Hành trình 4 năm vẽ tranh kể chuyện nghệ thuật rối nước của họa sĩ trẻ
Được thực hiện trong vòng bốn năm kể từ cuối 2017, 'Kể chuyện trên mặt nước' kể về hành trình đồng hành với rối nước của người dân Việt gần 1.000 năm qua.
Là loại hình sân khấu dân gian truyền thống, múa rối nước đã gắn bó với người Việt gần 1.000 năm qua và ghi dấu bao thăng trầm trong mỗi câu chuyện và vở diễn của mình.
Cuốn sách Kể chuyện trên mặt nước của tác giả, họa sĩ Lương Linh là một bản tổng thuật bằng tranh của một người trẻ về môn nghệ thuật này. Họa sĩ Lương Linh đã có những chia sẻ với Tri thức - ZNews về quá trình sáng tác cũng như những thông điệp anh muốn truyền tải qua cuốn sách này.
Từ một phường rối
- Điều gì thôi thúc bạn dành ra 4 năm ngược xuôi Bắc - Nam để thực hiện "Kể chuyện trên mặt nước" - một cuốn sách có tính lưu trữ thông tin bằng hình ảnh sinh động, đẹp mắt về nghệ thuật múa rối nước?
- Cuối năm 2017, tôi bắt đầu tìm hiểu về nghệ thuật rối nước với mục đích tìm một chất liệu mới để kể chuyện cho trẻ em nghe. Khi đó, tôi có suy nghĩ rằng các quân rối chính là vật dẫn giúp trẻ em bước vào thế giới của câu chuyện.
Qua năm 2018, tôi và các bạn trong nhóm Sunbox còn thử tự dựng một vở rối để đi lưu diễn ở một số thôn vùng cao ở Lâm Đồng, Đắk Lắk và loanh quanh TP.HCM. Lần nào diễn rối cũng được các bạn nhỏ hưởng ứng nhiệt tình, đặc biệt là khi các nhân vật rối biểu diễn phép thuật trên sân khấu. Chính những phản ứng tích cực này của các khán giả nhỏ làm tôi cũng thấy hào hứng hơn để tìm hiểu về rối nước.
Từ ấn tượng ban đầu này, năm 2018, tôi đã định sẽ tìm hiểu và làm một quyển sách thiếu nhi với tên gọi "Một Phường Rối Nước”.
Hành trình khám phá rối nước đã mang lại cho tôi quá nhiều cảm xúc, những háo hức pha lẫn trầm trồ.
Họa sĩ Lương Linh
Tuy nhiên, hành trình khám phá loại hình nghệ thuật này đã mang lại cho tôi quá nhiều cảm xúc, những háo hức pha lẫn trầm trồ khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các quân rối trên mặt nước; đặc biệt là khám phá ra rằng ngoài 17 trò rối cổ ra thì còn rất nhiều vở diễn, quân rối và kỹ thuật biểu diễn vẫn đang được những người nghệ sĩ sáng tạo và đổi mới.
Điều đó thôi thúc tôi nung nấu ý tưởng sẽ xuất bản một cuốn sách dài hơi hơn để thong thả kể câu chuyện về sự tích ra đời, những sáng tạo độc đáo trong hoạt động trình diễn của các nghệ nhân cũng như giới thiệu đến mọi người nhiều mẫu rối mới được các nhà hát dàn dựng trong suốt thời gian qua.
- Bạn gặp những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình thực hiện cuốn sách này?
- Điều khó khăn nhất chính là độ bền của quân rối. Thực tế là các nhà hát rối có rất nhiều vở rối nước mới, tuy nhiên, tới nay thì phần lớn quân rối đã bị hỏng nên không thể quan sát và vẽ trực tiếp. Nguyên do là quân rối nước được làm từ những loại gỗ nhẹ như gỗ sung hoặc vông, nên khi ngâm nước lâu ngày đồng thời liên tục va đập vào nhau trong quá trình biển diễn nên có những bộ rối gần 200 mẫu thì tôi chỉ được thấy trực tiếp khoảng gần 10 mẫu thôi..
