Hành trình của những đứa trẻ thiếu tình thương

'Đứa trẻ may mắn dùng tuổi thơ để ôm ấp cuộc đời, đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để hàn gắn tuổi thơ' được khơi mở trong hai tác phẩm điện ảnh đến từ đất nước Nhật Bản. Cả hai phim nêu bật những cặp phạm trù đối lập, nhưng khi thấu cảm, người xem vỡ òa trong sự đan xen, chắp nối và nâng cánh cho nhau.

Minato và Yori lấm lem băng băng vào vùng sáng. Ảnh: Internet

Minato và Yori lấm lem băng băng vào vùng sáng. Ảnh: Internet

Thiếu niên và chim diệc - tác phẩm hoạt hình vẽ tay và tác phẩm hoạt hình không nói tiếng Anh đầu tiên giành giải Phim hoạt hình hay nhất Quả cầu vàng, giải BAFTA và Oscar 2024. Còn tại đại tiệc điện ảnh Cannes 2023, Quỷ dữ đoạt giải ở hạng mục Kịch bản xuất sắc nhất.

Sự hủy diệt và tái sinh

Lửa là hình ảnh mở đầu cho cả hai bộ phim, cũng là khởi đầu cho hành trình đi tìm tình yêu thương của những đứa trẻ. Trong tác phẩm điện ảnh Quỷ dữ, Thiếu niên và chim diệc, các nhà làm phim người Nhật đã kỳ công, khéo léo khi đưa biểu tượng lửa mang nhiều hàm ý, làm công cụ chuyển tải các chủ đề và thông điệp một cách tinh tế, ám ảnh người xem.

Cậu bé Mihato trong Thiếu niên và chim diệc mất mẹ trong cơn lửa dữ ở bệnh viện. Lửa đã hủy diệt con đường sống của một người mẹ, kéo theo hành trình đầy hoang mang, đau đớn của một đứa trẻ. Từ vết thương tâm lý mất mẹ, rồi phải chuyển nơi ở cùng người dì và cha mình, cậu bé đã tự gây ra vết thương vật lý, để tìm kiếm sự quan tâm, kéo sự chú ý của người lớn về phía mình.

Nghe chim diệc nói mẹ mình còn sống ở lâu đài, trái tim non nớt của một đứa trẻ lập tức tin và quyết đi tìm mẹ cùng người dì mà mình đã thờ ơ, hờn dỗi. Trẻ con có những niềm tin mà người lớn không bao giờ có được, nhờ vậy cuộc sống có thể tái sinh, bằng hành trình đi vào lâu đài tìm mẹ như truyện cổ tích.

Trong phim điện ảnh hoạt hình này, lửa chỉ xuất hiện một lần, mở đầu cho hành trình của Mihato. Và, trong suốt hành trình tìm lại yêu thương, Mihato nhỏ bé trước không gian khoáng đạt, nhiều màu sắc, nhiều thử thách, nhưng bằng cách nào đó, người xem thấy được sự lạc quan, tin tưởng vào điều kỳ diệu.

Đến với Quỷ dữ, phim mở ra rất nhiều mối quan hệ tương quan - mẹ con Minato - thầy giáo - hiệu trưởng, Minato - Yori, và bao giờ cũng bắt đầu bằng biểu tượng lửa. Mẹ Minato cho rằng con mình là nạn nhân của bạo lực học đường, do chính thầy giáo gây ra. Thầy giáo cho rằng chính Minato là người bạo hành Yori. Hiệu trưởng lạnh tanh trong cách xử lý vấn đề. Mỗi nhân vật được xây dựng bằng định kiến trong cách nhìn của người khác.

Biểu tượng lửa trong tác phẩm điện ảnh Quỷ dữ được khai thác một cách triệt để khi xuất hiện xuyên suốt, có vai trò dẫn dắt, kết nối các phân đoạn phim với nhau. Lửa đại diện cho sự hủy diệt, cho sức sống mãnh liệt và cả sự tái sinh, thể hiện mặt sáng - mặt tối của nhân vật. Lửa - gam màu sáng trong chính câu chuyện của họ, nhưng qua góc nhìn của người ngoài - nó lại trở nên tối đen. Sự đan xen này khiến người xem bí bách, buộc phải đi tìm nhân vật nào mới thật sự là quỷ dữ.

Phân cảnh mở đầu phim, Minato và mẹ có phần thờ ơ khi chứng kiến đám cháy ở tòa nhà trước mặt, họ chỉ nói về mình, về suy tư, trăn trở của chính mình. Lúc này, hình ảnh đám cháy là bệ đỡ, thôi thúc người xem tìm hiểu nguyên cớ.

Cách kể chuyện, cài cắm tài tình, kết dính từng tình tiết vì một câu chuyện mà có đến ba góc nhìn. Thế nhưng, sự lặp lại dưới mỗi góc nhìn lại lật mở chân tướng và sự thật dần hé mở.

Tâm sinh lý của hai nhân vật chính khuyết tình thương của cha và mẹ - Minato và Yori ở độ tuổi 11, 12 - dưới góc nhìn của người mẹ đơn thân, của người cha chìm trong men say, của thầy giáo và cô hiệu trưởng cứng nhắc, thật sự quá phức tạp. Trong khi đó, với chính bản thân chúng là sự ngây thơ, đơn thuần. Minato và Yori thay đổi tinh khôi trong tình cảm theo đúng lứa tuổi của mình. Chúng lặng lẽ đổi thay về suy nghĩ, về tình cảm, dù có chút khó khăn nhưng vẫn lặng lẽ tiếp nhận.

