Hành trình đến với Trường Sa
Trong những ngày đầu tháng tư lịch sử, tôi vinh dự được cùng Đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 25 thành viên do ông Nguyễn Nam Tiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh làm Trưởng đoàn tham gia Đoàn công tác số 5 đi thăm quần đảo Trường Sa theo Kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam từ ngày 3/4 đến 11/4/2024.
Sau khi được kiểm tra đủ điều kiện sức khỏe, chúng tôi bắt đầu hải trình đến với Trường Sa thân yêu. Trên tàu, chúng tôi được sắp xếp, bố trí nơi nghỉ và chăm sóc chu đáo, tận tình. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu luôn thăm hỏi, gần gũi với thường trực nụ cười tỏa nắng.
Từ boong tàu, xa xa, tàu cá của ngư dân nhỏ bé nhưng vững chãi giữa mênh mông biển khơi. Giữa trong xanh yên ả, những chú Hải Âu bình thản sà xuống mặt nước tìm kiếm thức ăn, rồi vút lên sải cánh dọc mạn tàu, khiến ta an lòng mỉm cười vì sự thi vị của biển cả.
Ngày 7/4, sau 2 ngày 2 đêm vượt hơn 300 hải lý, từ mờ sáng, bóng dáng đảo Song Tử Tây dần hiện rõ. Dẫu đã đến nhiều vùng miền của đất nước, nhưng lúc này, cảm xúc thật khó tả khi cảm nhận Tổ quốc thật hùng vĩ và thiêng liêng. Tất cả chúng tôi ai cũng hướng lòng vào đảo với những tình cảm vui mừng, hạnh phúc.
Bình minh trên Song Tử Tây đón chúng tôi với màu xanh mát dịu của cây Phong Ba xen lẫn Phi Lao-những loài cây đặc trưng mà tên gọi đã trở thành biểu tượng của tinh thần kiên cường, bất khuất của những người lính đảo. Và nơi đây cũng ngập tràn sắc hoa rực rỡ, như sự lạc quan, tươi trẻ của cán bộ chiến sĩ và Nhân dân Song Tử Tây.
Rời Song Tử Tây, đại dương óng ả nắng chiều rẽ mình đưa chúng tôi đến với đảo chìm Đá Thị. Khác hẳn với Song Tử Tây, ở đây hiển hiện chỉ có 2 công trình xây dựng. Giữa biển trời mênh mông và cái nắng sém da ở đảo, thật sự thán phục sức chịu đựng, ngưỡng mộ sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ bình yên cho biên cương Tổ quốc.
Xa xa, hướng về phía Nam là đảo Sơn Ca. Cùng đi với chúng tôi lần này mang theo mong ước của một nữ giáo viên là thành viên trong đoàn công tác. Bởi Sơn Ca-nơi có người lính – người chồng thương yêu của cô ấy đã bám đảo gần một năm nay; nhưng hành trình của chúng tôi lại không ghé đảo Sơn Ca. Giá như Sơn Ca là một trong những điểm đến của đoàn...
Biển rộng bình yên dập dìu sóng. Sóng không lớn nhưng cũng đủ cho con xuồng nhỏ chênh vênh. Kiểm ngư vững lái. Cô gái ấy vững lòng sắt son. Đêm Trường Sa biển trời hòa quyện, đèn tàu cá và ánh sáng từ đảo Sơn Ca đồng điệu lấp lánh cùng những vì sao.
Sáng 8/4, chúng tôi đặt chân lên hòn đảo xanh mướt, tràn đầy sức sống, đúng với tên gọi Sinh Tồn. Là một trong hai xã đảo nên nhiều điểm tương đồng với Song Tử Tây. Cùng với cán bộ, chiến sĩ, Đảo có 7 hộ dân sinh sống. Cách đảo tầm 2 hải lý về phía tây, tàu của Hải quân Vùng 4 luôn ở vị trí trấn giữ vùng lãnh hải rộng lớn, bảo đảm an toàn cho đảo Sinh Tồn cũng như Trường Sa thân yêu.
Đúng 13 giờ 30 phút, trên tàu, giữa 3 đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma, đoàn công tác tổ chức lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ. Nơi đây, 36 năm trước, ngày 14/3/1988, trước kẻ thù hung hãn, các anh đã không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm chiến đấu, lấy thân mình làm lá chắn cho Tổ quốc, ngoan cường như tượng đài bất khuất. Sự hy sinh ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của các anh mãi đi vào lịch sử, trở thành bản anh hùng ca bất tử hôm nay. Cùng lễ tưởng niệm, những nhánh hoa tươi và hạc giấy trắng cùng nắng chiều làm ấm Trường Sa-nơi linh thiêng Tổ quốc đã gìn giữ, chở che, ôm các anh vào lòng đất mẹ.
