Hành trình 'biến rác thải sinh hoạt thành vàng' còn nhiều khó khăn
Theo các chuyên gia, biến rác thải sinh hoạt rắn thành tài nguyên là xu hướng tất yếu của thế giới nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. Mặc dù vậy, hành trình 'chuyển rác thành vàng' tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức
Ngày 9/6, tại Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn Môi trường năm 2023 với chủ đề “Giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên”. Đây là sự kiện thường niên hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5/6) và ngày Đại dương thế giới (8/6).
Phát biểu tại diễn đàn, TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập tạp chí Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh; cùng với đó là sự gia tăng dân số, kéo theo sự gia tăng về lượng chất thải rắn sinh hoạt, gây áp lực lớn trong công tác bảo vệ môi trường.
60.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là 60.000 tấn/ngày; trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Chỉ riêng 2 thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000-9.000 tấn chất thải sinh hoạt.
Đáng chú ý, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn chưa đạt 100%. Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sẽ tăng từ 10-16%/năm.
Theo PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường: Hiện nay, Việt Nam có khoảng 400 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyển sản xuất phân compost tập trung, trên 900 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.
Về tỷ lệ xử lý chất thải theo các phương pháp xử lý, hiện nay khoảng 71% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chưa tính lượng bãi thải từ các cơ sở chế biến phân compost và tro xỉ phát sinh từ các lò đốt). Ngoài ra, khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác.
Theo ông Hàn Trần Việt (Viện Khoa học môi trường), công nghệ đốt hiện nay được sử dụng tại Việt Nam chủ yếu gồm lò đốt công suất nhỏ (dưới 300kg/giờ). Nhiều lò đốt không có hệ thống xử lý khí thải hoặc có nhưng không đạt yêu cầu.
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Việt Nam cũng đã có công nghệ đốt rác thải thành năng lượng (WtE) nhằm chuyển hóa tất cả các loại chất thải rắn thành năng lượng. Dây chuyền điện rác WtE đầu tiên đã được đưa vào thực nghiệm tại Duy Tiên, Hà Nam. Ngoài ra, một số địa phương khác cũng đã đặt mục tiêu và phát triển công nghệ điện rác, điển hình như Cần Thơ, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Hà Nội...
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hoài (Viện Khoa học Môi trường) cho rằng, thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức, điển hình như việc nhận thức của người dân, cộng đồng trong phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế; hầu hết công nghệ tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn lạc hậu và gây tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người; chưa có hướng dẫn về danh mục công nghệ xử lý, tái chế phù hợp với điều kiện Việt Nam; thiếu kinh phí, ngân sách địa phương không đủ đầu tư để triển khai thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt đồng bộ, hiệu quả.
Cần giải pháp tổng thể để biến rác thải thành tài nguyên
Nêu quan điểm tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ (Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường) cho rằng để vượt qua thách thức về cạn kiệt nguồn tài nguyên và biến đổi khí hậu, một trong những giải pháp là phải sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, coi chất thải như là một nguồn tài nguyên.
"Trên thế giới, việc quản lý tổng hợp chất thải, đặc biệt là chất thải rắn đang phát triển mạnh mẽ, trong đó các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải được coi là những biện pháp hữu hiệu để giảm khối lượng rác thải phải chôn lấp, từ đó tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá, giảm các nguy cơ về môi trường", chuyên gia phân tích.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đinh Nam Vinh (Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng xu thế hiện nay trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt là tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng từ chất thải nhằm tối ưu hóa quá trình tái chế, giảm thiểu sự lãng phí và bảo vệ môi trường.
Ông Vinh kiến nghị, về chính sách, cần hoàn thiện, bổ sung quy chuẩn Việt Nam cho lò đốt chất thải rắn thay thế cho quy chuẩn trước đây để phù hợp với thực tế; bổ sung các quy định về giá mua điện cho các dự án điện rác...
