Hành trình về miền ký ức Campuchia
Từ cửa khẩu Nong Nokkhien của tỉnh Champasak (Lào), chúng tôi vào đất Campuchia ở địa giới tỉnh Stung Treng. Buổi trưa hè 2025 nắng như đổ lửa, cửa khẩu khá vắng người. Anh lính biên phòng Campuchia khi nghe chúng tôi trình bày là các nhà báo, nhà văn đi tour vòng quanh Đông Dương, liền nở một nụ cười thân thiện. Chắc ít có những người trên dưới 70 tuổi đi xe tự lái qua đây. Với tôi, chuyến đi này là chuyến đi trở về ký ức…
Bốn lần đến Siêm Riệp
Sau khi làm thủ tục đổi tiền, mua sim điện thoại Campuchia với giá chưa đến 10 USD cho một tuần sử dụng, chúng tôi thẳng tiến về thành phố Siêm Riệp.
Từ cửa khẩu về thành phố Siêm Riệp gần 400 km. Đường về Stung Treng vừa được nâng cấp khá tốt. Cảnh sắc vùng Đông Bắc rất đặc trưng ở đây. Những khu rừng rộng. Mùa khô, các con sông Tonle Kong, Tonle San và Mekong đều cạn nước. Thị xã Stung Treng khá nhỏ, những ngôi chùa cổ xen giữa những nhà thấp tầng, vườn cây. Ngay trên lối vào thành phố là ngọn tháp lớn và một bức tượng Phật có mái che. Biểu trưng của thành phố hình tròn dựng trên bệ, có chữ Stung Treng bằng tiếng Anh và Campuchia.

Tác giả và đồng nghiệp viếng tượng đài kỷ niệm các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam ở Phnom Penh.
Gần 50 năm trước, giữa tháng 1/1979, là phóng viên TTXVN, cùng một số đồng nghiệp khác, tôi đã có mặt trong đội hình Quân đoàn 3 quân tình nguyện Việt Nam từ Kongpongcham tiến về Siêm Riệp. Nhiệm vụ của nhóm chúng tôi trong chuyến đi ấy khá đặc biệt. Đó là thông tin về việc các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam tìm thấy vợ và con gái của ngài Chia Sim, Phó Chủ tịch Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia và cuộc gặp lại người thân trong gia đình của ngài Chia Sim. Vì vậy, tôi không đến Siêm Riệp mà trở về Phnom Penh ngay trên chuyến bay cùng Thiếu tướng Kim Tuấn, Tư lệnh Quân đoàn 3. Sau chuyến đi ấy, khi trở lại Quân đoàn, Tướng Kim Tuấn đã hy sinh trên đường hành quân.
Mùa khô năm 1980, sau một hành trình dài từ Phom Penh lên Bat Tam Bang, qua vùng biên giới Sisophon, tôi mới đặt chân đến thành phố Siêm Riệp. Một chuyến đi dài ngày và khá nguy hiểm cùng các nhà báo Lê Khắc Tịnh, điện báo viên Hữu Thành và lái xe Bùi Văn Trị. Ngày ấy, Siêm Riệp rất vắng vẻ. Cuộc truy quét tàn quân Pol Pot đang diễn ra ác liệt. Chúng tôi đã ở lại Siêm Riệp dài ngày, sống cùng với đoàn chuyên gia Việt Nam giúp bạn, đi các nơi trong địa bàn để viết về cuộc sống, con người và quá trình hồi sinh vùng đất này.
Tôi đến Chông Khniec, một làng chài trên Biển Hồ. Dân làng dưới thời Pol Pot phiêu bạt khắp nơi, từ vùng núi Culên, Sisophon, Pursat... lũ lượt tìm đường trở về. Nhưng trong số gần 4.000 người ra đi, hơn 1.000 người vĩnh viễn không trở lại. Một đơn vị bộ đội Việt Nam đến giải phóng cho họ, cử 3 chiến sĩ đưa bà con về quê hương. Đoàn người đi ngang qua Biển Hồ đang mùa cạn. Ba chiến sĩ Việt Nam mặc quần áo dân thường, mang súng dẫn đầu đoàn người rách rưới, đi suốt mấy ngày đêm mới về đến Chông Khơniếc. Đêm đầu tiên trở về, dân làng không ngủ, mở hội Rum Vuông đến sáng.

