Hành trình tìm ra cái nôi của loài người
Louis và Mary Leakey đã có những đóng góp quan trọng cho ngành khảo cổ học. Nhờ họ, cả thế giới biết rằng châu Phi mới là cái nôi của loài người.
Đôi khi các nhà khoa học lớn tìm ra các khám phá có ý nghĩa nhất khi họ cộng tác với vợ hoặc chồng mình. Điều này đúng với cặp Marie và Pierre Curie, họ bổ sung cho nhau khi nghiên cứu về tính phóng xạ; và cũng đúng với cặp Louis và Mary Leakey, họ đi đầu trong nghiên cứu về nguồn gốc loài người ở Đông Phi.
Cùng làm việc với nhau trong một số đoàn thám hiểm và khai quật, họ đứng tên chung khi công bố các công trình nghiên cứu về tiến hóa của loài người, và cùng kiểm chứng những nghi vấn cho rằng loài người xuất hiện đầu tiên ở châu Phi.
Louis và Mary Leakey vạch ra cây phả hệ nguồn gốc loài người với 18 triệu năm lịch sử, từ các tổ tiên dạng khỉ không đuôi cho đến người thông minh cổ đại Homo sapiens. Hai ông bà cũng phát hiện và đặt tên khoa học cho dạng người biết chế tác công cụ đầu tiên là Homo habilis (Người khéo léo).
Tuy nhiên, họ cũng có những khám phá độc lập của riêng mình. Mary tìm ra một dãy vết chân hóa thạch mà bà chứng minh được là của những người tiền sử có dáng đứng thẳng để lại vào ba triệu năm trước. Sau đó, các công cụ lao động bằng đá xuất hiện. Và Louis là người nhìn xa trông rộng hơn trong hai vợ chồng nhà Leakey.
Ông đã lập ra các nhóm nghiên cứu dài hơi đầu tiên trên thực địa về linh trưởng hoang dã, đồng thời phái Jane Goodall đi ghi chép tập tính của các loài tinh tinh, cử Dian Fossey đi quan sát khỉ đột vùng núi, và phân công Birute Galdikas đi theo dõi các loài đười ươi.
Ba nghiên cứu đó đã giúp họ hình dung ra đời sống xã hội và văn hóa của các tổ tiên sơ khởi của loài người. Bổ sung cho nhau, Louis và Mary Leakey đã thay đổi cách nhìn của ngành cổ nhân chủng học từ việc đơn giản là săn lùng các mảnh đá và các mẩu xương thành môn khoa học phong phú và sâu sắc ngày nay.
Louis Leakey đóng vai chính trong việc thúc đẩy các nghiên cứu chung của họ, tuy rằng Mary cũng sở hữu một phần không nhỏ trong số những phát hiện quan trọng nhất của hai người. Song ông là người duy nhất phớt lờ các kiến thức khoa học trước đó và đưa ra ý tưởng đi tìm xương cốt những tổ tiên sớm nhất của chúng ta ở châu Phi.
Vào thời đó, các nhà cổ nhân chủng học tin rằng loài người xuất hiện trước tiên ở châu Âu và châu Á, chỉ về sau mới di cư sang châu Phi. Louis đã phản biện lại ý tưởng này, và dần dần, với trợ giúp của Mary, họ đánh bật hoàn toàn quan niệm chính thống lâu nay.
Thiên hướng của Louis ngả về châu Phi một phần vì ông đã trải qua phần lớn tuổi thơ tại nơi đây. Bố mẹ Louis vốn là những nhà truyền giáo, sống giữa bộ tộc thổ dân Kikuyu trong một ngôi làng nhỏ miền núi phía trên thủ đô Nairobi, thuộc địa của Anh tại Đông Phi (nay là Kenya). Và cậu bé được sinh ra tại đó.
Đứa bé da trắng đầu tiên ở vùng đất xa lạ được dân làng nhiệt tình đón nhận, bao bọc, nuôi nấng. Vì thế, mặc dù bố mẹ là người Anh chính gốc, Louis vẫn tự xem mình mang một phần huyết thống của bộ tộc Kikuyu. Khi đã 11 tuổi, cậu tham gia vào các lễ hội nguyên sơ, kì bí của bộ tộc với các bạn da màu cùng trang lứa, rồi trở thành một thành viên của nhóm Mukanda (có nghĩa là “thời đại áo mới”).
