Quy hoạch bảo quản, phục hồi di tích đình Thổ Tang

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang.

Ngày 25/6, Bộ VH,TT&DL cho biết, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 24/6/2024 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).

Mục tiêu quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật của di tích đình Thổ Tang thành điểm giới thiệu và tôn vinh văn hóa, nghệ thuật dân gian Việt Nam gắn với các thiết chế văn hóa làng xã; góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa dân tộc; gắn kết đồng bộ với hệ thống di tích trên địa bàn huyện Vĩnh Tường và tỉnh Vĩnh Phúc.

Đình Thổ Tang được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1964 và cũng là ngôi đình có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, điêu khắc.

Đình Thổ Tang được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1964 và cũng là ngôi đình có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, điêu khắc.

Hình thành điểm du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn, kết nối với các di tích, điểm tham quan, du lịch khác của tỉnh Vĩnh Phúc để tạo chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương;

Đồng thời, xác định ranh giới bảo vệ di tích, làm cơ sở pháp lý cắm mốc giới di tích; xác định các khu chức năng, khu dân cư, khu vực bảo vệ cảnh quan môi trường; tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích...

Theo Quy hoạch, giữ nguyên ranh giới Khu vực bảo vệ I của di tích theo Hồ sơ xếp hạng di tích. Tu bổ, tôn tạo các hạng mục di tích gốc gồm: Đình Thổ Tang diện tích khoảng 598 m2; cổng đình, diện tích khoảng 168 m2 và Ao đình (ao sen), diện tích khoảng 453 m2. Xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ, trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích...

Bức phù điêu chạm nổi trên gỗ lim.

Bức phù điêu chạm nổi trên gỗ lim.

Đối với Khu vực phụ cận di tích dọc theo tuyến đường Nguyễn Thái Học (đoạn từ bến xe Thổ Tang đến chợ Giang): Hình thành vùng đệm cây xanh cảnh quan kết nối di tích với các khu vực xung quanh; là vành đai bảo vệ và cung cấp các dịch vụ bổ trợ cho di tích, được quản lý chặt chẽ về bố cục kiến trúc cảnh quan theo quy định của quy hoạch chung xây dựng thị trấn Thổ Tang đã được phê duyệt.

Sản phẩm du lịch chủ yếu gồm: Du lịch lịch sử, văn hóa; du lịch làng nghề; du lịch kết hợp mua sắm các sản phẩm, đặc sản của địa phương.

Trong đó, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với lễ hội Đình Thổ Tang; nghiên cứu bổ sung các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, một số loại hình thể thao, trò chơi dân gian của địa phương góp phần tăng sức hấp dẫn cho lễ hội; phát triển các sản phẩm du lịch tìm hiểu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của di tích Đình Thổ Tang và các hiện vật có giá trị trong di tích.

Kiến trúc rồng ở đao đình.

Kiến trúc rồng ở đao đình.

Các tuyến du lịch: Xây dựng các tuyến du lịch trên cơ sở lấy yếu tố gốc tạo nên giá trị của di tích là hạt nhân trong phát triển du lịch.

Tổ chức các tour du lịch nội huyện, nội tỉnh, tour du lịch theo chuyên đề kết nối đình Thổ Tang với các điểm du lịch trong huyện, trong tỉnh như: Đình Phương Viên, chùa Tùng Vân, đền Trúc Lâm, đình Thủ Độ, Khu du lịch sinh thái Đầm Rừng... góp phần gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch.

Hoành phi với ba chữ đại tự “hòa vi quý”.

Hoành phi với ba chữ đại tự “hòa vi quý”.

Theo giai thoại lịch sử, tướng Phùng Lân Hổ bị giặc Nguyên Mông bắn trúng tên vào vai khi đang chiến đấu ở vùng Bạch Hạc – ngã ba sông Việt Trì. Tướng Lân Hổ phi ngựa chạy qua Thổ Tang và rơi một giọt máu tươi xuống đó. Nhân dân liền lấy cây trúc cắm vào đánh dấu. Sau này, khi vua nhà Trần tuyên dương tướng Lân Hổ và ban tặng 8 chữ “Nam thiên tráng khí Bắc khấu hàn tâm”, nhân dân tâu với triều đình cho xây đình để tưởng nhớ.

Theo GS Trần Lâm Biền, đình cổ Thổ Tang là một trong những ngôi đình đẹp nhất miền Bắc. Các cổ vật và sắc phong cũng còn khá nguyên vẹn, tuy nhiên đáng chú ý nhất vẫn là bức đại tự chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc của tiền nhân.

Bức hoành phi với 3 chữ đại tự “hòa vi quý”, tức hòa là quý, cũng trở thành biểu tượng linh thiêng và được thờ ở đình cổ như một sự tri ân.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quy-hoach-bao-quan-phuc-hoi-di-tich-dinh-tho-tang-post688909.html