Hành trình khó quên tại Trại hè Việt Nam 2023

Với chủ đề 'Tuổi trẻ Việt Nam đồng hành vươn tới tương lai', chương trình Trại hè Việt Nam 2023 sẽ đưa các bạn trẻ kiều bào tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam, giúp các bạn thêm hiểu và yêu thương, gắn bó hơn với quê hương, đất nước.

Các thanh niên kiều bào hòa mình trong làn điệu Xoan "Mó cá" - Ảnh: VGP/TL

Các thanh niên kiều bào hòa mình trong làn điệu Xoan "Mó cá" - Ảnh: VGP/TL

Những ngày qua, 120 thanh niên tiêu biểu đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự chương trình "Trại hè Việt Nam 2023" đã tham quan tại Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Ngày 21/7, các bạn trẻ tới dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Tại điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, trước anh linh các Vua Hùng và các bậc tiền nhân, các thanh niên kiều bào tiêu biểu nguyện đoàn kết một lòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt và quốc gia dân tộc.

Ngay sau lễ dâng hương, đoàn thanh niên kiều bào đã tham quan và xem biểu diễn hát Xoan tại đình Hùng Lô, trải nghiệm gói bánh chưng trong không gian nhà cổ xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì.

Các bạn trẻ tham quan quần thể Di sản Thế giới Tràng An - Ảnh: VGP/TL

Các bạn trẻ tham quan quần thể Di sản Thế giới Tràng An - Ảnh: VGP/TL

Ngày 22/7, thanh niên, sinh viên kiều bào đã đặt chân đến Ninh Bình - địa phương thứ 3 trong hành trình Trại hè Việt Nam 2023. Tại đây, các bạn được tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và dâng hương tại đền Vua Đinh, Vua Lê thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư - đế đô đầu tiên của nước ta, gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của triều Đinh, Tiền Lê và đầu nhà Lý; được ngắm nhìn những công trình tường thành, cổng thành, đền, điện, chùa uy nghi và cổ kính, cùng nghệ thuật chạm khắc tinh xảo.

Hiện cố đô Hoa Lư đã được UNESCO công nhận là 1 trong 4 vùng lõi thuộc quần thể Di sản Thế giới Tràng An, đồng thời được Nhà nước xếp hạng là quần thể kiến trúc, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt quan trọng.

Sau chuyến trải nghiệm tại Ninh Bình, bạn Lưu Nguyên Anh, kiều bào trở về từ Mỹ chia sẻ: "Em rất tự hào vì cha ông ta đã dựng nước, giữ nước thật đẹp, thật thanh bình cho thế hệ sau. Em sẽ rủ các bạn ở Mỹ đến Tràng An vì núi, sông ở đây rất đẹp".

Còn bạn Trần Ngọc Sáng, kiều bào trở về từ Romania bày tỏ niềm thích thú với hoạt động tham quan Tràng An: "Chưa bao giờ em được tham gia hoạt động như vậy. Lần đầu tiên em thấy con le le, và chèo thuyền cùng các bạn rất vui".

Trước đó, cũng trong khuôn khổ của chương trình, các kiều bào trẻ đã được giao lưu văn nghệ, thưởng thức hát Xẩm tại sân khấu phố cổ Hoa Lư, thành phố Ninh Bình.

Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ là một điểm đến lịch sử trong hành trình của các trại sinh - Ảnh: VGP/TL

Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ là một điểm đến lịch sử trong hành trình của các trại sinh - Ảnh: VGP/TL

Rời Phú Thọ và Ninh Bình, ngày 23/7, các thanh niên, sinh viên kiều bào đã đến Thanh Hóa với nhiều trải nghiệm thú vị.

Trong 2 ngày ở Thanh Hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã phối hợp với Sở Ngoại vụ tỉnh Thanh Hóa, Tỉnh đoàn Thanh Hóa tổ chức chương trình cho các bạn trẻ kiều bào tham quan Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), dâng hương tưởng nhớ Vua Lê Thái Tổ, các vị Vua triều Hậu Lê, cùng các anh hùng, nghĩa sĩ Lam Sơn đã có công bảo vệ nền hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước.

Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc) cũng là một điểm đến lịch sử trong hành trình của các trại sinh. Ngắm nhìn cổng Thành nhà Hồ vững chãi, vẹn nguyên sau hơn 600 năm, các bạn không khỏi thốt lên những lời cảm thán đầy bất ngờ khi biết rằng toàn bộ những tảng đá lớn được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau mà không cần chất kết dính, một kiến trúc đá "độc nhất vô nhị" của Việt Nam và thế giới. Các bạn cũng được tham quan phòng trưng bày hiện vật Thành nhà Hồ, say mê tìm hiểu kỹ thuật khai thác, chế tác đá, kỹ thuật xây dựng thành độc đáo qua các tài liệu, hiện vật; ngưỡng mộ trước những giá trị nổi bật của các di sản từ thời vương triều Hồ.

Sự say mê đối với di vật lịch sử của các trại sinh còn được thể hiện khi các bạn ngắm nhìn những món đồ đồng độc đáo, quý hiếm của người Việt cổ, tiêu biểu nhất là bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn, tại buổi tham quan Bảo tàng Tỉnh Thanh Hóa vào sáng 24/7.

Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2023 trao quà cho Làng trẻ SOS Thanh Hóa - Ảnh: VGP/TL

Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2023 trao quà cho Làng trẻ SOS Thanh Hóa - Ảnh: VGP/TL

Cũng trong sáng 24/7, thanh niên, sinh viên kiều bào đã trao 20 triệu đồng tiền mặt, cùng hiện vật do các bạn quyên góp cho trẻ em tại Làng trẻ SOS Thanh Hóa. Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan cũng ủy quyền cho các trại sinh trao tặng 900 USD và 5 EUR ủng hộ các em ở Làng trẻ SOS Thanh Hóa.

Các bạn trẻ đã có những phút giây đầm ấm, sẻ chia với các em có hoàn cảnh khó khăn ở Làng trẻ SOS Thanh Hóa, đồng thời có những khoảnh khắc vui tươi, hứng khởi khi xem các em trình diễn, giao lưu văn nghệ.

Sau đó, thanh niên kiều bào đã được trải nghiệm nhiều hoạt động truyền thống và trò chơi dân gian tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, như sử dụng cối xay thóc, cối đá xay ngô, đi cà kheo, cầu khỉ, chơi bịt mắt đánh cồng, xích đu, bập bênh, nhảy sạp…

Diệu Anh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/hanh-trinh-kho-quen-tai-trai-he-viet-nam-2023-102230726103649713.htm