Trong sự biết ơn các Anh hùng Liệt sĩ và nhói lòng khi nhìn về Gạc Ma, chúng tôi vào Cô Lin-đảo chìm với 2 khối nhà sừng sững trên bãi san hô- cùng những hồi còi kiêu hãnh hụ lên từ tàu KN 390.
Tiếp tục hành trình, ngày 9/4, tàu neo đậu khi nắng sớm vàng rộm Đảo Đá Tây A. Xuồng máy đưa thành viên đoàn công tác vào âu thuyền để lên đảo. Cạnh cổng chào là ngôi chùa lớn nhất trong 9 ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa với những phiến đá và gỗ lim bạc màu nắng gió.
Đảo Đá Tây A thuộc thị trấn Trường Sa, có quy hoạch bài bản, các khu chức năng được bố trí khoa học với nhiều công trình kiến trúc hiện đại, kiên cố. Trung tâm là Nhà Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam hướng ra Mốc chủ quyền quốc gia. Khu dân cư văn minh với cuộc sống yên bình của 16 hộ gia đình, trước mỗi nhà đều gắn biển số hộ và tên vợ chồng. Có cơ sở giáo dục tiểu học cho 22 trẻ trong độ tuổi,… cho thấy sự quan tâm, chú trọng đầu tư của Nhà nước và các nguồn lực trong xã hội đối với Trường Sa.
Đảo Đá Tây A còn là điểm nghỉ ngơi, nơi trú tránh an toàn cho tàu thuyền của ngư dân khi ra khơi, với sự che chở của âu thuyền. Ở đây còn có Trạm Kiểm soát Biên phòng Đảo Đá Tây A thuộc Đồn Biên phòng Trường Sa.
Chiều, tàu KN 390 áp sát cầu cảng, giúp chúng tôi nhẹ bước lên hòn đảo thứ 6 của hành trình - thị trấn Trường Sa. Đoàn công tác dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh bên Sở Chỉ huy, Mốc chủ quyền và Nhà truyền thống,… dọc theo đường băng sân bay - quảng trường của thị trấn.
Đối diện là Nhà khách Thủ đô với biểu tượng Khuê Văn Các, chùa Trường Sa Lớn… Từ ngọn hải đăng, chúng tôi ngắm nhìn và cảm nhận sức mạnh, bản lĩnh Trường Sa - “Trái tim” với nhịp đập trường tồn của biển đảo thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc. Chúng tôi cùng Trường Sa một đêm giao lưu văn nghệ với những bài hát, điệu múa nồng ấm tình quân dân. Để rồi, tàu KN 390 bịn rịn rời cầu cảng trong âm vang Khúc Quân ca Trường Sa hùng tráng hòa cùng sóng gió biển đảo.
Ngày 10/4, sóng cao hơn với bọt trắng xóa, biển không còn yên ả như những ngày đầu của hải trình. Chúng tôi đã đến nhưng không thể vào Nhà giàn DK1 - Trạm Dịch vụ kinh tế - Khoa học kỹ thuật Phúc Tần A.
Xuồng máy chuyển những món quà nghĩa tình, sóng bộ đàm kết nối chúng tôi với các chiến sĩ - những người con bản lĩnh nơi đầu sóng, ngọn gió, dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Trong tầm mắt, tàu của Hải đoàn 129, Quân chủng Hải quân luôn thường trực cùng DK1, khẳng định và bảo vệ vững chắc thềm lục địa của Tổ quốc. KN 390 di chuyển vòng quanh DK1 với những cánh tay vẫy chào tạm biệt khi chưa gặp được nhau.
Tàu Kiểm ngư KN 390 với hải trình hơn 1.400 hải lý đã đưa Đoàn công tác đến 6 đảo trong số 21 đảo và 33 điểm đảo, thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang đóng giữ, khẳng định chủ quyền; thăm 1 trong 15 nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía nam Tổ quốc. Chúng tôi vinh dự được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa và thật ý nghĩa khi tôi may mắn được tiếp nhận lá cờ đỏ sao vàng đã bao ngày đêm tung bay trong nắng gió biển đảo Trường Sa.
Trường Sa hôm nay đã có nhiều thay đổi với thị trấn Trường Sa, 2 xã đảo Song Tử Tây và Sinh Tồn thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Nhưng vẫn chưa thật sự bình yên khi hiện nay trên quần đảo Trường Sa đang có mặt các lực lượng của 5 nước, 6 bên.
Thấm nhuần và làm theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 15/3/1961: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ lấy nó”, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Trường Sa đã xem “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Trường Sa luôn vững tâm, bản lĩnh, kiên cường, bất khuất, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc khi “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc”.