Hành trình của những cung bậc cảm xúc

Trường Sa là địa danh biết bao người hằng mong ước được một lần đặt chân đến, và tôi cũng không phải ngoại lệ.

Thế rồi tháng 5-2024 vừa qua, niềm ao ước ấy đã trở thành hiện thực khi tôi được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cử đi cùng Đoàn công tác số 19 thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/7. Chuyến công tác đặc biệt ấy đã để lại trong tôi biết bao kỷ niệm đẹp không thể nào quên.

Vang mãi khúc quân hành trên đảo Trường Sa.

Vang mãi khúc quân hành trên đảo Trường Sa.

Sau hơn một ngày đêm từ khi tàu KN-491 rời cảng Cam Ranh, đoàn công tác lên những chiếc xuồng máy nhỏ để cập đảo Song Tử Tây, nơi các cán bộ, chiến sĩ, người dân nơi đây đang xếp hàng chờ đón. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, chúng tôi rơi nước mắt trước tình cảm của những người lính, người dân nơi “đầu sóng, ngọn gió”. Đảo Song Tử Tây có giếng nước lợ, có đài khí tượng, ngọn Hải đăng, Trạm xá Quân y 108, trường học và những vườn rau xanh tốt. Trên đảo có khá nhiều loại cây như phong ba, bàng vuông, phi lao, dừa..., một số loại cây ăn quả như đu đủ, chanh, rau xanh, mướp, bầu, bí phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, nơi đây còn có chùa và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi nghe lãnh đạo đơn vị báo cáo và giao lưu văn nghệ, đoàn tỏa đi thăm hỏi, chia sẻ với nỗi vất vả của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo.

Điểm đến tiếp theo là đảo Sinh Tồn. Từ xa đã thấy hòn đảo được bao phủ bởi cây cối xanh tươi. Đảo Sinh Tồn nằm xen kẽ với nhiều đảo trong quần đảo Trường Sa: Phía Bắc, cách 17 hải lý là đảo Nam Yết; phía Tây Nam, cách 8 hải lý là đảo Cô Lin; phía Đông Nam, cách 6 hải lý là đảo Len Đao... Cây trên đảo chủ yếu là bàng vuông, dừa, phong ba, mù u để chống sóng, ngoài ra là các loại cây ăn quả, rau xanh. Trung úy Nguyễn Đình Cảnh cho biết, đảo Sinh Tồn có vị trí cực kỳ quan trọng ở quần đảo Trường Sa, như một lá chắn giữa biển Đông, và là một trong ba đảo trong quần đảo Trường Sa có UBND xã, trường học, có các hộ dân sinh sống. Ngoài ra, đảo còn có âu tàu để ngư dân vào tránh trú bão với sức chứa khoảng 60 - 70 tàu.

Khi tàu đến vùng đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, cả đoàn kính cẩn nghiêng mình, thực hiện nghi lễ dâng hương, thả vòng hoa và những cánh hạc giấy do học sinh tỉnh Nam Định và cán bộ, nhân viên Văn phòng Chính phủ gấp để tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cái tên Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma mãi là khúc tráng ca bất tử trong lịch sử dân tộc. “Đảo Cô Lin như ngọn hải đăng khổng lồ, tràn đầy sức sống giữa vùng biển trời Trường Sa. Nước ăn uống, sinh hoạt gần như hoàn toàn phải dựa vào nguồn nước mưa song cán bộ, chiến sĩ trên đảo vẫn cố gắng vượt qua mọi khó khăn” - Chỉ huy trưởng đảo Cô Lin Võ Đình Đại chia sẻ.

Lại qua một đêm lênh đênh trên biển, đảo An Bang đã hiện ra trong tầm mắt. Từ trên boong đã thấy hòn đảo sừng sững như một tòa lâu đài cổ oai hùng, đầy sức sống giữa trùng khơi. Trung tá Trần Lộc, Chỉ huy trưởng đảo An Bang cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân, cũng như các đảo khác trên quần đảo Trường Sa, đảo An Bang ngày càng đổi mới và hoàn thiện với những hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ đảo, cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang còn chăm sóc vườn cây, bảo đảm rau xanh cho sinh hoạt hằng ngày”.

Lớp học trên đảo Sinh Tồn.

Lớp học trên đảo Sinh Tồn.

Rời An Bang, con tàu rẽ sóng đưa đoàn công tác tới đảo Đá Đông B, Đá Tây B. Trên các đảo có nhiều loại cây bàng vuông, dừa, phong ba, phi lao, một vài loại cây dây leo. Báo cáo với đoàn công tác, Trung tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên cụm đảo Đá Tây xúc động hứa: “Chúng tôi sẽ luôn xây dựng tốt mối quan hệ, đoàn kết máu thịt với nhân dân, luôn giữ vững bản lĩnh chính trị và niềm tự hào là người chiến sĩ hải quân... Quần đảo Trường Sa có vị trí quân sự chiến lược, vì vậy, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, dù có phải hy sinh chúng tôi cũng quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc”.

Chiều 16-5, tàu KN-491 cập cảng đảo Trường Sa, thủ phủ của quần đảo. Đảo Trường Sa cách quân cảng Cam Ranh về hướng Đông Nam 254 hải lý và là đảo lớn nhất, bằng phẳng nhất trên quần đảo. Trên đảo có giếng nước lợ để dùng cho sinh hoạt hằng ngày và tăng gia rau xanh, trồng cây bóng mát. Nơi đây quanh năm xanh tươi, rợp bóng những hàng dừa, bàng vuông, nhàu, phong ba, đu đủ cùng các loại cây dây leo... Trò chuyện với đoàn công tác, các chiến sĩ Trần Quốc Lân, Võ Cát Tình, Bùi Văn Quảng, Phạm Quang Vinh kể: Trên đảo có phòng đọc sách báo với gần 5.000 đầu sách, trên 30 đầu báo, một tủ sách pháp luật. Ngoài ra, đảo còn có các công trình như Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, chùa Trường Sa, nhà truyền thống, nhà khách, trường tiểu học, khu vui chơi... Đây cũng là nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, giáo dục truyền thống cho quân dân thị trấn đảo Trường Sa.

Điểm cuối hành trình là Nhà giàn DK1/7, cũng là điểm khó “chinh phục” nhất với đoàn công tác bởi “sóng cả, gió lớn”. Được tận mắt chứng kiến cuộc sống trên nhà giàn của các chiến sĩ hải quân và cán bộ đèn biển, các thành viên trong đoàn thật sự cảm phục trước ý chí kiên cường bám trụ nhà giàn để bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trung tá Đoàn Văn Long tâm sự: “Chúng tôi ai nấy đều thấy vui, xúc động khi được gặp các anh chị em trong đoàn công tác từ đất liền ra thăm hỏi, mang hơi ấm tình thân, tình người đến với biển đảo xa xôi, tiếp thêm nghị lực, sức mạnh cho cán bộ chiến sĩ biển đảo chúng tôi vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Đây là nguồn cổ vũ lớn lao, giúp anh em nhà giàn cũng như các đảo thêm vững tâm công tác, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ canh giữ chủ quyền biển đảo quê hương...”.

Chia tay quần đảo Trường Sa, nhiều người không cầm nổi nước mắt khi cán bộ, chiến sĩ, người dân lưu luyến vẫy chào và cất cao lời ca: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh/ Anh em ơi vì nhân dân quên mình...”.

Lời ca ấy cứ vang vọng mãi đến tận bây giờ, trong trái tim tôi và các thành viên Đoàn công tác số 19.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hanh-trinh-cua-nhung-cung-bac-cam-xuc-672489.html