Tượng thần Bayon.
Tôi không quên lần đầu thăm Angkor. Khi ấy, tôi đi cùng những người lính Việt Nam, hai bên thành xe Jeep là hai khẩu B40 sẵn sàng nhả đạn nếu gặp lính Pol Pot phục kích. Những khu thành cổ đẹp đến nao lòng vẫn còn vương mùi tử khí trong không gian. Những người lính Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ khu đền chính cho chúng tôi biết, các trận đánh với lính áo đen vẫn diễn ra thường xuyên…
Năm 1983, tôi trở lại Siêm Riệp cùng nhà nhiếp ảnh Vũ Khánh, sau khi chứng kiến đợt rút quân tình nguyện Việt Nam đầu tiên ở Phnom Penh. Hai anh em đã có những buổi sáng đi trên Biển Hồ rất đẹp. Tôi có dịp trở lại Chông Khơniếc, làng chài nhỏ sau hơn 3 năm. Một buổi sáng trong lành, bình yên. Vẫn những nhà bè lô nhô giăng hàng trên sóng, thuyền đánh cá tấp nập đi về, bến nước đầu làng đông vui...
Năm 2008, lần thứ ba tôi trở lại Siêm Riệp khi dẫn đoàn đại biểu TTXVN thăm và làm việc với Thông tấn xã Campuchia AKP. Cùng với nhà báo Trần Chí Hùng, Trưởng phân xã TTXVN tại Phnom Penh và nhà báo Chăn Duon, Phó Tổng giám đốc AKP, chúng tôi đã có một chuyến đi bằng đường bộ từ Phnom Penh lên Siêm Riệp khi ấy đã là một trung tâm du lịch lớn. Nhiều chuyến bay từ các nước đến thẳng đây. Angkor tấp nập du khách.
Lần thứ tư này tôi trở lại Siêm Riệp với tư cách một khách du lịch. Nhà báo Ngô Hà Thái đã khéo tìm được khách sạn Naga Angkor ở ngay trung tâm, liền bên khu phố chính, giá phòng hợp lý, đủ tiện nghi và có chỗ để xe ô tô.

Đồi bà Pênh.
Siêm Riệp ngày nay rất đông du khách bởi Angkor là một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực và thế giới. Những con đường trên khu phố chính chật chội và náo nhiệt. Nhiều khách sạn lớn được xây dựng. Các quán ăn, cửa hiệu đông khách với đủ mọi màu da, ngôn ngữ. Buổi tối đầu tiên, chúng tôi hòa vào dòng người trên khu chợ đêm đông đặc. Tại một quán ăn nhỏ trên phố Sivutha Boulevard, cô chủ quán có tên là Phonny, sinh năm 1980, nghe và hiểu tiếng Anh đã ngạc nhiên khi biết tôi đã từng đến Siêm Riệp 45 năm trước.
Phonni cho biết công việc làm ăn ổn định, vì khách du lịch sau đại dịch COVID-19 trở lại ngày một đông hơn. Sau bữa ăn, chúng tôi thăm khu bán hàng lưu niệm đông đúc bên sông. Du khách có thể mua hàng dệt, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm ở đây với giá khá rẻ. Savuon, một phụ nữ trẻ khi bán cho tôi mấy chiếc áo phông có hình tháp Angkor, cho biết cô cũng sinh năm 1980. Có một lớp người sinh ra ở thành phố này và trên đất nước Campuchia vào thời điểm ấy, một cuộc hồi sinh từ hoang tàn, chết chóc.
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm để vào Angkor. Cần đi sớm cho đỡ nắng và vắng khách. Lượng du khách đến từ đầu năm đã gần nửa triệu người. Việc bán vé ở đây được tổ chức tốt. Hầu hết khách đi theo đoàn đã mua vé qua mạng, chỉ có khách lẻ mua vé tại chỗ. Ảnh từng người được chụp và in trên vé. Giá vé là 37 USD/ người, mức giá cho thấy sức hấp dẫn của Angkor với du khách. Các dịch vụ hướng dẫn, vận chuyển khá tiện lợi nhưng không bắt buộc.
