Hành trình kỳ diệu của tình yêu và sự sống
Bên trong mỗi người phụ nữ, đặc biệt là những người trẻ đang hiếm muộn, hầu hết luôn chứa đựng một khát vọng vô bờ bến - đó là mong muốn được làm mẹ. Nhưng đôi khi, khát vọng ấy không phải lúc nào cũng dễ dàng thành hiện thực.
Đối với nhiều người, hành trình tìm con là một cuộc chiến đấu đầy thử thách, đau đớn nhưng cũng tràn đầy hy vọng. Hành trình IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) chính là một cuộc chiến ấy, là câu chuyện cảm động về sự kiên trì, hy sinh và tình yêu vô bờ của người mẹ dành cho đứa con chưa chào đời. Hành trình tìm con của chị Thùy Dung chính là minh chứng sống động cho sự kiên cường của người phụ nữ trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc làm mẹ.
Tình yêu và hy vọng tạo nên phép màu
Kết hôn vào năm 2016, như bao nhiêu cặp đôi khác, chị Thùy Dung - Giám đốc phòng giao dịch của một ngân hàng chi nhánh Cần Thơ và chồng - giảng viên trường cao đẳng ở Cần Thơ cũng háo hức mong đợi một ngày con yêu chào đời. Nhưng 5 năm trôi qua, ước mơ làm mẹ vẫn chưa thành hiện thực. Đó cũng là khoảng thời gian chị ròng rã điều trị hiếm muộn, nhưng cho dù đã nỗ lực hết sức, sự mong mỏi ấy vẫn không được đáp lại. Chị chỉ có thể tích cực suy nghĩ “duyên con chưa tới”.
Năm 2022, chị Thùy Dung quyết định bắt đầu hành trình mới - thụ tinh trong ống nghiệm IVF. Đây là một quyết định đầy can đảm, quá trình này yêu cầu chị phải kiên nhẫn, phải chịu đựng những cơn đau từ những mũi tiêm, và cả những cuộc hẹn khám bệnh đầy căng thẳng. Càng lắng nghe hành trình “có con” của chị, người viết càng hiểu rõ hơn câu nói: “Người phụ nữ đẹp nhất không phải khi họ không có nếp nhăn hay chưa từng rơi nước mắt, mà là khi họ mạnh mẽ chiến đấu vì điều họ yêu thương nhất”.

Em bé IVF của mẹ Thùy Dung
Với những người mẹ IVF, vẻ đẹp ấy càng rực rỡ hơn bao giờ hết trong hành trình “có con”. Không chỉ có thuốc, những cuộc kiểm tra định kỳ, những xét nghiệm, hút trứng, cấy phôi… tất cả đều là những thử thách mà người phụ nữ phải trải qua. Trong hành trình ấy, niềm hy vọng là thứ duy nhất giúp chị vượt qua tất cả. Chị Thùy Dung cho biết, cứ mỗi lần phôi thai được nuôi trong ống nghiệm, cứ mỗi lần bác sĩ thông báo kết quả, dù chỉ là một kết quả nhỏ bé, chị đều cảm thấy trái tim mình rung lên, như có một điều kỳ diệu đang chờ đợi.
Niềm hạnh phúc vẹn nguyên trong từng lời kể của chị: “2g chiều ngày 10-10-2022, bác sĩ hẹn xét nghiệm. Ngày đó ông xã hủy họp, đưa mình đi. Khi đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm 1 tiếng mới có kết quả. Trong lúc chờ đợi đó, vì quá hồi hộp nên tôi mua cái que ở quầy thuốc thử, kết quả cho thấy đã có thai. Tôi định đi khoe với chồng, khi bước ra thì ông xã đã cầm giấy xét nghiệm của bệnh viện đứng trước mặt. Có kết quả xét nghiệm rồi, hai vợ chồng không dám tin là thật, còn tra thêm Google, khi chắc chắn là đã có thai, hai vợ chồng ngập tràn niềm hạnh phúc”.
Hành trình dưỡng thai nhiều thử thách
Mọi người thường nói, tình yêu mẹ dành cho con là vô hạn, nhưng với những người mẹ hiếm muộn, tình yêu ấy còn lớn lao gấp bội phần. Bởi, người hiếm muộn khó giữ thai hơn người bình thường, tỷ lệ sảy thai cao trong chu kỳ mang thai, cho nên mọi động thái đều rất cẩn thận, chuyện đi đứng và ăn uống tất cả đều khắt khe. Điều đó được thể hiện qua lịch trình trong ngày của chị Thùy Dung: “Trong suốt quá trình IVF và dưỡng thai, mình chích và phải uống rất nhiều thuốc. Mình nhớ, lúc đó điện thoại mình cài báo thức liên tục, câu chuyện từ sáng tới chiều là tới giờ uống thuốc”.
Với người mẹ mang thai bằng IVF, thì những đau đớn trong quá trình điều trị và dưỡng thai, những lo lắng không thể nói thành lời, sự hy sinh, sự đấu tranh không ngừng nghỉ, sức mạnh tinh thần được nâng lên tần số tích cực nhất để vượt qua những đau đớn và thử thách trong suốt hành trình gian nan..., tất cả đều là một phần của tình yêu thương. Điều đó cũng được thể hiện một phần trong nhật ký dưỡng thai của chị Thùy Dung: “Con vào dạ mạ đi tu, lúc stress tôi luôn nhắc mình cố gắng bình tâm để con mình khỏe mạnh. Dù không ai chỉ dẫn, tôi đã lên mạng tìm hiểu về thai giáo theo đạo Phật, tìm những quyển kinh tốt cho người có thai và hàng ngày luôn trì chú Đại bi; sáng và chiều đều cho con nghe chú Đại bi, cho đến khi đến ngày sinh, vào bàn mổ tôi vẫn niệm chú Đại bi”.

Tổ ấm hạnh phúc của chị Thùy Dung
Cũng giống như bao người phụ nữ khác mang thai bằng biện pháp IVF, chỉ khi đứa trẻ chào đời bình an thì chị Thùy Dung mới có được cảm giác gọi là an tâm. Khi nhìn con lớn lên hàng ngày trong vòng tay, chị hiểu rằng tất cả những giọt nước mắt, những đêm trằn trọc lo lắng, những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, tất cả đều trở nên xứng đáng. “Chỉ cần con khỏe mạnh, bình yên, mọi nỗi vất vả đều hóa thành niềm hạnh phúc vô bờ”, chị Dung chia sẻ. Bởi thế, không quan trọng con đến với thế giới này bằng cách nào, mà quan trọng là con được đón nhận bằng tình yêu thương trọn vẹn. Và người mẹ, dù trải qua bao nhiêu thử thách vẫn sẽ mãi mãi là biểu tượng đẹp nhất của sự hy sinh và tình yêu vô điều kiện.
“Với phụ nữ có con bằng IVF, quá trình đó không bao giờ là dễ dàng. Tôi thấu hiểu nỗi đau của những người phụ nữ mong con, có rất nhiều bạn cùng trang lứa với tôi tốn rất nhiều tiền, thời gian và nuôi hy vọng rồi thất vọng, tinh thần kiệt quệ, thật sự rất thương. Nên khi chứng kiến hình ảnh bạn trẻ đi phá thai, tôi xót xa cho những sinh linh bé nhỏ. Nếu được chia sẻ, tôi xin nhắn gửi đến các bạn trẻ hãy trân trọng sự sống, đừng gây tổn thương cho bản thân và những đứa trẻ vô tội”, chị Thùy Dung nhắn nhủ.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/hanh-trinh-ky-dieu-cua-tinh-yeu-va-su-song-post75465.html