Hành trình từ công ty dệt nhỏ vươn mình thành đế chế xe hơi của Toyota
Gia tộc danh giá Toyoda đã có nhiều cống hiến cho đất nước Nhật Bản, đáng kể nhất chính là thương hiệu xe hơi Toyota là thành quả lao động, sáng tạo của hai cha con ông Sakichi Toyoda và Kiichiro Toyoda.
Người ta thường nói nền công nghiệp của Nhật Bản có hai thứ để tự hào vượt trội, thứ nhất là ngành công nghiệp điện tử, thứ hai là ngành công nghiệp ô tô. Nếu như Panasonic là nhà sản xuất điện tử lớn nhất Nhật Bản thì Toyota chính là “ông trùm” đế chế ô tô nổi tiếng xứ hoa anh đào.
Từ một thợ mộc tài hoa...
Nhà sáng lập Toyota là Sakichi Toyoda sinh năm 1867 trong một gia đình nghèo có cha làm thợ mộc tại Shizuoka. Do hoàn cảnh mà ông đã phải dừng việc học và bắt đầu học làm nghề mộc khi mới 13 tuổi. Nhờ có một sức sáng tạo khá tốt và tinh thần chăm chỉ làm việc mà Sakichi Toyoda đã tự tay tạo ra chiếc khung dệt thủ công đầu tiên khi chỉ mới 23 tuổi.
Vào năm 1897, Sakichi Toyoda đã nghiên cứu và chế tạo ra khung dệt chạy bằng máy dầu, còn có tên là máy dệt Toyoda. Cũng trong năm đó, ông cùng một số người quen thành lập một HTX dệt may để sản xuất vải sợi bằng chính máy dệt Toyoda.
Không chỉ là một người thợ tài hoa, ngay từ đầu Toyoda đã tỏ ra là một người sáng tạo và có đầu óc nhanh nhạy. Khi tạo ra chiếc máy dệt này, ông đã nhanh chóng đăng ký bản quyền sáng chế và sau đó sản xuất hàng loạt để bán. Sau gần 10 năm phát triển thì HTX dệt may của Sakichi Toyoda đã lớn mạnh và ông đã không ngần ngại bước ra thành lập riêng Công ty dệt may Toyoda vào năm 1906 với việc tập trung sản xuất vải dệt xuất sang thị trường Trung Quốc.
Không bằng lòng với những gì có được, Sakichi Toyoda tiếp tục lao vào nghiên cứu và ông đã thu được thành tựu khi chiếc máy dệt sợi tự động ra đời vào năm 1926. Đây là sản phẩm để đời của Sakichi Toyoda với các chức năng, công đoạn từ se sợi cho đến dệt may đều được tự động hóa, đưa ông trở thành một trong những nhà phát minh tiên phong trong ngành công nghiệp dệt may nổi tiếng trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, trong một lần sang Mỹ để tìm hiểu thông tin cho dự án máy dệt tự động mà ông đang nghiên cứu, Sakichi Toyoda tình cờ nhận thấy ôtô đã xuất hiện ở Mỹ khá nhiều mà Nhật Bản chưa có. Nắm bắt cơ hội, ngay sau khi có thông tin Nhật Bản phải nhập 800 chiếc xe ôtô của hãng Ford thì lòng tự ái dân tộc của Sakichi Toyoda lại dâng cao.
...đến đế chế xe hơi tỷ đô
Năm 1929, khi nhận thấy rằng ngành công nghiệp ôtô ngày càng phát triển, ông cử con trai sang Anh và bán bằng sáng chế chiếc máy dệt của mình cho công ty Platt Brothers để lấy 100.000 bảng Anh. Với số tiền này ông bàn giao cho con trai để đầu tư vào việc chế tạo và sản xuất ôtô.
Sakichi Toyoda qua đời vào năm 1930. Trước khi tạ thế, ông đã nhắn lại với con trai Kiichiro rằng đời ông đã tạo ra chiếc máy dệt thì đời con phải phát triển những chiếc xe hơi, làm ra những thứ phục vụ đất nước và nhân dân. Kiichiro đã biến đó thành động lực để tạo nên một trong những thương hiệu ôtô nổi tiếng toàn cầu Toyota.
Kiichiro Toyoda sinh ngày 6/11/1894 tại Nagoya, là con trai trưởng của nhà phát minh Sakichi Toyoda. Thừa hưởng những tố chất thông minh, cộng với sự giáo dục nề nếp từ người cha mà Kiichiro chính là một trong những nhân tài của đất nước mặt trời mọc từ thuở niên thiếu.
Ông tốt nghiệp Đại học Tokyo năm 1921 và được cha cử sang châu Âu học nghề và nắm bắt kỹ thuật ôtô. Sau khi về nước, Kiichiro Toyoda vẫn tiếp tục làm việc tại công ty dệt may Toyoda, cho đến năm 1926 thì ông quyết định tách riêng bộ phận chế tạo máy dệt tự động và tự mình điều hành nhưng vẫn trực thuộc công ty mẹ của ông Sakichi Toyoda.