Với cả ngàn ngôi đền lớn nhỏ, quần thể Angkor là một di sản tuyệt vời, qua những thăng trầm của lịch sử càng thêm sức thu hút. Được xây dựng vào thế kỷ XII, những công trình ở đây không chỉ là kiệt tác kiến trúc mà còn là biểu tượng tâm linh và văn hóa. Trong ánh nắng ban mai, những ngọn tháp ở Angkor Wat hiện lên vẻ đẹp tráng lệ. Tôi đã tìm đến hồ nước bên trái khu đền, nơi có thể nhìn đủ 5 ngọn tháp để chụp một kiểu ảnh. Năm 1980, lần đầu đến Angkor, tôi cũng đã chụp tại địa điểm này. Vẫn không gian ấy nhưng 45 năm đã trôi qua.
Khu vực Angkor Thom vẫn còn những bức tượng bị chặt đầu từ thời Pol Pot. Ran, anh bảo vệ làm việc ở khu đền này, giúp chúng tôi tìm những góc đẹp nhất để chụp thần Bayon bốn mặt. Laria, cô sinh viên trẻ đến từ Kazackhxtan chia sẻ với chúng tôi niềm vui của cô khi cùng các bạn đến Angkor. Ở đền Ta Brohm, Laria và các du khách xếp hàng để chụp những cây tùng, cây đa đại thụ có bộ rễ ôm lấy các tòa tháp cổ tạo nên những hình ảnh độc đáo.
Những hình ảnh ấy ở Ta Prohm cũng được chọn làm bối cảnh quay bộ phim "Bí mật ngôi mộ cổ" với sự tham gia của Angelina Jolie trong vai Lara Croft. Khi tôi nói rằng tôi đã từng có mặt ở đây cùng những người lính tình nguyện Việt Nam giúp người dân Campuchia thoát khỏi bạn diệt chủng, Laria rất ngạc nhiên.
Miền ký ức và những cuộc gặp gỡ
Chúng tôi rời Siêm Riệp về Phnom Penh qua đường Kampong Thom. Hôm trước, từ Angkor về, chúng tôi chỉ kịp qua Biển Hồ khi chiều đã muộn. Đang mùa nước cạn, những làng chài bên hồ nối nhau, nhà cửa, ghe thuyền chen chúc. Những đứa trẻ chân trần vui chơi quên cả nắng nóng. Người dân ở vùng này đang ngóng đợi những cơn mưa đầu mùa trút xuống.
Cung đường qua Kampong Thom có những điểm đến liên quan tới di tích lịch sử Sambor Prei Kuk và cố đô Oudong. Đấy là những nơi lần này chúng tôi muốn đến.
Sambor Prei Kuk nằm cách thành phố thủ phủ Kampong Thom 30 km, đường đi vào sâu trong rừng. Quần thể này từng là kinh đô của Vương quốc Chân Lạp, từ cuối thế kỷ thứ VI đến thế kỷ IX. Sambor Prei Kuk có 54 cụm tháp lớn nhỏ nằm rải rác trong một khu rừng rộng. Khu trung tâm được chia thành ba nhóm chính. Nghệ thuật kiến trúc ở Sambor Prei Kuk đã mang phong cách riêng tuy vẫn chịu những ảnh hưởng của kiến trúc Ấn Độ. Các công trình xây bằng gạch, cửa cuốn bằng đá.
Nghệ thuật tạc tượng cũng đã có những nét độc đáo của nền nghệ thuật tạc tượng Khmer cổ. Đây từng là một kinh thành lớn và tráng lệ, từng có thời gian bị lãng quên nên nhiều ngôi đền ở đây đã bị hư hại. Năm 2017, quần thể di tích này chính thức trở thành một Di sản thế giới của UNESCO.
