Hanoi Times: 'Đại sứ truyền thông' trong dòng chảy đất nước
'Nội dung phản ánh sinh động mối quan hệ hai nước – gắn kết bằng hữu nghị lâu năm và đối tác chặt chẽ. Thiết kế ấn tượng, truyền tải được thông điệp của tác giả. Tôi thực sự hài lòng với bài viết!'.
Tiến sĩ Guido Hildner - Đại sứ Đức tại Việt Nam nhận xét như vậy khi ông đọc bài phỏng vấn do Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị thực hiện, được trình bày theo định dạng Longform.
Tiến sĩ Hildner là một trong số các nhà ngoại giao quốc tế có nhận xét tích cực về sản phẩm báo chí của Kinh tế & Đô thị trong những năm qua.
Chia sẻ của ngài Đại sứ là sự khích lệ to lớn đối với chúng tôi khi Tiến sĩ Hildner được coi là một người Đức “điển hình”: nghiêm nghị, hiệu quả, đúng giờ và không hoa mỹ.
Trái với Tiến sĩ Hildner, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski rất cởi mở khi nhận được lời mời phỏng vấn hay đề nghị bình luận về vấn đề nào đó. Ông luôn dành cho tờ báo của TP sự ưu ái mà không phải nhà ngoại giao bận rộn nào cũng có thể sẵn lòng với báo chí dù rất muốn, bởi một lẽ: ông đánh giá cao tính chuyên nghiệp và trách nhiệm của phóng viên, cũng như sự tin tưởng trong mỗi bài báo.
Đại sứ Goledzinowski là một trong số ít nhà ngoại giao nước ngoài có bài riêng cho Báo Kinh tế & Đô thị về cảm nhận của ông với Hà Nội – TP ông rất gắn bó. Ông cũng là người tương tác nhiều với Chuyên trang Hanoi Times trên mạng xã hội Twitter. Tương tác của ông rất “đáng giá” vì không chỉ có “Like/Thích” mà còn “Repost/Đăng lại” và “Comment/Bình luận”.
Cựu Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam Wojciech Gerwel lại đem đến một câu chuyện cảm động. Khi bài phỏng vấn độc quyền Đại sứ về mối quan hệ lâu đời hơn 7 thập kỷ Việt Nam - Ba Lan được đăng trang trong dịp Quốc khánh nước ta, ông đã vô cùng xúc động.
Ngoài ra, ông ấn tượng với những bài báo có sự đầu tư công phu, nêu bật tình hữu nghị truyền thống, trong đó Ba Lan được coi như ngôi nhà thứ 2 của nhiều thế hệ người Việt. Vì vậy, ông nguyện làm điều gì đó thật ý nghĩa cho mối quan hệ thân tình. Không lâu sau, khi Việt Nam đang ở giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19, món quà 8 tấn trang thiết bị y tế trị giá 4 triệu USD và hàng triệu liều vaccine đã được Chính phủ và nhân dân Ba Lan gửi tặng. Việt Nam trở thành quốc gia ngoài châu Âu đầu tiên Ba Lan viện trợ vaccine và thiết bị y tế. Chúng tôi nhận thấy dấu ấn đậm nét của vị Đại sứ trong món quà vô cùng quý giá đó. Hiện ở cương vị lãnh đạo cao cấp – Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Hợp tác Kinh tế, Liên Hợp quốc và châu Á, ông vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho Việt Nam, đất nước ông gắn bó đến 11 năm.
Tương tự là câu chuyện đáng trân trọng của cựu Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro. Ông là người đóng góp không nhỏ vào món quà hơn 2,8 triệu liều vaccine Covid-19 mà Chính phủ và nhân dân Italia dành tặng Việt Nam vào thời điểm cần nhất. Phóng viên chúng tôi rất vui khi vị Đại sứ bày tỏ chân tình rằng ông rất ngạc nhiên khi đọc được những sản phẩm báo chí chất lượng và rất chú trọng tăng cường ngoại giao giữa Việt Nam và các nước. “Tờ báo như đại sứ truyền thông đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ hai nước và tôi cũng muốn tham gia vào hành trình đó cùng các bạn thông qua nỗ lực ngoại giaovaccine”, ông nói khi kết thúc nhiệm kỳ cách đây không lâu.
“Đại sứ truyền thông” mà ngài Alessandro yêu mến dành cho chúng tôi có lẽ là từ miêu tả đúng nhất khi đưa từng dòng Tweet tri ân nỗ lực và những món quà vô giá của cộng đồng quốc tế trong thời kỳ đại dịch. Thời điểm đó, Việt Nam được phân bổ gấp đôi số liều cam kết ban đầu và là một trong những nước nhận được nhiều vaccine Covid-19 nhất từ COVAX (Covid-19 Vaccines Global Access) – cơ chế toàn cầu về chia sẻ vaccine cho 190 quốc gia. Giám đốc Điều hành COVAX là Tiến sĩ Aurélia Nguyen, người Pháp gốc Việt, người được Tạp chí Time miêu tả “nắm trong tay sức khỏe của cả thế giới”. Với mỗi bài viết hay mẩu đăng Twitter của Hanoi Times, người phụ nữ quyền lực này đều tương tác và nêu cảm nhận. Và chúng tôi – một cơ quan truyền thông cũng cố gắng hết sức để góp phần nhỏ bé vào hành trình “ngoại giao vaccine” của đất nước trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng. Giờ đây, khi là Giám đốc Chiến lược của Liên minh toàn cầu về
vaccine và tiêm chủng (GAVI), Tiến sĩ Aurélia Nguyen vẫn cam kết sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam trong các chương trình vaccine.
Những nỗ lực truyền thông trên Twitter không chỉ giành được sự quan tâm của các nhà ngoại giao mà cũng khiến nhiều Trưởng Đại diện các tổ chức Liên Hợp quốc tại Việt Nam theo dõi và tương tác, như Trưởng Đại diện UN Pauline Tamesis, Trưởng Đại diện UNDP Ramla Khalida, Trưởng Đại diện UNFPA Matt Jackson, Trưởng Đại diện WHO Angela Pratt. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng tương tác với Hanoi Times.
Ấm lòng hơn khi nhiều vị Đại sứ vẫn còn nguyên tình cảm yêu mến dành cho tờ báo cũng như đất nước Việt Nam mỗi khi đọc được bài viết hay hình ảnh về Thủ đô yêu dấu đăng trên Hanoi Times thông qua Twitter. Cựu Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie nổi bật trong số đó. Bà phấn khởi chúc mừng Đội tuyển Bóng đá Quốc gia tại các giải đấu quốc tế, bà nhớ da diết chiều Thu Hà Nội khi thấy cảnh hoàng hôn Hồ Tây…
Những tương tác của các vị Đại sứ không chỉ có sức lan tỏa lớn trong giới ngoại giao mà còn là nhận xét khách quan về tờ báo, như minh chứng của “hữu xạ tự nhiên hương” và cho chúng tôi thêm động lực để phục vụ Quý độc giả được tốt hơn.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hanoi-times-dai-su-truyen-thong-trong-dong-chay-dat-nuoc.html