Về mặt quản lý nhà nước, các Bộ, ngành cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình trọng điểm quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, trong đó có công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Về mặt công nghệ, ông Vinh đề xuất cần đẩy mạnh triển khai các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm lựa chọn các công nghệ phù hợp với Việt Nam; ban hành cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh công tác phân loại rác thải tại nguồn và khuyến khích áp dụng công nghệ tái chế.
"Điều này sẽ giúp giảm lượng rác thải đi vào bãi rác và tận dụng tối đa tài nguyên có được từ rác thải", ông Vinh nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam cho rằng, để thực sự có thể biến rác thải thành tài nguyên, cần tiến hành các giải pháp tổng thể.
Cụ thể, trước hết, Việt Nam cần có "Bản đồ quy hoạch Điểm xử lý rác thải" phù hợp. Việc quy hoạch phải được xem xét kỹ lưỡng, nhất quán, hạn chế thay đổi trong thời gian ngắn (10-20 năm); cố gắng đạt sự ổn định tối thiểu trong vòng 30-50 năm.
Đề xuất giải pháp về công nghệ, ông Trọng cho rằng, đối với các điểm xử lý rác thải sinh hoạt có công suất 50-200 tấn/ngày, nên áp dụng công nghệ đốt và tái chế theo nguyên tắc tái chế, tái sử dụng tối đa lượng rác hữu ích có thể phân loại. Thành phần không thể tái sử dụng sẽ được đốt trong lò đốt công nghệ cao để tiêu hủy, giảm ô nhiễm. Đối với các điểm xử lý có công suất từ 200 tấn/ngày trở lên, nên áp dụng công nghệ đốt, tái chế và phát điện.
"Để một Nhà máy xử lý rác thải thành công rất cần đến sự đồng hành, chung tay của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp", ông Trọng nhấn mạnh.
Cũng nhìn nhận trên góc độ công nghệ, GS.TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam kiến nghị: Để có thể phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên, bên cạnh việc ứng dụng chuyển giao các công nghệ của các quốc gia tiên tiến, cần hoàn thiện hoạt động thẩm định công nghệ các dự án đầu tư liên quan.
Trong khi đó, ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội xi-măng Việt Nam cho rằng: Ngành xi-măng là một trong những ngành có khả năng tái sử dụng chất thải sinh hoạt lớn nhất.
"Thực tế, trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia đã sử dụng chất thải rắn sinh hoạt để làm nhiên liệu sản xuất xi-măng với tỷ lệ lên tới 60-70%. Theo tính toán, hiện nay tại Việt Nam, mỗi năm cả nước thải ra 23 triệu tấn rác thải. Nếu toàn bộ số rác thải này được xử lý làm nhiên liệu cho ngành xi-măng thì có thể thay thế được 60% lượng than", ông Long nhấn mạnh.
Tổng thư ký Hiệp hội xi-măng Việt Nam nêu thực trạng: Thực tế, thủ tục đăng ký để các nhà máy sử dụng chất thải làm nhiên liệu thay thế lại rất khó khăn, phức tạp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa nhận được chính sách ưu đãi về vốn và lãi suất. Do đó, chuyên gia tới từ Hiệp hội xi-măng Việt Nam đề xuất cần xem xét giải quyết các "nút thắt" kể trên để các ngành xi-măng có thể tham gia trong chuỗi tái chế, tái xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
"Chúng tôi sẵn sàng và có điều kiện làm việc xử lý chất thải sinh hoạt. Chúng tôi mong muốn được làm một đơn vị tái chế, tái xử lý chất thải rắn sinh hoạt", ông Lương Đình Long tái khẳng định.
Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia môi trường đến từ Nhật Bản, Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều kinh nghiệm, giải pháp trong vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Bên cạnh đó, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải, phát triển công nghệ đưa ra những mô hình tiên tiến công nghệ hiện đại, giải pháp hay trong xử lý, phân loại và tái chế chất thải rắn sinh hoạt...