Hành trình cứu sống thần kỳ bé sơ sinh mắc bệnh tim
Nhờ có sự phối hợp liên chuyên khoa, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cứu sống bé sơ sinh bị hoán vị đại động mạch.
Ngày 26/12, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết vừa can thiệp cấp cứu và phẫu thuật thành công, cứu sống bé sơ sinh bị hoán vị đại động mạch. Đây là bệnh lý tim mạch bẩm sinh rất nguy hiểm.
Sau khi phát hiện bất thường cấu trúc tim của thai nhi, sản phụ H.L.N.X (24 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đến bệnh viện theo dõi bắt đầu từ tuần thứ 22 của thai kỳ.
Chẩn đoán bé P.D.M.A (con của sản phụ H.L.N.X) có thể nguy hiểm tính mạng, sau nhiều lần hội chẩn, các bác sĩ nhận định đây là ca bệnh khó, cần phối hợp nhiều chuyên khoa điều trị và xây dựng quá trình theo dõi chặt chẽ từ trước khi sinh đến sau khi sinh.
Vấn đề nan giải đặt ra cho đội ngũ bác sĩ là thời gian, vì thai nhi dự đoán cần phải được cấp cứu khẩn cấp và trải qua một cuộc đại phẫu thuật khi bé vẫn còn trong giai đoạn sơ sinh.
TS BS. Trần Nhật Thăng – Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, đây là hiện tượng bất thường trong quá trình tạo hình tim của phôi thai, khiến động mạnh phổi và động mạch chủ “đổi chỗ” cho nhau.
"Sau khi xác định bé bị hoán vị đại động mạch, chúng tôi theo dõi và hội chẩn tim mạch một lần nữa khi thai được 34 tuần tuổi, kết quả siêu âm cho thấy có nhiều khả năng phải can thiệp sớm.
Do đó nhóm hội chẩn sản nhi quyết định mổ lấy thai chủ động khi thai kỳ được 38 tuần 5 ngày. Can thiệp sớm sau sinh là điều kiện tiên quyết để bé được cứu sống và chịu đựng được cuộc mổ điều chỉnh sau đó”, bác sĩ Thăng nói.
Ngày 21/11, chị X. được chỉ định mổ lấy thai. Bé A. sau khi cắt rốn và ổn định hô hấp được chuyển sang Phòng Can thiệp nội mạch (DSA) để cấp cứu. May mắn, bé A. chào đời đủ cân theo tính toán (3,45 kg).
BS.Lê Minh Khôi – Trưởng Đơn vị Hình ảnh tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện ĐHYD TP.HCM chia sẻ, tình trạng bé khi siêu âm sau sinh cho thấy cần can thiệp cấp cứu khẩn cấp do khả năng trộn máu trong tim rất kém.
Mục tiêu điều trị đầu tiên là làm sao có trộn máu trong tim, để một phần máu đỏ có thể ra ngoài nuôi cơ thể, một phần máu đen được đưa lên phổi trao đổi khí nhằm duy trì sự sống cho em bé.
Toàn bộ quá trình cấp cứu cho bé được thực hiện dưới sự phối hợp chuyên nghiệp giữa các bác sĩ sản khoa và bác sĩ tim mạch.
Ngày 29/11/2019, bé A. được 8 ngày tuổi, BS Cao Đằng Khang – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cùng ê-kíp phẫu thuật chuyển gốc động mạch cho bé.
“Phẫu thuật tim hở rất phức tạp, đặc biệt với trường hợp em bé sơ sinh. Bộ phận Gây mê - Hồi sức phải chú ý trong từng thao tác thực hiện thủ thuật, điều chỉnh máy thở, vận hành trong tuần hoàn ngoài cơ thể, sử dụng thuốc, chăm sóc bé cũng như phòng ngừa nhiễm khuẩn”, BS. Trần Thị Thanh Thủy – Phụ trách Đơn vị Hồi sức Phẫu thuật Tim mạch chia sẻ.
BS. Cao Đằng Khang – Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch cho biết, phần lớn thành công nằm ở cách phối hợp nhịp nhàng của các chuyên khoa. Mặc dù trong quá trình phẫu thuật, khi thực hiện các động tác bóc tách, khâu vá đại động mạch với trẻ sơ sinh tương đối nguy hiểm.
Tuy nhiên mọi diễn tiến bệnh đều nằm trong dự đoán nên các bác sĩ chủ động thực hiện. Nếu như thành công thì hiệu quả điều trị gần như khỏi hoàn toàn, đó cũng là sự khích lệ dành cho ê-kíp.
Sau phẫu thuật, sức khỏe của bé A. phục hồi thần kỳ, không xảy ra hiện tượng viêm phổi, nhiễm trùng nặng, suy thận, suy gan… hay những rủi ro với trẻ sơ sinh sau mổ. Bé A cũng xuất viện tuần trước trong tình trạng khỏe mạnh, ổn định, có thể tự uống sữa.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/suc-khoe/hanh-trinh-cuu-song-than-ky-be-so-sinh-mac-benh-tim-ar518599.html