Bố mẹ thu xếp mời các gia sư cho cậu cùng hai chị gái và một em trai. Do vậy toàn bộ thời thiếu niên cậu gần như không học qua bất kì trường lớp nào. Louis dành trọn thời gian tham gia các hoạt động rất thú vị và phiêu lưu cùng những người anh em mang dòng máu Kikuyu của mình.
Cậu học tiếng Kikuyu, đi săn bằng cung tên, đi đặt bẫy chim thú và chơi các trò chạy nhảy, leo trèo ngoài trời cùng với bộ lạc, thậm chí còn học cách bắt các loài động vật nhỏ bằng đôi tay trần. Về sau Louis tự nhận rằng mọi ý kiến sáng suốt mình đột xuất nảy ra trên những nẻo đường tìm kiếm các dạng người ban sơ đều đến từ nền tảng giáo dục này.
Chính cuốn truyện thiếu nhi mà người anh họ tặng nhân dịp Giáng sinh đã đưa cậu bé vào bước đường nghề nghiệp. Tiêu đề cuốn truyện ấy là Những ngày tiền sử, kể lại cuộc phiêu lưu của một chàng trai trẻ người Anh tên là Tig, sống trong thời đại Đồ đá. Cuốn sách có tranh vẽ và lời diễn giải về những người đàn ông thời tiền sử, và các công cụ bằng đá do họ chế tác ra.
Được cuốn truyện truyền cảm hứng, Louis bắt đầu đam mê sưu tầm mỗi lần một ít các mảnh đá đen nhẵn nhụi tìm thấy trong các mương rãnh bị xói mòn gần nhà. Bố mẹ và anh chị em luôn trêu chọc, chế giễu sở thích ngớ ngẩn là nhặt nhạnh những “mảnh thủy tinh vỡ” của Louis, song cậu không sao từ bỏ được cái nết say sưa tìm kiếm những miếng đá lạ.
Cậu mang khoe bộ sưu tập của mình cho nhà khoa học duy nhất mà cậu quen biết, Arthur Loveridge, người phụ trách một Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên nhỏ ở Nairobi. Sau khi chăm chú xem xét, Loveridge tiết lộ với cậu có một số “chắc chắn là công cụ thời Đồ đá” và giải thích rằng thời đại Đồ đá của châu Phi vẫn còn là một điều bí ẩn. Những lời kể của ông đã làm Louis mất ăn mất ngủ.
Thế giới của cậu thay đổi hoàn toàn. Từ đấy trở đi, những cuộc tìm kiếm theo cậu suốt cả cuộc đời. “Tôi đã khắc sâu vào tâm trí mình rằng tôi quyết sẽ đi tìm cho tận đến khi chúng ta hiểu rõ tất cả mọi thứ về thời đại Đồ đá (của châu Phi)”, Louis đã viết như thế trong cuốn tự truyện của mình mang tên Người da trắng châu Phi. Khi đó cậu chỉ mới 13 tuổi.
Thành công nhờ sự kiên định
Khởi đầu sự nghiệp của Louis thật không dễ dàng gì. Ông mới chỉ học chính khóa một vài năm tại Anh vào những dịp nghỉ phép của bố mẹ. Việc học rất vất vả, nhưng nhờ chăm chỉ nên ông đã bù đắp được phần nào cho việc thiếu sót những kiến thức cơ bản. Rốt cuộc Louis cũng được nhận vào trường St John's College, Cambridge.
Sau khi tốt nghiệp thủ khoa cả hai bằng về nhân chủng học và các ngôn ngữ hiện đại (trong số đó có ngôn ngữ Kikuyu), ông nhận được một học bổng nhỏ làm nghiên cứu sinh. Dùng học bổng này ông lấy vé tàu thủy về Kenya, tại đây vào mùa hè 1926, Louis tổ chức đoàn nghiên cứu khảo cổ học Đông Phi đầu tiên của mình.
Một giáo sư ở Cambridge đã khuyên ông đừng phí công tìm kiếm con người nguyên thủy ở châu Phi, vì cho đến bấy giờ “ai cũng biết rằng loài người xuất hiện trước tiên ở châu Á”. Lời khuyên đó chỉ có tác dụng làm cho Louis thêm xác quyết: phải tìm cho bằng được những cứ liệu để chứng minh rằng ông giáo sư đó đã sai lầm.
