Hành trình định vị thương hiệu cho nghề mộc Phú An
'Chưa có thương hiệu, khi mang sản phẩm đi tiếp thị trên thị trường, người dân làng mộc Phú An, xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó, chúng tôi quyết tâm xây dựng thương hiệu cho làng nghề. Đến nay, nghề mộc ở Phú An trở thành cái tên quen thuộc, định vị được thương hiệu trên thị trường đồ gỗ nội thất của Hà Nội', Chủ tịch Hội làng nghề mộc Phú An Nguyễn Tiến Quyền cho biết.
Trưởng thôn Phú An Nguyễn Doãn Hợp cho biết: Trước những năm 1990, dân làng Phú An chủ yếu đóng thuê giường, tủ, bàn, ghế, cửa… cho các xưởng mộc khắp nơi. Sau năm 2000, sẵn nghề trong tay, rất nhiều người trở về quê hương mở xưởng sản xuất. Tuy vậy, làng nghề non trẻ, các hộ sản xuất đều gặp nhiều khó khăn.
Là Chủ tịch Hội làng nghề của thôn, đồng thời cũng là chủ cơ sở sản xuất nội thất, anh Nguyễn Tiến Quyền chia sẻ về hành trình vượt khó. Anh cho biết: "Khi mới mở xưởng sản xuất, tiếp cận thị trường gặp rất nhiều khó khăn, tôi phải hạch toán rõ giá trị từ nguyên vật liệu, nhân công, chi phí vận chuyển... để sản phẩm đến người tiêu dùng với mức giá hợp lý nhất. Bên cạnh đó, tôi đặt tên cho cơ sở sản xuất của gia đình là “Nội thất Hoàng Long” như định vị thương hiệu cá nhân trong hàng trăm cơ sở sản xuất của làng.
Nói về việc xây dựng nhãn hiệu tập thể và thương hiệu riêng cho làng nghề Phú An, anh Nguyễn Tiến Quyền cho biết: “Khách hàng đánh giá rất cao tay nghề, thái độ, trách nhiệm cũng như tính chuyên nghiệp, sự khéo léo của người thợ thủ công làng nghề"... Anh Nguyễn Tiến Quyền đã xin ý kiến, đề xuất về việc nghiên cứu và xem xét tiêu chí để trình UBND thành phố công nhận Phú An là làng nghề. Sau nhiều năm xây dựng, cuối năm 2022, Phú An đã được thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống.
Khi đã được công nhận là làng nghề, làm sao giữ vững danh hiệu, phát triển thương hiệu để nhiều người biết đến cũng là vấn đề không nhỏ. Anh Nguyễn Tiến Quyền đã báo cáo lãnh đạo UBND xã cho phép thành lập Hội làng nghề.
“Chúng tôi tích cực tuyên truyền đến các hộ sản xuất, doanh nghiệp và vận động được 130 hội viên tham gia. Sau gần 8 tháng chuẩn bị, tháng 5-2023, UBND huyện Phúc Thọ đã ra quyết định thành lập “Hội làng nghề mộc Phú An”, anh Quyền kể lại.
Được sự hướng dẫn, chỉ đạo của xã Thanh Đa, các phòng, ban chuyên môn của huyện Phúc Thọ và sở, ngành của thành phố, Hội Làng nghề mộc Phú An đã xây dựng được website, fanpage riêng. Hội cũng vận động thành viên may áo đồng phục, inlogo làng nghề và tên riêng cơ sở để khách hàng dễ nhận biết.
Hội cũng đã tổ chức đóng bàn, tủ tặng trạm y tế xã, tặng ghế đá cho Trường Tiểu học Thanh Đa. Đặc biệt, Hội phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cho hội viên tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy; vận động hội viên đóng góp được hơn 220 triệu đồng để mua xe chữa cháy mini.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Đa Nguyễn Đức Dũng, hiện cả thôn Phú An có 523 hộ thì 171 hộ mở xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất. Ước tính, giá trị sản xuất từ làng nghề mỗi năm đạt gần 200 tỷ đồng, chiếm hơn 88% tổng giá trị sản xuất của làng. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các hộ gia đình ở Phú An đầu tư nhiều loại máy móc vào sản xuất như máy cắt, máy dán cạnh, máy cưa, bào, khoan… nhờ đó, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm rất cao.
Ngoài ra, để đa dạng sản phẩm, bên cạnh sử dụng nguyên liệu từ gỗ tự nhiên, các hộ còn sử dụng nguyên liệu gỗ công nghiệp kết hợp vật liệu nhựa, nhôm kính, đá, inox... Từ khi có thương hiệu, người làng nghề tự tin khi giao dịch sản phẩm “Làng nghề mộc – nội thất Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ”, nhờ đó, sản phẩm của làng nghề ngày càng tạo được uy tín với đông đảo người tiêu dùng...
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hanh-trinh-dinh-vi-thuong-hieu-cho-nghe-moc-phu-an-645244.html