Hành trình tìm hạnh phúc qua sự 'biến mất' của Ajahn Brahm

Trong một thế giới bị cuốn vào vòng xoáy của vật chất, thành tựu, những khát khao không hồi kết, có một vị thiền sư nói về hạnh phúc theo hướng ngược lại: Hạnh phúc không đến từ 'có thêm', mà đến từ việc 'buông bỏ'.

 Thiền sư Ajahn Brahm. Ảnh: Buddhist Society.

Thiền sư Ajahn Brahm. Ảnh: Buddhist Society.

Đó chính là điều mà thiền sư Ajahn Brahm - trụ trì tu viện Bodhiyana (Tây Australia) gửi gắm trong cuốn sách Hạnh phúc đến từ sự biến mất.

Điểm độc đáo của Ajahn Brahm nằm ở chỗ ông không dạy thiền như một công thức khô khan hay truyền đạt giáo lý bằng những từ ngữ khó hiểu. Thay vào đó, ông kể chuyện - những câu chuyện chân thật từ chính cuộc sống, bằng giọng văn nhẹ nhàng, đôi khi hài hước, nhưng luôn thấm đẫm sự thấu cảm và minh triết.

Trong Hạnh phúc đến từ sự biến mất, Ajahn Brahm không chỉ đưa ra lý thuyết, mà còn chiêm nghiệm sâu sắc, đúc rút từ hành trình tu tập và tiếp xúc trực tiếp với những người đang trăn trở trong hành trình sống và thiền.

Với ông, cái khiến con người đau khổ không phải là hoàn cảnh, mà là sự bám chấp vào cái tôi - “cái tôi” ấy khiến ta sợ mất, sợ thua, sợ bị tổn thương. Chúng ta đau không chỉ vì mất người yêu, công việc hay tiền bạc, mà đau vì bản ngã bị chạm đến.

Ta khổ vì những điều tưởng như “của mình” không còn nữa. Nhưng Ajahn Brahm hỏi ngược lại: Có thật là của mình không? Và nếu mình buông tay, thì điều gì sẽ xảy ra?

 Sách Hạnh phúc đến từ sự biến mất. Ảnh: Thái Quỳnh.

Sách Hạnh phúc đến từ sự biến mất. Ảnh: Thái Quỳnh.

Ông gọi đó là “biến mất”. Nhưng “biến mất” ở đây không mang nghĩa tiêu cực. Trái lại, đó là một sự giải phóng - khi cái tôi không còn là trung tâm của thế giới, thì những nỗi lo về được - mất cũng không còn lý do để tồn tại. Buông bỏ không phải là từ bỏ cuộc sống, mà là sống nhẹ nhàng hơn trong chính cuộc đời này. Đó là lúc hạnh phúc thực sự có thể nảy mầm - một thứ hạnh phúc không đến từ bên ngoài, mà sinh khởi từ sự an ổn bên trong.

Ajahn Brahm không đưa ra giáo điều hay khuôn mẫu cố định, mà lắng nghe và phản hồi bằng những chia sẻ gần gũi, giản dị. Qua từng chương, ông kể lại những câu chuyện rất đời - từ nỗi hoang mang của thiền sinh khi không thể giữ tâm yên, đến sự bối rối khi cố gắng “cưỡng ép” sự tỉnh thức - những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng rất thật.

Thay vì lý thuyết khô cứng, Ajahn Brahm mang đến sự cảm thông và thấu hiểu, giúp người đọc nhận ra rằng tu tập không phải để “trở thành” ai đó, mà là buông đi điều vốn không thuộc về mình. Chính từ những trải nghiệm đó, người đọc tìm thấy ánh sáng nhẹ nhàng của trí tuệ và lòng từ bi - cốt lõi của con đường thiền định chân chính.

Hạnh phúc đến từ sự biến mất không chỉ dành cho người tu tập thiền, mà dành cho bất kỳ ai đang cảm thấy chênh vênh, bế tắc giữa đời sống hiện đại. Cuốn sách không đưa ra câu trả lời duy nhất, nhưng giúp bạn lùi lại một bước để tìm đáp án cho câu hỏi: “Điều gì là thật sự cần giữ lại, và điều gì phải buông bỏ?”.

Huyền Nguyễn

Nguồn Znews: https://znews.vn/hanh-trinh-tim-hanh-phuc-qua-su-bien-mat-cua-ajahn-brahm-post1550678.html