Tiếp theo là khi mà không thể vẽ trực tiếp con rối thì tôi tìm đến các nguồn tư liệu được lưu trữ ở các nhà hát. Cũng có điều may mắn là việc lưu giữ tư liệu này được các nhà hát làm rất tốt. Khó khăn ở đây là do giới hạn công nghệ của nhiều chục năm trước nên có những vở rối chỉ có thể xem lại trên băng hoặc các đĩa CD với độ phân giải thấp. Thậm chí có những vở rối như vở Sơn Tinh Thủy Tinh chỉ có thể tìm thấy hình ảnh lưu trữ đen trắng.
Đổi lại, điều may mắn lớn nhất là đến từ các nhà hát múa rối, vì các cô chú nghệ sĩ đều nhiệt tình hỗ trợ. Do phải vẽ dựa trên nguồn tư liệu hình ảnh mờ nên trong quá trình làm sách, tôi đã phải phiền các cô chú rất nhiều, đặc biệt là những người phụ trách thiết kế quân rối.
Thường thì khi vẽ quân rối do người nào thiết kế, tôi sẽ mang bản minh họa hoàn thiện đến hỏi chính người đó xem để kiểm tra xem hình vẽ có đúng với quân rối mà họ đã thiết kế hay không.
Quá trình này bản thân tôi cũng thấy mất thời gian của các cô chú, nhưng thực sự là mọi người đã hỗ trợ tôi rất nhiều.
Muốn giúp người trẻ và bạn bè quốc tế hiểu về rối nước
- Để lý giải gốc tích môn nghệ thuật, kể những bí thuật trong nghề, đặc biệt là giới thiệu tới độc giả 184 nhân vật rối nước (truyền thống và hiện đại, có mẫu chưa từng được công bố) bạn phải góp nhặt tài liệu, tiếp xúc các nghệ nhân, diễn viên, quản lý nhà hát múa rối… đồng thời trải một quá trình nghiên cứu, ký họa, tạo hình công phu. Quá trình này diễn ra như thế nào?
- Khi mới bắt đầu dự án, thử thách lớn nhất của tôi là tìm phong cách để thể hiện được ngôn ngữ tạo hình của bộ môn nghệ thuật này. Trong khoảng thời gian ở Hà Nội, tôi thường tranh thủ đến các phường rối và nhà hát để ký họa. Chủ yếu là Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối Việt Nam và Bảo tàng Dân Tộc Học.
Trong miền Nam, tôi may mắn được anh Châu Hùng Lâm, quản lý Nhà hát Múa rối Rồng Vàng tạo điều kiện tiếp cận bộ rối mà nhà hát đang sử dụng.
Nhờ vậy, tôi có nhiều thời gian để quan sát kỹ tạo hình của những quân rối phức tạp. Tuy nhiên, quân rối của mỗi phường rối lại có nhiều chi tiết khác nhau, đặc biệt là những mẫu rối người. Điều này khiến tôi hoang mang không biết đâu là nét tạo hình cơ bản để có thể vẽ nên một mẫu rối nước.
Do đó, Năm 2018, tôi bay TP.HCM ra Hà Nội để tìm người cố vấn cho cuốn sách. Khi đó, tôi đã dành rất nhiều thời gian tìm hiểu về lịch sử rối nước và tìm thấy nhiều bài báo có nhắc tới tên nghệ sĩ Ngô Quỳnh Giao, người từng tham gia vào việc dựng chương trình rối nước cổ truyền năm 1984 để đặt tiền đề quan trọng cho sự phát triển của nghệ thuật rối nước sau này.
Chú Quỳnh Giao không dùng điện thoại thông minh hay các phương tiện mạng xã hội nên tôi phải dày công tìm mới có thể kết nối được. May mắn thay chú đã nhận lời làm cố vấn cho tôi để vẽ quyển sách về rối nước.
