Hành vi lộ, lọt đề thi khi chưa kết thúc thời gian làm bài sẽ bị xử lý ra sao?
Thạc sĩ Lâm Bá Khánh Toàn (ĐH Cần Thơ) cho biết theo quy chế thi tốt nghiệp THPT sẽ xử lý nghiêm khi thí sinh hoặc cán bộ coi thi để lộ đề thi.
Sáng nay (28-6), thí sinh trong cả nước bắt đầu ngày thi đầu tiên của kỳ thi THPT năm 2023 với môn Văn. Đáng chý ý là trong buổi sáng, khi các thí sinh đang làm bài thi môn Văn chưa hết 2/3 thời gian thì có thông tin đề thi bị lọt ra ngoài.
Trả lời báo chí, đại diện truyền thông Bộ GD&ĐT đang trực đường dây nóng cho biết Bộ đã nắm thông tin việc ảnh chụp đề thi môn Văn xuất hiện trên mạng vào khoảng 9 giờ sáng nay. Bộ GD&ĐT đã chuyển thông tin cho Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an vào cuộc xác minh. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, theo quy định nếu đề thi lộ lọt ra ngoài và được sao chụp đưa lên mạng thì có vi phạm quy chế thi hay không, những người liên quan (thí sinh cũng như cán bộ coi thi) sẽ bị xử lý như thế nào?
Thạc sĩ Lâm Bá Khánh Toàn (ĐH Cần Thơ) phân tích, theo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông được ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT và 06/2023/TT-BGDĐT, thì không ai được sử dụng các thiết bị thu phát thông tin trong khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo của Hội đồng thi, trừ điện thoại cố định có loa ngoài, máy tính để liên hệ Hội đồng thi, Ban chỉ đạo khi cần thiết.
Trách nhiệm của Cán bộ coi thi là phải kiểm tra các vật dụng thí sinh mang vào phòng thi, tuyệt đối không để thí sinh mang vào phòng thi các tài liệu và vật dụng bị cấm theo quy định.
Quy chế cũng xác định rõ Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí...
Như vậy, việc thí sinh có hành vi mang thiết bị thu phát thông tin đơn cử như điện thoại di động để chụp và phát tán đề thi lên mạng xã hội đã vi phạm quy chế và sẽ bị xử lý theo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Khoản 3 Điều 54 Quy chế thi quy định về xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi như sau: “Đình chỉ thi đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây: Đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; mang vật dụng trái phép theo quy định tại Điều 14 Quy chế này vào phòng thi/phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi..”
Đối với cán bộ coi thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm Quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý xử lý kỷ luật theo quy định.
Trường hợp nếu cán bộ coi thi để cho thí sinh quay cóp và mang tài liệu, vật dụng trái phép vào phòng thi thì có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Cần lưu ý thêm, theo Quy chế thi, thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm.
Đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 (hai phần ba) thời gian làm bài của buổi thi, phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi.
Thực tế, nhiều cán bộ coi thi khi tổ chức thu bài để thí sinh ra về trước thường chỉ tập trung vào bài thi mà quên thu lại đề thi và giấy nháp của thí sinh.
Đây cũng là vấn đề cán bộ coi thi, cán bộ giám sát phòng thi cần tập trung chú ý đối với các thí sinh nộp bài và ra về khi chưa hết thời gian làm bàiVới nhiều năm tham gia tổ chức thi THPT với nhiều vị trí khác nhau,
Thạc sĩ Lâm Bá Khánh Toàn cho rằng các thí sinh và cán bộ coi thi cần chú ý tìm hiểu và tuân thủ các quy định có liên quan, đặc biệt là Quy chế thi tốt nghiệp THPT.
Trong quá trình thi, cán bộ coi thi cần tập trung, quan sát bao quát phòng thi để hoàn thành tốt nhiệm vụ coi thi tuy nhiên, cũng cần tạo tâm lý thoải mái để thí sinh có thể hoàn thành tốt bài thi của mình trong kỳ thi đặc biệt quan trọng này.
Trao đổi với PLO, Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo khoản 1 Điều 1 Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 19-5-2023 về danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo thì đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai thuộc bí mật nhà nước độ Tối mật.
Như vậy, đề thi tốt nghiệp THPT lan truyền trong quá trình đang thi của các em học sinh, đề thi này chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố, mà do ai đó làm lộ ra bên ngoài thì có thể bị coi là có hành vi làm lộ bí mật của Nhà nước.
Cơ quan điều tra, cần vào cuộc điều tra, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người làm lộ đề thi có thể bị xem xét xử lý theo quy định.
Về hành chính, người nào đó có hành vi làm lộ đề thi THPT quốc gia có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng; tổ chức có hành vi làm lộ đề thi THPT quốc gia có thể bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị buộc gỡ bỏ tài liệu bí mật nhà nước đã làm lộ. (Khoản 4, 5 Điều 19 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
Về hình sự, người làm lộ đề thi THPT quốc gia có thể bị xử lý về Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước tại Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) với mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.
Hoặc Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước tại Điều 338 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) với mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.