Hành trình tri thức của nhân loại khởi nguồn từ cách mạng nông nghiệp

Hành trình tri thức của nhân loại, bắt đầu từ hành trình tri thức trong xã hội phát sinh cách mạng nông nghiệp.

Cối xay gió còn lại trên cánh đồng nước Anh. Ảnh: Lawrence Hookham

Cối xay gió còn lại trên cánh đồng nước Anh. Ảnh: Lawrence Hookham

Hành trình tri thức của nhân loại bắt đầu từ thời điểm nào, chúng ta không có tư liệu lịch sử khẳng định. Trong dân gian có những câu chuyện về văn hóa rất cổ xưa hoặc những truyền thuyết bất hủ nhưng không thể coi đó là những sự kiện lịch sử.

Trong xã hội cổ đại, có những người sống bằng nghề chuyên đi kể chuyện. Họ góp phần giúp cho thế hệ trẻ hiểu biết về quá khứ. Đấy là một hình thức tạo ra nền móng của khoa học lịch sử sau này. Qua những người kể chuyện, ta được biết con đường khai trí của nhân loại khoảng 5000 năm trước Công nguyên.

Các công trình khảo cổ học cho biết, con người đã sống và phát triển qua thời kỳ đồ đá cũ – thời tiền sử mở đầu từ kỷ Paleolithic – sau đó chuyển sang thời kỳ đồ đá mới, hay còn gọi là cuộc Cách mạng nông nghiệp (Neolithic Revolution).

Cuộc cách mạng này xảy ra khoảng 8000 năm trước Công nguyên, Cũng có tư liệu cho rằng, cách mạng nông nghiệp bắt đầu vào khoảng 5000 năm trước Công nguyên.

Đây là một bước tiến trong nền văn minh cổ đại – một hành trình dài mà nhờ đó, con người có tri thức tìm ra phương pháp làm nông nghiệp với những cây trồng có trong tự nhiên và động vật thuần hóa từ hoang dã.

Tạm dừng ở sự hiểu biết này để chúng ta tập trung vào chủ đề hành trình tri thức của nhân loại, bắt đầu từ hành trình tri thức trong xã hội nông nghiệp.

Hành trình tri thức của nhân loại trong cách mạng nông nghiệp

Nhiều nhà tiền sử học, khảo cổ học cho rằng, Trung Đông là cái nôi của nền nông nghiệp sơ khai trong lịch sử nhân loại. Vere Gordon Childe cho rằng, nghề nông hình thành vào khoảng thiên niên kỷ thứ IX trước Công nguyên. Tại thời điểm này, phương thức sống du mục dần dần được thay thế bởi những nhóm người định cư.

Những tri thức cơ bản của người tiền sử tạo ra nền nông nghiệp ban đầu là kiến thức được rút ra từ việc tìm kiếm các loài cây trong tự nhiên để trồng trọt và thu hoạch một cách chủ động chứ không theo cách hái lượm như lớp người trước đó.

Các loại cây hoang dã được người cổ đại trồng trọt là lúa mì emmer, lúa mì einkorn, lúa mạch tách vỏ, đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu tằm đắng, đậu gà và hạt lanh.

Lúa gạo là thực vật được thuần hóa ở Trung Quốc vào năm 6200 trước Công nguyên và kỹ thuật trồng lúa sớm nhất có từ năm 5700 trước Công nguyên. Sau đó người ta tìm ra được cách trồng đậu xanh, đậu nành và đậu azuki.

Cây cao lương được thuần hóa ở vùng Sahel của châu Phi vào năm 3000 trước Công nguyên.

Khoai tây được trồng từ năm 8000 trước Công nguyên, còn cây ngô được trồng vào năm 4000 trước Công nguyên.

Lợn là động vật được thuần hóa ở vùng Lưỡng Hà khoảng năm 11000 trước Công nguyên, tiếp theo là cừu. Những con bò rừng hoang dã được thuần hóa khoảng 8500 năm trước Công nguyên, lạc đà thì được chăn nuôi muộn hơn nhiều, khoảng 3000 năm trước Công nguyên.

Sự xuất hiện của đồng thay đá

Loại kiến thức thứ hai hết sức quan trọng bởi hành trình tri thức của người cổ đại là biết cách dùng đồng để thay đá. Người ta bắt đầu chế tác một số dụng cụ bằng đồng, đặc biệt là chế tạo vũ khí. Đến đây, thời kỳ đồ đá chấm dứt.

Hành trình tri thức của nhân loại thời kỳ trước công nguyên diễn ra chậm chạp. Người ta trồng cây lúa vào khoảng trên 6000 năm trước Công nguyên, nhưng ban đầu, họ phải dùng các mảnh đá đập hạt thóc để lấy gạo. Phải cả nghìn năm sau, con người mới biết giã gạo và làm cối xay để xát hạt thóc, tách hạt gạo ra khỏi vỏ trấu.

