Hành trình 'xanh hóa' ngành ô tô gặp không ít thách thức

Thị trường ô tô điện đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, 'xanh hóa' ngành ô tô vẫn là hành trình đứng trước không ít thách thức.

Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính thông qua vận tải đường bộ cao thứ nhì Đông Nam Á (sau Indonesia) với 6,5 triệu ô tô và 74 triệu xe máy. Tốc độ tăng phát thải bằng phương tiện đường bộ rất nhanh.

Phát biểu tại hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến” ngày 29/8, Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho biết, nếu mỗi chiếc xe hơi lưu thông trên đường được ví như một trạm phát thải di động, thì Việt Nam đang có gần 6,5 triệu trạm phát thải như vậy. Việc chuyển đổi, thay thế dần những trạm phát thải này không chỉ là hành động phù hợp với xu thế chung trên toàn thế giới, mà còn là một nhiệm vụ cấp bách.

Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho rằng cần có giải pháp kịp thời để “xanh” hóa ngành ô tô.

“Nếu không có những giải pháp kịp thời để “xanh” hóa ngành ô tô được dự báo còn rất nhiều dư địa phát triển, thì các trạm phát thải di động sẽ ngày càng trở thành một ẩn số lớn trong bài toán phát triển bền vững.

Có thể thấy, thị trường ô tô điện đang đứng trước rất nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, “xanh” hóa ngành ô tô vẫn là hành trình đứng trước không ít thách thức”, ông Minh nhấn mạnh.

Ông Võ Minh Lực - Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam thừa nhận, việc chuyển đổi, phát triển giao thông “xanh” vẫn gặp nhiều khó khăn. Các vấn đề bao gồm quy hoạch trạm sạc tại các đô thị chưa hợp lý, làm khó cho nhà đầu tư.

Cùng đó, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng đủ nhu cầu chuyển đổi của người dân. Chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ xe động cơ truyền thống sang xe năng lượng mới chưa được triển khai mạnh mẽ, với lộ trình còn chưa rõ ràng.

“Để phát triển giao thông “xanh” tại Việt Nam, cần xây dựng chương trình chuyển đổi sang sử dụng điện và năng lượng “xanh” cho nhiều loại phương tiện khác nhau. Điều này đòi hỏi việc khuyến khích và hỗ trợ người dân cũng như doanh nghiệp sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường hơn”, ông Lực nói.

Mặt bằng lãi suất cao khiến công nghệ phát triển ô tô điện gặp khó khăn trong vay vốn lớn.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế, để phát triển được ô tô điện, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn. Việt Nam cần phải có khối lượng tín dụng lên đến hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD với lãi vay thấp và kỳ hạn vay dài cho một lần đầu tư.

Trong khi, hệ thống ngân hàng Việt Nam được phân hóa lớn với phần lớn là ngân hàng nhỏ cạnh tranh nhau khốc liệt và dựa trên nền tảng cho vay bất động sản hoặc thế chấp bằng tài sản là bất động sản. Điều này đã đẩy mặt bằng lãi suất lên cao, khiến ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, trong đó có công nghệ phát triển ô tô điện gặp khó.

“Ở một số nước trong giai đoạn đầu phát triển công nghiệp ô tô thường duy trì hệ thống ngân hàng lớn đủ tiềm lực tài chính tài trợ cho phát triển công nghiệp nặng hoặc Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay bên ngoài để phát triển ngành công nghiệp này”, ông Nghĩa chia sẻ.

Hoài Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-doanh-va-tieu-dung/o-to-xe-may/hanh-trinh-xanh-hoa-nganh-o-to-gap-khong-it-thach-thuc/20240829040650517