Hành trình sinh con của sản phụ xương thủy tinh

Khoa Sản bệnh của BV Phụ sản Hà Nội vừa giúp một sản phụ mắc bệnh xương thủy tinh sinh mổ thành công. Bé sơ sinh cũng mắc xương thủy tinh giống mẹ.

Sản phụ Phạm Thị Hoa (SN 1991) ở Châu Quế Hạ, Văn Yên, Yên Bái, có thai tự nhiên. Khi thai được 19 tuần, các bác sĩ của bệnh viện địa phương phát hiện thai nhi chân tay ngắn. Tại BV Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ khẳng định thai nhi mắc bệnh xương thủy tinh, sau khi hội chẩn các bác sĩ khuyên sản phụ nên đình chỉ thai nghén.

Chị Hoa trở về với tâm trạng buồn và lo lắng. "Gia đình khuyên tôi nên bỏ đứa bé vì sợ sinh con ra sẽ khổ con. Tôi đã khóc rất nhiều, nhưng cuối cùng cũng nghe theo lời khuyên của gia đình.

Chị Phạm Thị Hoa và người nhà chụp ảnh cùng BSCKI Nguyễn Trung Đạo trước ca mổ sinh. Ảnh: BSCC.

Chị Phạm Thị Hoa và người nhà chụp ảnh cùng BSCKI Nguyễn Trung Đạo trước ca mổ sinh. Ảnh: BSCC.

Khi thai được 24 tuần tuổi tôi trở lại BV Phụ sản Hà Nội để "cho con ra", tuy nhiên không hiểu vì lý do gì con nhất quyết không chịu, cứ lì lợm ở trong bụng. Tôi cho rằng đó là tín hiệu con gửi cho tôi rằng con muốn được ở lại, nên tôi đã quyết định giữ đứa bé lại", chị Hoa chia sẻ.

Chị Hoa cũng kể, khi biết mang thai, chị cũng rất lo lắng vì sức khỏe của bản thân không được như người khác. Chị đã phải giữ gìn hơn rất nhiều, đi lại nhẹ nhàng, cẩn thận và đặc biệt chỉ ở trong nhà không đi đâu, tránh trường hợp không may bị va đập hay ngã.

"Suốt thời gian mang thai tôi luôn trong tâm trạng lo lắng. Cả gia đình phải quan tâm và động viên tôi rất nhiều. Có khá nhiều khó khăn, thử thách nhưng đến hiện tại tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc vì đã sinh con ra. Mong rằng con sẽ khỏe mạnh, tôi sẽ cố gắng hết sức để chăm sóc cho con", chị Hoa bày tỏ.

BSCKI Nguyễn Trung Đạo, Khoa Sản bệnh – BV Phụ sản Hà Nội, người trực tiếp mổ "bắt con" cho thai phụ Phạm Thị Hoa cho biết, trường hợp của sản phụ Hoa khiến các bác sĩ phải trăn trở rất nhiều.

Khi thai được 24 tuần, bác sĩ đã cho thuốc để sản phụ ngậm, thậm chí dùng đủ mọi cách để em bé ra. Tuy nhiên, sau 2 tuần thai phụ vẫn không có biểu hiện sinh nên đã quyết định tiếp tục giữ thai.

Chị Phạm Thị Hoa sau khi sinh đã khỏe mạnh, có thể đi lại, ăn uống bình thường, có sữa để vắt cho con uống. Ảnh: Quỳnh Mai.

Chị Phạm Thị Hoa sau khi sinh đã khỏe mạnh, có thể đi lại, ăn uống bình thường, có sữa để vắt cho con uống. Ảnh: Quỳnh Mai.

Trở về nhà theo dõi cho đến khi thai được 37 tuần, thai phụ vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để được theo dõi và sinh mổ thành công vào 13h30 ngày 22/3.

"Trong quá trình mổ "bắt con", cả ekip đã phải tỉ mỉ từng chút một để làm sao giữ được an toàn cao nhất cho cả mẹ và bé. Bac sĩ đã phải mổ dọc thân tử cung và thành bụng để lấy em bé ra một cách nhẹ nhàng, tránh việc gãy xương bé.

May mắn là quá trình mổ thuận lợi, bé ngay sau sinh đã được chuyển sang khoa sơ sinh để các bác sĩ chăm sóc. Sau 3 ngày sức khỏe của sản phụ đã ổn định, đi lại và ăn uống bình thường, đã có sữa để vắt cho bé bú", bác sĩ Đạo thông tin.

Bệnh xương thủy tinh còn gọi là bệnh giòn xương dễ gãy, hiếm gặp nhưng diễn biến phức tạp, khó điều trị nhưng dễ tái phát. Căn bệnh này chủ yếu là do di truyền bởi gen trội hoặc lặn từ phía bố hoặc mẹ.

Trong cuộc sống của người bệnh xương thủy tinh đôi khi chỉ một động tác rất nhẹ (ho, hắt hơi), hay một sang chấn nhẹ (vấp, ngã) hoặc bị gãy xương một cách tự nhiên không do một sang chấn nào. Bệnh xương thủy tinh rất dễ tái phát.

Đặc trưng của bệnh là sự tổn thương thành phần collagen (đặc biệt là týp I) của mô liên kết gây ảnh hưởng không những ở xương mà còn ở da, dây chằng, củng mạc mắt và răng. Vì vậy, gây nên hiện tượng gãy xương tự phát, biến dạng xương, lùn, bất thường của răng, giảm thính lực.

Cảnh báo nguy cơ giảm tuổi thọ xuong khớp với trào lưu nắn, bẻ xương.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hanh-trinh-sinh-con-cua-san-phu-xuong-thuy-tinh-169240325140806274.htm