Từ Sambor Prei Kuk, chúng tôi đến thăm Oudong, cố đô của Campuchia từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Oudong cách thủ đô Phnom Penh khoảng 40 km về phía Tây Bắc. Năm 1866, vua Norodom cho dời đô về Phnom Penh và Oudong trở thành cố đô. Di tích chính còn lại ở đây chỉ là những tháp Gropa nằm trên một ngọn núi. Tuy không xa Phnom Penh, Oudong cũng đã từng chìm vào quên lãng và bị rừng già xâm lấn. Khách du lịch đến đây không đông. Trên đỉnh núi bên cạnh tháp chính có một ngôi chùa cổ. Nhiều người dân địa phương đến dâng hoa và cầu nguyện. Từ đỉnh núi nhìn xuống là phong cảnh chùa chiền, làng xóm vùng Kompong Spu rất trù phú.
Chúng tôi về đến thủ đô Phnom Penh vào cuối chiều. Xe chạy qua đồi bà Pênh, theo truyền thuyết là nơi khai sinh thành phố này, rồi đi theo đường Monivong qua nhà ga xe lửa, khu chợ cũ… Đấy là những nơi rất gắn bó với tôi và các cán bộ, phóng viên Đoàn chuyên gia S78 của TTXVN sang giúp bạn xây dựng Thông tấn xã SPK những ngày đầu giải phóng. Khu Vườn chuối đối diện ga xe lửa, nơi chúng tôi đặt trụ sở của đoàn chuyên gia những ngày đầu tiên vào Phnom Penh, bây giờ là một tổ hợp khách sạn - văn phòng cao tầng. Chỉ còn khu chợ cũ vẫn giữ nét kiến trúc ngày xưa. Đường Monivong trở nên chật hẹp hơn với những khối nhà cao tầng và dòng xe đông đúc. Đi trên con đường quen thuộc năm xưa, cả một miền ký ức trở về trong tôi.
Tôi nhớ đến những ngày tham gia chiến dịch giải phóng Campuchia. Chiều ngày 7/1/1979, chúng tôi cùng các chiến sĩ tình nguyện Quân đoàn 4 có mặt ở Phnom Penh sau những trận chiến sinh tử. Khi ấy, Phnom Penh trống vắng, không có sự sống. Các ngôi nhà không có người ở. Những nẻo đường vắng tanh, một thành phố chết theo đúng nghĩa đen.
Ngày ấy, TTXVN đã thành lập Đoàn chuyên gia S78 đưa sang Phnom Penh nhiều cán bộ, phóng viên, kỹ sư, kỹ thuật viên, giúp bạn xây dựng Thông tấn xã SPK về mọi mặt: Bảo đảm thông tin trong điều kiện mới, gồm cả thông tin trong nước, thông tin đối ngoại, thông tin ảnh; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, kỹ thuật viên...; xây dựng một cơ quan thông tấn phù hợp với điều kiện của Campuchia.
Tôi cũng không quên những hình ảnh Phnom Penh đầu năm 1983, khi những người lính tình nguyện Việt Nam đầu tiên rút khỏi Campuchia, hàng ngàn người dân đã đứng dọc bên đường vẫy cờ hoa lưu luyến tiễn đưa những người lính "con nhà Phật" đã đến cứu giúp người dân đất nước này thoát họa diệt chủng.
Trở lại lần này, địa chỉ đầu tiên chúng tôi viếng thăm là Đài tưởng niệm các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở trung tâm thành phố. Biết bao người Việt Nam đã ngã xuống trên mảnh đất này vì sự nghiệp quốc tế cao cả. Những hy sinh ấy không bao giờ và không ai được phép lãng quên.
Nhà báo Huỳnh Thảo, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN và các đồng nghiệp tại Phnom Penh đã tổ chức cho chúng tôi cuộc gặp gỡ mà tôi mong đợi từ lâu với những người bạn cũ: Đại tướng Chey Beaupha, Phó Tổng thư ký Ủy ban Phòng chống ma túy quốc gia Campuchia, con gái của ngài Chey Saphon, Tổng Giám đốc đầu tiên Hãng thông tấn SPK. Ngày mới giải phóng Phnom Penh, Chey Beaupha là cô bé mới lên 8 tuổi.
