Hành trình hồi sinh di sản mộc bản Thanh Liễu

Dự án 'Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề' không chỉ là nỗ lực bảo tồn di sản mà còn là cơ hội để phát triển, đổi mới cho làng nghề Thanh Liễu.

Trung tâm Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng sản phẩm làng nghề Việt (Phường Bách Nghệ) phối hợp các nghệ nhân thôn Thanh Liễu (Tân Hưng, Hải Dương) tổ chức workshop Kỹ thuật khắc và in mộc bản. Đây là sự kiện trong chuỗi hoạt động của dự án Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Công Đạt (áo đen) chia sẻ về dự án hồi sinh di sản mộc bản Thanh Liễu.

Nghệ nhân Nguyễn Công Đạt (áo đen) chia sẻ về dự án hồi sinh di sản mộc bản Thanh Liễu.

Theo nghệ nhân Nguyễn Công Đạt, nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, xuất hiện tại địa phương đến nay được 581 năm. Làng nghề không chỉ nổi tiếng với kỹ thuật khắc mộc bản tinh xảo mà còn là nơi tạo ra nhiều ván in mộc bản quý giá. Ông tổ nghề khắc ván in là Thám hoa Lương Như Hộc, làm quan thời Hậu Lê.

Ba khối mộc bản triều Nguyễn, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và mộc bản trường học Phúc Giang, đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trong đó, mộc bản trường học Phúc Giang do nghệ nhân Nguyễn Huy Vượng, người làng Hồng Lục (Thanh Liễu) thực hiện khắc in năm 1758. Ba khối mộc bản được lưu trữ tại chùa Bổ Đà, chùa Trăm Gian và bộ mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh, chùa Đồng Nhân (Bắc Ninh) được công nhận là Bảo vật quốc gia, đều do người thợ khắc ván in Thanh Liễu đảm nhận.

Nghề in khắc mộc bản ở Thanh Liễu hiện cũng đối mặt với nguy cơ bị mai một.

Nghề in khắc mộc bản ở Thanh Liễu hiện cũng đối mặt với nguy cơ bị mai một.

Tuy nhiên, cũng như nhiều nghề truyền thống khác, nghề in khắc mộc bản ở Thanh Liễu hiện cũng đối mặt với nguy cơ mai một, chỉ còn vài hộ gia đình gắn bó nghề truyền thống này.

Nghệ nhân Nguyễn Công Đạt khẳng định, dự án Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề không chỉ là nỗ lực bảo tồn di sản mà còn là cơ hội để phát triển, đổi mới cho làng nghề Thanh Liễu, đảm bảo nghề mộc bản sẽ tiếp tục phát triển và được trân trọng trong tương lai.

Muốn làm mộc bản, người thợ phải cẩn thận từng khâu.

Muốn làm mộc bản, người thợ phải cẩn thận từng khâu.

Tại workshop Kỹ thuật khắc và in mộc bản, các nghệ nhân chia sẻ, muốn làm mộc bản, người thợ phải cẩn thận từng khâu, từ chọn gỗ đến khắc chữ, hòa mực, lăn mực đến in trên giấy.

Gỗ được chọn phải mềm như gỗ thừng mực, gỗ thị hay gỗ vàng tâm. Gỗ lấy về phải trải qua nhiều công đoạn như xẻ, phơi khi nào đủ tiêu chuẩn mới có thể khắc chữ nổi lên trên để thành một bản in hoàn chỉnh.

Nghệ nhân phải mài mực rất kỹ để có bản in đẹp.

Nghệ nhân phải mài mực rất kỹ để có bản in đẹp.

Giấy in phải chọn loại giấy dó, giấy xuyến mới đảm bảo chất lượng của bản in. Sau đó, bản in được lăn bằng mực Tàu (trước kia các nghệ nhân phải đốt lá tre làm mực), dán giấy lên rồi lăn nhẹ đều tay, để một vài phút cho khô mực mới có bản in hoàn chỉnh. Mỗi công đoạn, người thợ phải làm cẩn thận, từng bước theo quy trình thì bản in mới rõ nét, không bị phai, nhòe.

Trung bình mỗi bản khắc gỗ một nghệ nhân phải mất 3-5 ngày mới hoàn chỉnh.

Trung bình mỗi bản khắc gỗ một nghệ nhân phải mất 3-5 ngày mới hoàn chỉnh.

Trung bình mỗi bản khắc gỗ một nghệ nhân phải mất 3-5 ngày mới hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nhiều bản khắc gỗ phải mất vài tháng tùy vào độ dài ngắn, câu chữ và chủ đề mà người đặt hàng yêu cầu.

Nhiều bản khắc gỗ, con chữ chỉ bé bằng hạt gạo nếu người thợ không được học bài bản, khó có thể khắc được hoàn chỉnh. Quá trình khắc, nếu không may bị vỡ nghệ nhân sẽ vá lại nhưng trường hợp này rất hãn hữu. Vì bản khắc chữ ngược khi in mới được chữ xuôi nên nghệ nhân phải thuộc chữ Hán, hiểu luật viết.

Người thợ phải làm cẩn thận từng bước theo quy trình thì bản in vừa rõ nét, không bị phai, nhòe.

Người thợ phải làm cẩn thận từng bước theo quy trình thì bản in vừa rõ nét, không bị phai, nhòe.

Trưng bày các công đoạn làm mộc bản tại Phường Bách Nghệ (Mộ Lao, Hà Đông).

Trưng bày các công đoạn làm mộc bản tại Phường Bách Nghệ (Mộ Lao, Hà Đông).

Phường Bách Nghệ

Phường Bách Nghệ không chỉ là một không gian để thúc đẩy và phát triển tinh hoa làng nghề thủ công truyền thống mà còn tạo nên một hành trình của sự khám phá, sáng tạo và truyền cảm hứng. Đây là nơi mọi người có thể tìm thấy sự kết nối với văn hóa Việt Nam qua từng sản phẩm thủ công và cùng nhau tiếp tục viết nên những chương mới cho câu chuyện của các làng nghề truyền thống.

Ảnh: Tình Lê

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/moc-ban-thanh-lieu-hanh-trinh-hoi-sinh-mot-lang-nghe-2289660.html