Hạnh phúc hay bất hạnh

Nửa đầu phim Quỷ dữ là sự bí bách, dồn nén với cái nhìn đầy ác cảm và quy chụp. Người xem như được xoa dịu, giải thoát bởi hình ảnh thoáng đãng của chiếc hồ rộng phẳng lặng và màu phim tươi sáng. Với những cú máy dài, mang sức nặng của chiều sâu và chiều cao, Minato - Yori băng qua không gian trầm mặc, đông đặc để bước vào thế giới riêng, ở đó có hoa thơm cỏ lạ, có toa tàu cũ nhưng an toàn, không còn nỗi sợ bóng tối và ánh nhìn xung quanh. Ranh giới giữa bất hạnh - hạnh phúc đôi khi chỉ là một bước chân, một chút thay đổi về không gian, màu sắc.

Thiếu niên và chim diệc trong hành trình tìm lại mẹ và dì. Ảnh: Internet

Thế nhưng, đời không là mơ, trong hành trình thoát khỏi ngột ngạt, tìm niềm vui nho nhỏ, Minato - Yori phải thấm từng cơn gió lạnh, bị quăng quật trong cơn bão. Lướt qua rất nhanh, nhưng hiệu ứng từ phân cảnh bốn bàn tay Minato - Yori quờ quạng trên cửa kính toa tàu lại có sức ám ảnh. Suy cho cùng, chúng vẫn là những đứa trẻ, vẫn mò mẫm, lấm lem trong cuộc thoát ra - nhảy vào cuộc sống.

Trong mối quan hệ tương quan lúc này, chính mẹ Minato và thầy giáo phải xông vào, nghẹt thở tìm kiếm con và học trò của mình khi núi lở, trong cơn bão. Mọi hiểu lầm thầy giáo gây ra bạo lực học đường, thầy giáo là quỷ dữ chính thức được xóa bỏ hoàn toàn nơi người mẹ đơn thân úm con quá mức. Muốn hướng về con trẻ, muốn bảo vệ con trẻ thì người lớn phải tự cởi bỏ định kiến của chính mình. Phim rất đời là vậy!

Còn trong thế giới hoạt hình Thiếu niên và chim diệc, trẻ gửi gắm ước mơ bằng tất cả niềm tin, khán giả dần cuốn theo, dần quên đi đó là sự viển vông khi Mihato tìm được người mẹ dịu dàng lo lắng, dịu dàng thương yêu em trong sự hóa thân, và cả hình hài của người chị bé nhỏ Himi.

Tài tình, tinh tế là đây. Sự đan xen dễ thương giữa yếu tố thực và ảo lại vừa vặn với tâm lý trẻ con. Nếu Mihato tìm lại được mẹ mình, có lẽ em sẽ không dứt ra được, sẽ mãi sống trong mộng tưởng, không thể quay về cuộc sống thật. Bởi sự thật, mẹ em đã mất. Mihato bỗng chốc mất mẹ, bỗng chốc trôi vào thế giới của những cụ bảo mẫu, tiếp xúc kề bên với ông chú diệc xám hơi tinh ranh, xảo quyệt. Sự tương phản ngỡ chừng đẩy các tuyến nhân vật đi theo chiều hướng đối nghịch, nhưng không, sự ngây thơ trong sáng và niềm tin mãnh liệt của Mihato từng bước hóa giải, hài hòa để các nhân vật trở nên ôn hòa, xinh đẹp hơn.

Quỷ dữ, Thiếu niên và chim diệc

thuộc dạng khó xem, nhưng những suy ngẫm sẽ ở lại với khán giả rất lâu sau khi phim kết thúc. Đặt khối óc để hiểu tầng nghĩa, thông điệp mà phim mang lại, nhưng phải áp trái tim, tâm hồn trẻ thơ vào tình tiết mới có thể thưởng thức phim một cách trọn vẹn.

Có chị Himi, Mihato không đơn độc trong tuổi thơ mất mẹ. Em thật sự có quãng thời gian cùng “người mẹ” xêm xêm tuổi mình, cùng bay cùng chạy, dắt dìu nhau vượt qua chướng ngại, thổi bùng ước mơ, tin tưởng và cuối cùng tìm được mẹ và dì. Phim nhẹ nhàng nhưng đầy cảm xúc với cách hai mẹ con, hai chị em tìm cho Mihato một người có thể thay mẹ bên em. Sự chấp nhận, sự trao gửi này không gì có thể nhân văn hơn. Có như vậy, để khi chia xa thế giới trong lâu đài, chia xa chị Himi, Mihato có thời gian chấp nhận khi về với ba và dì. Trong bất hạnh vẫn có hạnh phúc. Quãng thắt này, ký ức tuổi thơ này có lẽ Mihato sẽ để dành để ôm ấp, để hàn gắn cả cuộc đời mình là vậy.

Quỷ dữ, Thiếu niên và chim diệc thuộc dạng khó xem, nhưng những suy ngẫm sẽ ở lại với khán giả rất lâu sau khi phim kết thúc. Cả hai phim chứa đựng những cặp phạm trù đối lập, nên phải đặt mình ở tâm thế đối nghịch để thưởng thức phim. Đặt khối óc để hiểu tầng nghĩa, thông điệp mà phim mang lại, nhưng phải áp trái tim, tâm hồn trẻ thơ vào tình tiết mới có thể thưởng thức phim một cách trọn vẹn.

NGỌC DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/317260/hanh-trinh-cua-nhung-dua-tre-thieu-tinh-thuong.html