Hành trình văn hóa uống trà 5.000 năm của người Việt

NXB Phụ nữ Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu trò chuyện với chủ đề 'Văn minh trà Việt' của tác giả Trịnh Quang Dũng tại Đường sách TPHCM, tối 15/6.

Trong khuôn khổ của buổi giao lưu trò chuyện văn minh trà Việt, có một không gian thưởng trà để chiêu đãi khách tham dự. (Ảnh: NXB Phụ nữ VN)

Trong khuôn khổ của buổi giao lưu trò chuyện văn minh trà Việt, có một không gian thưởng trà để chiêu đãi khách tham dự. (Ảnh: NXB Phụ nữ VN)

Chương trình có sự tham gia của nhà văn, nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy, ông Nguyễn Duy Nhân, sáng lập Không gian trà Việt - Thiền trà Kosala, bà Nguyễn Đỗ Kim Thanh, chuyên gia trà tại Plantrip Thé Des Arts.

Trong chương trình, tác giả Trịnh Quang Dũng chia sẻ về hành trình tìm kiếm tư liệu và cứ liệu trong lần tái bản mới nhất của cuốn sách "Văn minh trà Việt".

Cuốn sách "Văn minh Trà Việt" dày 844 trang, gồm 4 chương trình bày về nguồn gốc xuất xứ của trà Việt, khẳng định Việt Nam là cội nguồn trà của thế giới bằng những luận chứng và tư liệu thuyết phục.

Trong chương 1, tác giả khắc họa biên niên sử trà Việt từ những cứ liệu quý giá, chắt lọc, truy xét kỹ lưỡng, khai thác qua nhiều nguồn thông tin như dữ liệu lịch sử, tư liệu khảo cổ, tác phẩm văn học, các truyền thuyết, phả lục và trên hết từ những nhân chứng, vật chứng sống còn đang hiển hiện.

Chương 2 đề cập tới “Nghệ thuật thưởng thức trà Việt” với sự song hành của hai phong thái: Uống trà dân gian giải khát và nghệ thuật thưởng trà bác học - cung đình tinh tế.

Chương trình giao lưu trò chuyện với chủ đề “Văn minh trà Việt” của tác giả Trịnh Quang Dũng tại Đường sách TPHCM. (Ảnh: NXB Phụ nữ VN).

Chương trình giao lưu trò chuyện với chủ đề “Văn minh trà Việt” của tác giả Trịnh Quang Dũng tại Đường sách TPHCM. (Ảnh: NXB Phụ nữ VN).

Chương 3 có tên “Hành trình trà cụ Việt xuyên thế kỷ”, tác giả tôn vinh nghệ thuật và văn hóa trà Việt qua nền trà cụ Việt độc đáo với hình thái đa dạng: trà cụ dân gian bản địa, trà cụ cung đình.

Ở chương cuối, sách kể về bề dày nghề khai thác, canh tác trà trải hơn 5.000 năm của dân tộc Việt vượt qua bao bão tố của lịch sử.

Tất cả được tìm tòi, tái hiện thông qua những vùng trà huyền thoại, những đặc sản trà tinh khiết, cao sang chinh phục lòng người, khắc dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè toàn cầu.

Khách mời tham dự cùng nhau thưởng trà trong chương trình giao lưu. (Ảnh: NXB Phụ nữ VN).

Khách mời tham dự cùng nhau thưởng trà trong chương trình giao lưu. (Ảnh: NXB Phụ nữ VN).

"Ở lần tái bản này, sau hơn 10 năm sưu tầm, tích lũy thêm nhiều tư liệu và nhận những phản hồi tích cực từ cộng đồng yêu trà Việt, tôi bổ sung thêm tư liệu và cứ liệu quan trọng để minh xác, khẳng định thêm về lịch sử văn hóa trà Bách Việt, cội nguồn căn bản của trà Việt", tác giả Trịnh Quang Dũng nói.

Theo đó, sách đưa ra hàng loạt chứng cứ văn hóa trà Bách Việt hội tụ về trà Việt qua tập tục trà của người Mông, Thái, Dao, Mường, Cao Lan, Hà Nhì, Sán Dìu... Chứng cứ khẳng định về trà Mạn Hảo Việt danh bất hư truyền càng thuyết phục hơn về nền một văn hóa trà Việt đậm đặc bản sắc.

Ngoài ra, còn có nhiều câu chuyện thú vị mới về trăm năm trà sen Trưởng An, về giống trà chờ Lồng Việt chiếm vị trí giống chủ đạo của vương quốc trà Cylon (nước Sri Lanka).

Về ông Đặng Văn Minh, người trải qua bao đắng cay trong đời, nhưng chính cây chè Shan Tuyết đã cứu cuộc đời và đưa ông tới một cuộc sống mới. Những câu chuyện đậm đặc chất văn hóa Việt vẽ tiếp bức tranh toàn cảnh hoành tráng, sinh động hơn về nền văn minh trà Việt.

Tác giả mong muốn gửi tới độc giả thông điệp của người xưa về tác dụng của trà, gói gọn trong lời dạy của thần y Tuệ Tĩnh: "Trà khả thanh tâm giải nhiệt, ẩm nhất bát, vạn lự đốn tiêu - Trà làm cho tâm hồn sảng khoái, thanh nhiệt cơ thể, uống một bát vạn nỗi ưu phiền tan biến".

Trong chương trình, hai phong thái trà tại không gian trưng bày và thưởng trà của Công ty An Thổ Túc - Bát Tràng Hà Nội và Không gian trà Việt - Thiền trà Kosala cũng được diễn ra để chiêu đãi khách tham dự.

Tác giả Trịnh Quang Dũng sinh năm 1952 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Sofia Bulgaria 1975 và tu nghiệp sau đại học tại Viện Hàn lâm Khoa học CzechSlovakia 1986-1987. Ông là nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hiện là thành viên Ban Tư vấn – Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam.

Cẩm Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hanh-trinh-van-hoa-uong-tra-5000-nam-cua-nguoi-viet-post687767.html