Sau khi cha ông là Sakichi Toyoda có lời gợi mở về việc phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Nhật Bản thì Kiichiro Toyoda đã tức tốc lên đường công tác châu Âu khoảng 6 tháng để chuẩn bị cho việc thành lập Toyota Motor.
Năm 1934 chiếc xe mẫu đầu tiên ra đời và được đưa vào sản xuất đại trà vào năm 1935. Đến năm 1936, con trai của ông chính thức tiếp quản công ty và chính thức thay chữ “d” bằng chữ “t” trong tên gọi Toyota với kỳ vọng mang lại sự may mắn và tượng trưng cho sự lớn mạnh không ngừng.
Tháng 4/1937, Toyota chính thức được đăng ký bản quyền thương mại và trở thành biểu tượng của ngành công nghiệp ôtô xứ hoa anh đào khi những mẫu xe hơi thông dụng bắt đầu được ra đời và trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, vừa thành lập chưa lâu thì Toyota Motor của Kiichiro Toyoda gặp những biến cố từ kinh tế suy giảm, bùng nổ Thế chiến khiến việc sáng chế và phát triển sản phẩm gặp nhiều khó khăn và phải dừng lại. Không chịu bó tay trước nghịch cảnh, Kiichiro Toyoda tiếp tục công việc yêu thích của ông với những cải tiến và phát triển dòng xe bốn bánh với mẫu sedan AE được ra đời vào năm 1940; đồng thời ông giữ chức phó Tổng giám đốc của công ty luyện thép Toyota vừa được thành lập trong năm đó. Từ đây, Kiichiro Toyoda đã mở ra một xu thế mới cho Toyota là trở thành một tập đoàn đa ngành với chế tạo ôtô, dệt may và cả luyện thép.
Thập niên 1940 chứng kiến sự tăng trưởng và mở rộng thần kỳ của Toyota khi sản lượng xe tăng đều đặn qua các năm. Đến năm 1947, Toyota đã sản xuất 100.000 chiếc. Đến năm 1955, Toyota bắt đầu đánh dấu quá trình vươn ra thế giới của mình bằng việc xuất khẩu 2 dòng xe Land Cruiser và Toyopet sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, sự bành trướng của hãng xe này ra các thị trường bên ngoài thực sự bắt đầu vào năm 1957, khi Toyota trở thành hãng xe Nhật đầu tiên bước chân vào thị trường Mỹ với thương hiệu Toyota Crown.
Thập niên 1960, hãng xe của Toyota lần lượt chinh phục thành công thị trường Australia và châu Âu. Đến năm 1970, doanh số xuất khẩu xe của Toyota chính thức cán mốc 1 triệu xe. Cũng từ thời điểm đó, họ điền tên mình vào bản đồ các hãng xe lớn của thế giới.
Có thể nói, giai đoạn này, Toyota phát triển nhanh như vũ bão. Cuối những năm 1950, Toyota chỉ là một công ty rất bé trên thế giới nhưng đến năm 1963, nó là hãng xe đứng thứ 93 trên thế giới và năm 1966 vượt lên vị trí thứ 47.
Trải qua gần 30 năm làm việc, cống hiến, Kiichiro được xem là nhà cách mạng tiên phong trong việc phát minh, sáng chế ra động cơ mang thương hiệu Nhật Bản. Đồng thời, tầm ảnh hưởng của Toyota trong nước đã lay động, thúc đẩy những thương hiệu ôtô khác phải học hỏi, thay đổi để theo kịp thời đại cũng như tạo dựng nên một nền công nghiệp ô tô phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Có thể nói, để trở thành một trong những thương hiệu lớn ở thị trường ôtô toàn cầu, thành công của Toyota bắt nguồn từ sự kết hợp giữa tài năng kinh doanh của ông Sakichi Toyoda và con trai Kiichiro Toyoda - những người đặt nền móng đầu tiên cho tập đoàn Toyota có được như ngày hôm nay.
Năm 2015, Toyota là một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới, có giá trị hàng chục tỷ USD. Thời điểm đó, Toyota sở hữu 522 công ty con trên khắp hành tinh. Đây cũng là một trong 3 công ty xe hơi lớn nhất thế giới, chỉ sau General Motors (GM) và Volkswagen (VW). Trong năm tài chính 2015, theo Toyota, “doanh số bán xe hợp nhất đạt 8.971.864 chiếc”.
Hiện nay, Toyota đang sở hữu nhiều thương hiệu xe nổi tiếng và thông dụng trên toàn thế giới như Lexus, Scion. Năm 2014, doanh số Toyota đạt khoảng 213,78 tỷ USD, tăng trưởng 16,1% trong đó mảng ô tô chiếm 92,56%.
Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, Toyota đã nắm bắt những cơ hội phát triển để biến đổi không ngừng, từ đó đạt được những thành tựu nổi trội trên trường quốc tế. Quả thực, một doanh nghiệp biết thích ứng với thời thế, nhận rõ sự lên xuống của thời đại sẽ tự tạo ra được thời cơ cho mình mà thành công. Đây chính là điều mà các doanh nghiệp non trẻ hay trưởng thành cần phải học hỏi nếu muốn bứt phá trên thương trường.