Chúng tôi rất vui mừng được gặp lại các cán bộ, phóng viên của Thông tấn xã SPK từ những ngày đầu tiên: Kong Nakry, Chan Kolap, Long Mary, Vọng Sakhorn, Nuon Maly, Duong Kun Serey. Ngày mới giải phóng, các em chỉ 17-18 tuổi, là những người mang trong mình hai dòng máu Campuchia và Việt Nam, sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo cấp tốc của TTXVN đã về SPK công tác. Cha các em hầu hết đã hy sinh sau khi trở về Campuchia thời Pol Pot nắm quyền. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, các em đồng nghiệp cùng trang lứa đã trở thành những cán bộ có kinh nghiệm, góp phần xứng đáng vào hoạt động của Thông tấn xã SPK trong thời kỳ khó khăn nhất.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua. Trong buổi gặp mặt, những câu chuyện về các chuyên gia TTXVN được nhắc đến như mới xảy ra. Cuộc gặp làm tôi nhớ đến câu chuyện vào năm 2019, dịp kỷ niệm 40 năm ngày Việt Nam giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Khi ấy, tôi nhận được bức thư Chey Beaupha gửi từ Phnom Penh cùng lời nhắn: "Con nhờ chú đọc lá thư này cho các cô, các chú chuyên gia TTXVN giúp SPK những ngày đầu tiên".
Trong thư, Chey Beaupha viết: "Lúc này đây, cháu đang ngồi nhớ lại những kỷ niệm từ những ngày đất nước còn rất khó khăn và để có được những thay đổi và phồn vinh như ngày hôm nay... Cháu chắc viết mãi cũng không hết những công ơn mà các cô chú chuyên gia TTXVN đã hy sinh cho đất nước Campuchia. Sáng nay, cháu dậy sớm viết thư cho các cô chú. Sắp xong rồi nhưng đến khi cháu viết đến gần cuối, nước mắt cứ chảy ra. Cháu nhớ đến ba cháu và hiểu được tình cảm của sự mất mát, chia lìa. Không biết lúc đó cô chú chuyên gia TTXVN nhớ nhà và vợ con như thế nào vì thời đó mỗi lá thư viết về cho gia đình cả tháng vẫn chưa tới nơi và có lá thư chưa tới tay người nhận, người viết đã hy sinh...".
Con đường đi về phía trước
Chúng tôi dành trọn một ngày để thăm lại Phnom Penh. Cùng nhà báo Huỳnh Thảo, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN, chúng tôi đi thăm Hoàng Cung, Đài Độc Lập, chợ trung tâm, dãy phố dọc sông Tonle Sáp và nhiều khu phố mới. Bên cạnh nét cổ kính của cố đô, một Phnom Penh hiện đại đang hình thành. Thành phố có các trường đại học, nhà hát, các cơ sở nghiên cứu hàng đầu, nhiều trung tâm thương mại, dịch vụ... Với dân số 2,3 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, Phnom Penh giữ vai trò của một cực tăng trưởng đầu tàu của đất nước.
Cùng với nhà tù Tung Sleng, khu tưởng niệm Cánh Đồng Chết -Choeung Ek, là một địa chỉ được mọi người tìm đến để cảm nhận những điều gì đã xảy ra trên đất nước này trong quá khứ. Có hàng ngàn cánh đồng chết dưới thời Pol Pot. Sau giải phóng, người dân tìm đến Choeung Ek và phát hiện hàng ngàn xác người bị giết, những hố chôn người bị tra tấn, chặt đầu, có hố hơn 450 xác chết; chỉ riêng tại tháp trung tâm ở khu di tích này đã có tới 8.000 hộp sọ người.
Ở cửa khu di tích, chúng tôi đã có dịp gặp nhà văn Sum Rithy, một nhân chứng sống sót qua chế độ Pol Pot và nhận từ ông cuốn sách nhan đề "Surviving the genocide in the land of Angkor" (Sống sót sau nạn diệt chủng trên đất Angkor), kể lại những điều ông và nhiều người thân đã phải chịu đựng trong những năm tháng đen tối ấy.