Rốt cuộc, Louis đã dẫn dắt bốn cuộc thám hiểm Đông Phi. Với mỗi cuộc, ông thúc đẩy họ đi sâu vào một kỉ nguyên còn ít được biết đến của thời tiền sử trên lãnh thổ châu Phi, khám phá di tích các bộ xương và công cụ đồ đá còn lưu giữ trong những địa tầng mà rất ít nhà khoa học đi trước có thể hình dung ra được.
Ông đặt hi vọng nhiều nhất vào đội sinh viên của ông ở Cambridge và những người bộ tộc Kikuyu giúp việc sẽ tìm được các công cụ đồ đá giống như của nền văn hóa Chelle (gọi theo các rìu tay bằng đá phát hiện gần vùng Chelle nước Pháp). Vào thời đó, các nhà khảo cổ học tin rằng các rìu tay lớn hình giọt lệ là đại diện của nền văn hóa cổ nhất thế giới.
Năm 1929, trong hành trình thứ hai của Louis, John Solomon, nhà địa chất học của đoàn, nhặt được một rìu tay tương tự gần địa điểm Kariandusi. Anh ta còn hoài nghi về phát hiện của mình, nhưng Louis dựa theo đặc trưng của rìu tay đó thì không nghi ngờ gì nữa. Ông cử Solomon và một sinh viên nữa quay trở lại đó để tìm kiếm kĩ thêm, và họ hăng hái lên đường.
Thời đó, chưa có cách nào để giám định tuổi của các địa tầng mang hóa thạch và các đồ tạo tác kèm theo. Các nhà địa chất học chỉ có thể suy ra tuổi của chúng bằng cách ước lượng từ độ sâu của các trầm tích xung quanh mẫu vật tìm được, do các lớp này tích lũy dần đều theo năm tháng. Sử dụng phép đo này Louis ước tính các rìu tay phải ở độ tuổi 50.000 năm. Về sau, xác định trên những công cụ định tuổi địa tầng chính xác hơn, các nhà khoa học kết luận các rìu tay này đã gần 500.000 tuổi.
Phát hiện của Louis về các công cụ đồ đá ở châu Phi cũng cổ như các công cụ đồ đá ở châu Âu đã gây chấn động mạnh. Ông được thưởng một quỹ đầu tư khổng lồ, đủ để chi tiêu cho chuyến khảo sát lớn nhất trong đời ông.
Năm 1931, ông khởi hành đi tới hẻm núi Olduvai trên lãnh thổ Tanganyika (nay là Tanzania). Hẻm núi dài hơn 40 km, nằm trong thung lũng Rift, ngoằn ngoèo bò qua các đồng bằng Serengeti, khoét sâu xuống lòng đất. Nhà địa chất học người Đức Hans Reck đã thăm dò hẻm núi này vào năm 1913, tìm thấy rất nhiều hóa thạch của các loài động vật đã tuyệt chủng, cùng với những mảnh xương của một người hiện đại.
Louis đọc báo cáo của Reck, và mặc dầu ông ta không tìm thấy một công cụ đồ đá nào trong hẻm, Louis vẫn có linh cảm là Reck đã bỏ sót chúng. Ông mời nhà địa chất người Đức này cùng tham gia với đoàn của ông. Với bốn chiếc xe dã chiến, một đoàn gồm 18 người đã chạy qua Nairobi trong ba ngày liền, vượt những lối mòn mấp mô mà các thương nhân Ấn Độ xưa kia từng đi lại cho đến khi mất dấu vết. Rồi đoàn xe tiếp tục xóc lên xóc xuống hai ngày liền, mệt nhoài với tốc độ rùa bò
8 km một giờ, cuối cùng họ cũng đến được rìa hẻm núi Olduvai vào sáng 27 tháng 9 năm 1931. Rạng đông ngày hôm sau, Louis dậy sớm, một mình cuốc bộ xuống hẻm và ông đã may mắn nhặt được một chiếc rìu tay bằng đá. “Tôi gần như phát điên lên vì sung sướng!”, ông viết sau đó, “Tóm được nó, tôi chạy ngay về trại”. Ông đánh thức mọi người trong đoàn dậy để cùng chia sẻ niềm vui bất ngờ đầu tiên.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hanh-trinh-tim-ra-cai-noi-cua-loai-nguoi-post1372131.html