Hành trình định danh sản phẩm nông sản hàng hóa ở huyện Mai Châu
18 - là số sản phẩm OCOP mà huyện Mai Châu đã chuẩn hóa và tái chuẩn hóa trong 3 năm qua. Mỗi sản phẩm là một nỗ lực vươn lên của cộng đồng, của người nông dân vùng cao trong hành trình khẳng định thương hiệu. Từ hành trình ấy, vấn đề định danh sản phẩm nông sản hàng hóa được người dân chú trọng, tư duy sản xuất cũng dần thay đổi từ tập quán sang tiêu chuẩn, từ
18 - là số sản phẩm OCOP mà huyện Mai Châu đã chuẩn hóa và tái chuẩn hóa trong 3 năm qua. Mỗi sản phẩm là một nỗ lực vươn lên của cộng đồng, của người nông dân vùng cao trong hành trình khẳng định thương hiệu. Từ hành trình ấy, vấn đề định danh sản phẩm nông sản hàng hóa được người dân chú trọng, tư duy sản xuất cũng dần thay đổi từ tập quán sang tiêu chuẩn, từ "làm để đủ ăn" sang "làm để có chỗ đứng trên thị trường".

Thời gian qua, sản phẩm trà Thành Ngạnh của Hợp tác xã Hương Xuân, xã Mai Hịch (Mai Châu) tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Từ lâu, huyện Mai Châu nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang và sản vật đặc trưng mang đậm hồn Tây Bắc. Nhưng chỉ khi những quả dưa hấu của xã Mai Hạ được chứng nhận VietGAP và cấp mã số vùng trồng, khi gà đen Pà Cò gắn tem truy xuất nguồn gốc, hay gạo Mai Châu đã có nhãn hiệu tập thể và được quảng bá rộng rãi… người ta mới bắt đầu nhìn thấy hành trình "làm nông sản có tên” ở nơi đây.
Hàng loạt sản phẩm đặc sản như rượu Láu Siêu, cá Dầm xanh, măng chua Vạn Mai, su su Pà Cò... đang được huyện hỗ trợ định danh thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP, xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận… và đưa lên các sàn thương mại điện tử. Tính đến cuối năm 2024, huyện đã có 18 sản phẩm OCOP được chuẩn hóa và tái chuẩn hóa, với 4 sản phẩm năm 2021, 1 sản phẩm năm 2022, 4 sản phẩm năm 2023 và 9 sản phẩm năm 2024. Việc hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng, gắn tem truy xuất, thiết kế nhãn mác… chính là cách Mai Châu đưa sản phẩm nông nghiệp vượt khỏi khuôn khổ "hàng hóa phiên chợ” để bước vào quầy kệ hiện đại.
Cây gai xanh là một ví dụ sống động. Năm 2022, loại cây này được đưa vào trồng tại 3 xã Tân Thành, Sơn Thủy, Xăm Khòe với diện tích hơn 64 ha. Từng xa lạ với đồng đất Mai Châu, song gai xanh đã nhanh chóng bén rễ nhờ được liên kết bao tiêu bởi Công ty CP Nông nghiệp An Phước - một trong những đơn vị tiên phong ký kết hợp đồng dài hạn, hỗ trợ giống, kỹ thuật và đầu ra ổn định cho bà con. Dù từng gặp khó trong chuỗi cung ứng, nhưng đến nay, An Phước đã trở lại thu mua đều đặn, giúp nông dân an tâm giữ đất, giữ nghề.
Với quy trình canh tác đảm bảo tiêu chuẩn, việc thu hoạch, bảo quản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, gai xanh Mai Châu được đơn vị ký kết hợp đồng bao tiêu đánh giá cao. Theo đồng chí Đinh Văn Kiệm, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, đối với cây gai xanh trồng mới, năng suất vỏ gai khô thu hoạch năm đầu đạt từ 1,1 - 2,1 tấn/ha, giá trị thu nhập đạt từ 45 - 80 triệu đồng/ha/năm. Đối với cây trồng lưu gốc, năng suất thu hoạch từ 3 - 3,6 tấn/ha/năm, giá trị thu nhập từ 120 - 145 triệu đồng. Như vậy có thể thấy, thu nhập từ cây gai xanh cao hơn từ 2,5 - 4 lần so với trồng ngô, sắn trên cùng địa bàn.
Cùng với quá trình chuẩn hóa là những nỗ lực thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị. Từ các mô hình sản xuất, tiêu thụ lúa chất lượng cao tại xã Mai Hịch, đến chuỗi cây gai xanh liên kết với Công ty An Phước, hay sản phẩm trà Thành Ngạnh của HTX Hương Xuân (Mai Hịch)… tất cả đều được tổ chức theo hướng có doanh nghiệp đồng hành, HTX làm cầu nối, có hợp đồng tiêu thụ rõ ràng. Dù còn chưa rộng, nhưng đó là bước đi cần thiết để thoát khỏi cảnh "được mùa mất giá”.
Đáng nói hơn là sự dịch chuyển trong tư duy canh tác. Từ chỗ coi trọng sản lượng, giờ đây người nông dân bắt đầu làm quen với khái niệm "chất lượng cao - sản xuất theo đơn đặt hàng - truy xuất được nguồn gốc”. Họ không chỉ trồng theo ý mình, mà trồng theo nhu cầu thị trường. Không ít hộ đã tiếp cận với mã QR, với thương mại điện tử và các nền tảng số. Theo UBND huyện Mai Châu, trong 3 năm qua, nhiều lớp tập huấn về chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được tổ chức tại các xã Pà Cò, Hang Kia, Tân Thành..., hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh để tạo mã truy xuất, livestream bán nông sản, tiếp cận với sàn thương mại điện tử. Từ chỗ bỡ ngỡ ban đầu, người dân dần mạnh dạn hơn trong cách làm mới.
Tuy nhiên, theo đồng chí Hà Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, vẫn còn nhiều trở ngại như vốn ít, đất đai manh mún, thị trường tiêu thụ chưa rộng khiến quá trình định danh sản phẩm nông sản hàng hóa của huyện còn những hạn chế, nhưng điều quan trọng là cánh cửa mới đã mở. Khi nông sản có tên, có tiêu chuẩn, có liên kết thì không chỉ bán được hàng, mà còn nâng được giá trị. Đó là cách Mai Châu đang tự viết nên vị thế cho mình trong bản đồ nông nghiệp không chỉ trong phạm vi nội tỉnh.