Thời gian đầu làm việc, tôi ở trong TP.HCM còn chú ở ngoài Hà Nội nên tôi chọn cách gửi các bản vẽ qua đường bưu điện sau đó gọi điện thoại để nghe chú góp ý. Tôi vẫn nhớ một góp ý của chú Quỳnh Giao khi xem những bản vẽ đầu tiên tôi gửi, về sau tôi có ghi điều này vào trong sách luôn. Đó là: “Những phác thảo rối nước của cháu nhìn giống người quá. Để vẽ được rối nước, điều đầu tiên cháu phải hiểu nó là những khúc gỗ. Vậy cháu nên vẽ nó như khúc gỗ rồi mới bắt đầu thêm tay, chân và chốt ở những bộ phận chuyển động. Nhiều khi mình bị ảnh hưởng bởi cách vẽ đúng giải phẫu người nên lại khó vẽ ra quân rối”.
Ngoài ra, để vẽ được rối nước, tôi nghĩ còn nhiều điều may mắn khác, như trong một lần ghé Nhà hát Múa rối Việt Nam để tìm thêm tư liệu, tôi được chú Vương Tất Lợi hướng dẫn cách vẽ mắt mũi miệng và chân tay quân rối. Cho tới giờ tôi vẫn giữ bản vẽ nháp mà chú Lợi đã thị phạm cho tôi xem.
Một lần khác tôi được dịp chia sẻ về rối nước bên Nhà hát Múa rối Thăng Long, rồi lại được gặp chú Chu Lượng và được chú giới thiệu tới tham quan làng sơn mài Hạ Thái, được thấy trực tiếp sự thay đổi của quân rối sau mỗi bước sản xuất để có thể minh họa điều này vào trong sách.
Ngoài những điều trên ra thì còn kha khá những trải nghiệm khác, vì hành trình này gần 4 năm nên nếu kể hết thì nhiều lắm.
- Qua cuốn sách này bạn muốn truyền đạt thông điệp gì?
- Việc thực hiện cuốn sách này phần lớn đến từ sự cuốn hút của rối nước đối với cá nhân tôi. Nên thời gian đầu thì tôi chỉ tập trung vào tìm hiểu thông tin, câu chuyện của rối nước để thỏa mãn sự tò mò của bản thân. Việc sắp xếp và minh họa những điều tôi biết về rối nước cũng giống như tôi đang chia sẻ điều tôi thích với độc giả vậy.
Mãi tới khi làm xong quyển sách rồi thì tôi mới nhận ra rằng: “Phải gần 4 năm thì tôi mới có thể tìm hiểu và minh họa tương đối đầy đủ về rối nước. Vậy làm cách nào để một bạn họa sĩ có thể chỉ dành ra một hoặc hai tuần là có thể sáng tác về chủ đề này được?”.
Khi nghĩ tới điều này thì tôi cũng nhận ra đây chính là thông điệp, hay giá trị, của cuốn sách Kể chuyện trên mặt nước. Đây sẽ là nguồn thông tin được minh họa cẩn trọng và chính xác để các bạn họa sĩ, đặc biệt là các bạn sinh viên, có thể hiểu và làm được những dự án đúng về mặt thông tin của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Thực tế là hai năm vừa rồi, tôi cũng thường xuyên được các bạn sinh viên làm đề tài về rối nước hỏi thăm mua cuốn sách này để làm tư liệu. Tôi rất vui khi được chia sẻ hiểu biết của mình.
- Múa rối nước được du khách nước ngoài đến Việt Nam quan tâm. Trong thời gian tới bạn có dự định xuất bản song ngữ, hoặc chuyển ngữ cuốn sách này ra tiếng nước ngoài không?
- Chắc chắn là có rồi. Do cũng nhiều người nhắn tôi là mua sách về tặng bạn bè quốc tế nhưng họ chỉ có thể coi hình chứ không hiểu nội dung. Nên hiện tại, tôi đã dịch cuốn sách ra bản tiếng Anh và sắp tới sẽ có ý định xuất bản ấn phẩm này.