Ở Campuchia, Trung tâm tư liệu DC - CAM (Documentation Center of Cambodia) là nơi nghiên cứu một cách đầy đủ, độc lập, có hệ thống những điều đã xảy ra trên đất nước Campuchia dưới chế độ Pol Pot. Trong 30 năm, với 19 văn phòng trên khắp đất nước, trung tâm đã thống kê, khảo sát 20.000 hố chôn người, phỏng vấn một triệu nạn nhân, thu thập 2 triệu tài liệu về nạn diệt chủng và kết luận, chế độ Pol Pot đã giết hại 2,2 triệu người.

Bên cây cầu cổ 1.000 tuổi ở ngoại ô Siêm Riệp.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, TS Chgang Youk, Giám đốc DC - Cam, chia sẻ: "Ngày 7/1/1979 là ngày thành công của việc lật đổ chế độ Khmer Đỏ, một chế độ mà thế giới đã nói, đã viết trong suốt 45 qua. Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ đối với an ninh khu vực và an ninh quốc tế, cũng như đối với bạn bè cũ của mình. Đó là sự thật rõ ràng. Sự hiện diện của quân đội Việt Nam theo yêu cầu của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia cho thấy có sự tính toán cẩn trọng và nhanh nhạy, kịp thời. Nếu có sự chần chừ, do dự, tình hình sẽ không như hôm nay".
Campuchia đã hồi sinh, từ 5 triệu người còn lại sau diệt chủng, dân số Campuchia hiện nay trên 16 triệu người. Nền kinh tế nhiều năm tăng trưởng tốc độ cao. Năm 2025, kinh tế Campuchia dự kiến tăng trưởng khoảng 6,3%, đưa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này lên trên 51 tỷ USD. Dự báo ngành du lịch sẽ đón khoảng 7,2 - 7,5 triệu khách quốc tế, doanh thu trên 5 tỷ USD…
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia được phát triển nhiều lĩnh vực, trong đó các doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong hợp tác kinh tế. Ông Oknha Leng Rithy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia (VCBA) gồm gần 100 thành viên. Trong cuộc trò chuyện với chúng chúng tôi, ông cho biết: Các doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần đáng kể trong sự phát triển chung của nền kinh tế Campuchia, giúp giải quyết việc làm cho người lao động bản địa, đóng góp cho ngân sách Nhà nước Campuchia và làm tốt công tác an sinh xã hội tại các địa phương, trong đó tiêu biểu có các doanh nghiệp như Metfone, BIDC, Angkor Milk, Thaco Agri...
Rời Phnom Penh, chúng tôi xuôi theo Quốc lộ 1 để về Việt Nam qua cửa khẩu Ba Vẹt - Mộc Bài. Đoạn đường dài khoảng 135 km này đi qua Kondan, bến phà Niek Lương xưa, nay đã là cầu, qua Pray Veng, Svay Rieng để kết nối với Quốc lộ 22 của Việt Nam. Đối với tôi, đây là con đường không thể nào quên trong cuộc đời. Tháng 12/1978, đây là con đường chúng tôi đi cùng các chiến sĩ tình nguyện Quân đoàn 4 trong chiến dịch đập tan vành đai phòng thủ phía Đông của quân Pol Pot để tiến vào Phnom Penh…
Qua thị xã Svay Rieng, tôi cố tìm lại ngôi nhà đã nghỉ ở đây cùng những người lính Việt Nam vào dịp Tết Kỷ Mùi 1979 nhưng không thấy. Trong ngôi nhà ấy đúng buổi sáng mồng 1 Tết, tôi đã nghe tiếng hát từ bên ngoài vọng vào của một người lính: "Đừng buồn mẹ ơi, Tết này con không được về…". Tiếng hát mang tâm tư của những người con xa quê hương đi làm nghĩa vụ quốc tế khi ở quê nhà những bà mẹ và người thân ngóng đợi. Và thật đau xót khi nhiều người trong số họ đã không trở về.
Khi chúng tôi qua cửa khẩu Ba Vẹt - Mộc Bài và làm các thủ tục nhập cảnh Việt Nam, trong tôi vẫn cứ vương vấn tiếng hát năm ấy, nhớ những người lính đã hiến dâng tuổi trẻ của mình để đất nước, con người Campuchia hồi sinh.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/hanh-trinh-ve-mien-ky-uc-campuchia-i776271/