Cũng như vậy, thời cổ đại, con người che thân bằng vỏ cây hoặc da thú. Đến đầu thiên niên kỷ thứ III trước Công nguyên, con người mới biết kéo sợi từ bông và mới có kỹ thuật đan lưới và dệt vải.

Năm 2040 trước Công nguyên, ở Trung Quốc mới có kỹ thuật dệt lụa. Trước đó, có tài liệu nói rằng, kỹ thuật dệt ở Ấn Độ đã phát triển.

Loài người phát minh ra chữ viết

Phát minh ra chữ viết đầu tiên có từ thời điểm ra đời của thời kỳ đồ đồng, và hệ thống chữ viết xuất hiện khoảng 3000 năm trước Công nguyên. Khi đó người ta viết trên vỏ cây, viết trên đất. Mãi đến năm 105 sau Công nguyên, một người tên là Thái Luân (Trung Quốc) mới phát minh ra giấy. Như vậy, từ khi có chữ viết đến khi viết chữ lên giấy phải mất trên 3000 năm.

Muốn sản xuất cùng lúc nhiều văn bản tương tự, người ta phải tìm cách in. Công cụ in cổ đại lâu đời nhất làm bằng đất, vào năm 1400-1800 trước Công nguyên. Sau công nguyên mới có bản in khắc gỗ. Đến năm 1040 sau Công nguyên, công nghệ in rời văn tự ra đời. Mãi cho đến thế kỷ XV, Johannes Gutenberg mới phát minh ra máy in.

Hành trình tri thức trong xã hội nông nghiệp có tốc độ nhanh hơn kể từ sau Công nguyên, tuy vậy, từ thời điểm phát minh đến khi biết ứng dụng bằng các phương tiện kỹ thuật cũng là khoảng thời gian khá dài.

Khoảng năm 600, người Trung Quốc phát hiện ra thuốc súng đen – một phát minh nổi tiếng nhất của Trung Hoa cổ đại. Song, phát minh này là vô tình. Thời đó, các nhà Giả Kim thuật (luyện đan) trong khi tìm thuốc "trường sinh bất tử" để dâng Hoàng Đế, họ một cách ngẫu nhiên đã trộn diêm tiêu với lưu huỳnh, tạo nên một loại thuốc nổ. Nhưng mãi đến năm 1000, người Trung Quốc mới biết nhồi thuốc nổ vào ống tre hoặc ống đất nung để làm lựu đạn dùng trong chiến trận.

Sự hiểu biết về thuốc súng lan sang châu Âu. Đến thế kỷ XV, người châu Âu chế ra lựu đạn bằng gang, gọi là pomegranate (trái lựu). Sang thế kỷ XVI, người Pháp bắt đầu chế ra loại bom nhỏ dựa trên kiến thức về lựu đạn để ném vào đối phương trên các mặt trận.

Việc sản xuất lúa gạo như một loại hàng hóa ở đầu thế kỷ thứ II đã đòi hỏi phải có những phương tiện xay xát có công suất lớn. Năm 1085, người ta thấy xuất hiện chiếc máy xay chạy bằng năng lượng thủy triều ở cảng Dover. Cảng này nằm ở eo biển Calais, tại khúc hẹp nhất của eo biển Manche giữa Anh và Pháp.

Paris (Pháp) có rất nhiều cối xay gió bằng gỗ và cối xay gió này có niên đại từ thế kỷ 17 được bảo tồn lại như một chứng tích của cách mạng nông nghiệp.

Paris (Pháp) có rất nhiều cối xay gió bằng gỗ và cối xay gió này có niên đại từ thế kỷ 17 được bảo tồn lại như một chứng tích của cách mạng nông nghiệp.

Năm 1127, người ta thấy một chiếc cối xay gió ở Normolin thuộc xứ Flamolre. Đó là chiếc cối xay gió được coi là cổ nhất. Cho đến nay, chưa có ai phát hiện được chiếc cối xay gió nào cổ hơn. Sau đó, ở châu Âu mọc lên những chiếc cối xay gió để xay lúa mì hoặc bơm nước. Những chiếc cối xay gió ở Hà Lan trở thành niềm tự hào của dân tộc này, bởi nhờ chúng, nước biển không làm ngập một vùng đất đai của Hà Lan vốn thấp hơn mực nước biển.

Những chiếc cối xay gió ở Pháp, ở Hà Lan là biểu tượng cho nền văn minh nông nghiệp. Ngày nay, những chiếc máy đó đứng trầm tư trên nhiều vùng đất châu Âu, trầm ngâm như những nhà học giả đang suy nghĩ tới một thời kỳ dài trên 10.000 năm làm nông nghiệp của nhân loại. Hành trình tri thức trong xã hội nông nghiệp kết thúc để con người tiếp tục chinh phục tri thức mới của thời kỳ cách mạng công nghiệp bắt đầu.

GS.TS Phạm Tất Dong

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/hanh-trinh-tri-thuc-cua-nhan-loai-khoi-nguon-tu-cach-mang-nong-nghiep-179240607124226082.htm