, có tinh thần cầu tiến và giàu nghị lực”.
Điểm sáng
Theo tạp chí INTHEBLACK, tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng với thu nhập ngày càng cao trở thành yếu tố giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa của Việt Nam. Ông Shannon Leahy, một quan chức của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Australia (Austrade) đánh giá thị trường tiêu dùng của Việt Nam là một điểm sáng cho các nhà đầu tư, nhất là khi quốc gia này là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất trong khu vực. Về phần mình, bà Nguyễn Cát Thảo nhận định nếu Australia quá tập trung vào các thị trường truyền thống sẽ đồng nghĩa “bỏ qua các cơ hội” tại Việt Nam.
Tạp chí INTHEBLACK cho biết, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Điều này cũng đồng nghĩa, không chỉ trong các lĩnh vực như bất động sản và dịch vụ tài chính, “bất cứ điều gì liên quan đến người tiêu dùng Việt Nam” đều là cơ hội đầu tư. Với thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, ông Warrick Cleine tin tưởng rằng các khu công nghiệp và lĩnh vực logistics tại Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. “Hai lĩnh vực này thực sự rất "nóng" và không giảm giá trị trong giai đoạn khủng hoảng do dịch Covid-19”, Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam nhấn mạnh.