Hành trình xanh cho phát triển kinh tế
Ngày 8/11, tại TP. Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) tổ chức Hội thảo 'Hành trình xanh cho phát triển kinh tế: Tương lai hành lang kinh tế Đông - Tây'. Tham dự, có ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham Việt Nam; các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các tổ chức doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà đầu tư đến từ Việt Nam, Hoa Kỳ, Lào, Thái Lan.
Kinh nghiệm từ Thừa Thiên Huế
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chia sẻ, là một địa phương nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, Thừa Thiên Huế luôn xác định ưu tiên áp dụng các giải pháp mô hình kinh tế xanh thay thế cho mô hình kinh tế truyền thống nhằm thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao năng lực chống chịu và ứng phó biến đổi khi hậu của đô thị trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo này, Thừa Thiên Huế mong muốn giới thiệu những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc đưa ra các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đa dạng hóa các sản phẩm, tăng cường chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; kinh nghiệm thực tiễn để phát triển xanh bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong giai đoạn tới. Theo đó, tỉnh tăng cường gặp mặt, trao đổi thông tin nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi mạnh mẽ trong hành động về tăng trưởng xanh cho các cấp lãnh đạo ở các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành, địa phương và doanh nghiệp giữa các bên. Đẩy mạnh công tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quy hoạch đô thị; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, đảm bảo về giao thông, cảnh quan, vệ sinh môi trường và chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu; xây dựng đô thị thông minh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ công trình xanh vào quá trình quy hoạch, thiết kế thi công công trình. Xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn thí điểm trong rác thải, nông nghiệp và xây dựng.
Đồng thời, tăng cường hợp tác trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phù hợp với xu thế phát triển trong tình hình mới, đảm bảo định hướng trong việc nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào các lĩnh vực tăng trưởng xanh như năng lượng sạch, du lịch, công nghệ thông tin, nông nghiệp, công nghiệp, tiêu dùng…
Tăng trưởng xanh để phát triển bền vững
Tham luận tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, chuyển dịch năng lượng là một xu hướng đang diễn ra trên thế giới, và Việt Nam, cụ thể là miền Trung, không nằm ngoài xu thế này. Các nhà đầu tư quốc tế đều thống nhất rằng, Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng có những lợi thế nhất định trong việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, phát triển bền vững gắn liền với tăng trưởng xanh, với những điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý đặc thù trong Hành lang Kinh tế Đông - Tây.
Để nắm bắt và phát huy được những cơ hội này, cần giải quyết được vấn đề cơ chế và chính sách để thu hút nguồn lực từ phía khu vực tư nhân để đồng hành cùng cơ quan quản lý trong việc phát triển năng lượng tái tạo và hướng tới đạt được các mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam. Bên cạnh việc chờ các chính sách từ phía Trung ương, các địa phương có thể chủ động nhận thức được các cơ hội phát triển trong quá trình chuyển dịch năng lượng và nắm bắt các cơ hội này để tạo động lực phát triển kinh tế cho chính địa phương minh.
Bà Susan Burns - Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, Việt Nam cần chuyển dịch nhanh cách tiếp cận năng lượng bền vững. Hoa Kỳ cam kết dành nguồn vốn 1 tỷ USD nhằm hỗ trợ Việt Nam chống chịu với biến đổi khí hậu, tạo năng lượng tái tạo bền vững. Trong đó có những dự án thực hiện thành công tại Thừa Thiên Huế về bảo tồn đa dạng sinh học và giảm thải rác thải nhựa. Tích cực thực hiện chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và năng lượng mới để giảm phát thải khí ô nhiễm và khí gây hiệu ứng nhà kính, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hoa Kỳ mong muốn những nỗ lực này sẽ hỗ trợ thúc đẩy Huế trở thành một điểm đến hàng đầu.
Kết luận tại hội thảo, ông Chris Valoon, đại diện AmCham Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam là 1 trong 10 nước ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng giải quyết những vấn đề phức tạp của biến đổi khí hậu. Đó là hỗ trợ chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức chuyên môn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và các sáng kiến xanh tiên tiến. Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các tỉnh thành trong quá trình chuyển đổi xanh, đồng thời hợp tác chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các ngành chủ chốt để mang lại công nghệ xanh và giúp đỡ họ trong quá trình chuyển đổi xanh.
Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Những nội dung thiết thực được trao đổi trong hội thảo sẽ góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh trong khu vực Đông Á, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong thời gian tới.