Hanosimex: Lỗ chồng lỗ và quyết định rút khỏi Dệt may Liên Phương

Hanosimex đang gặp khó khăn lớn với 9 quý liên tiếp thua lỗ, lỗ sau thuế 6 tháng đầu năm 2024 tăng lên 83,4 tỷ đồng. Trước tình hình tài chính căng thẳng và các khoản đầu tư không hiệu quả, HSM quyết định thoái toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Dệt may Liên Phương.

Hội đồng quản trị của Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex, mã: HSM) vừa đưa ra Nghị quyết về việc thoái toàn bộ vốn tại CTCP Dệt may Liên Phương.

Tại Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng năm 2024, HSM đã đầu tư 18 tỷ đồng vào Dệt may Liên Phương.

Được biết, Dệt may Liên Phương được thành lập từ năm 1960, có tên ban đầu là Kỹ nghệ tơ sợi Liên Phương Công ty - Lysyntex, chuyên sản xuất vải dệt thoi từ sợi tổng hợp (polyester, nylon,…). Giai đoạn 2013 - 2019, công ty tái cơ cấu sản xuất, sáp nhập với Công ty Vinatex ITC và đổi tên thành CTCP Dệt may Liên Phương.

Khoản đầu tư trái phiếu của HSM

Khoản đầu tư trái phiếu của HSM

Dệt may Liên Phương hiện sở hữu hai nhà máy chính là Nhà máy may veston VITC Garment (thuộc VITC Garment Co...) với công suất 600.000 bộ/năm và Nhà máy sản xuất vải len, công suất 6 triệu m/năm.

Năm 2022, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã lên kế hoạch thoái hết 19,15% vốn (4,5 triệu cổ phần) tại đơn vị thành viên là CTCP Dệt may Liên Phương với giá khởi điểm là 19.800 đồng/cp, tương đương giá trị lô cổ phần sẽ tối thiểu 89,1 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh của HSM, trong 6 tháng đầu năm HSM ghi nhận doanh thu thuần đạt 524 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ; lãi sai thuế âm 83,4 tỷ đồng, tăng mức lỗ so với cùng kỳ là 42,6 tỷ đồng. Dữ liệu cho thấy, doanh nghiệp này có 9 quý lỗ liên tiếp.

Tổng tài sản tại cuối tháng 6/2024 đạt 1.209 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền ở mức 17 tỷ đồng (giảm 44 tỷ đồng); Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 170,7 tỷ đồng, trong đó có hơn 142 tỷ đồng là đầu tư vào trái phiếu. Trong số này, Dệt may Hà Nội đầu tư 52,5 tỷ đồng vào trái phiếu CTCP đầu tư Tân Thành Long An; Đầu tư 23 tỷ đồng trái phiếu CTCP Bông Sen; Đầu tư 16 tỷ đồng vào trái phiếu Công ty TNHH No Va Thảo Điền và 36,6 tỷ đồng vào trái phiếu Công ty TNHH Sai Gon Glory.

Hanosimex cho biết, các khoản trái phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An, Công ty Cổ phần Bông Sen, Công ty TNHH Nam Land, Công ty TNHH No Va Thảo Điền, Công ty TNHH Saigon Glory được Tổng công ty mua qua Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt là đại lý đăng ký lưu ký, đại lý thanh toán, đại diện người sở hữu trái phiếu. Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt đã có cam kết mua lại các lô trái phiếu trên trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Tổng công ty sở hữu trái phiếu.

Các cam kết mua lại đã đến hạn từ ngày 10/10/2022 đến ngày 06/4/2023, tuy nhiên, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt chưa hoàn thành như cam kết. Đồng thời, đến ngày 30/06/2024, các lô trái phiếu trên đều đã đáo hạn nhưng Tổng công ty vẫn chưa được thanh toán. Tổng công ty đã có văn bản làm việc với Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt về vấn đề này và đang chờ đợi phương án giải quyết với Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt.

Riêng đối với các khoản trái phiếu của Công ty TNHH Saigon Glory, ngày 02/02/2024, Tổng công ty đã xác nhận "Tán thành" vào các Phiếu lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu ban hành ngày 02/02/2024 về việc gia hạn thời gian trả nợ đối với các lô trái phiếu SGL-2020.03, SGL-2020.04, SGL-2020.05, xác định kỳ hạn và phương án mua lại của tổ chức phát hành. Theo đó, kỳ hạn của trái phiếu được gia hạn đến năm 2025 và tổ chức phát hành thực hiện mua lại theo 6 kỳ. Đến ngày 29/7/2024, Tổng công ty đã nhận được thanh toán khoản mua lại trái phiếu kỳ 1 và kỳ 2 với tổng số tiền là 6.045.000.000 VND (tương đương 15% giá trị gốc theo mệnh giá).

Đáng chú ý, các khoản đầu tư trái phiếu nói trên, một số khoản rơi vào nợ xấu. Tính tới cuối tháng 6/2024, Dệt may Hà Nội có gần 155 tỷ đồng nợ xấu, giá trị thu hồi là 76,5 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu trong khoản đầu tư trái phiếu tại Tân Thành Long An là 52,6 tỷ đồng; trái phiếu tại Công ty TNHH Nam Land là 16 tỷ đồng; Trái phiếu của Công ty TNHH No Va Thảo Điền 15 tỷ đồng; trái phiếu tại Công ty TNHH Sai Gon Glory là 36,6 tỷ đồng.

Hàng tồn kho giảm 67 tỷ đồng xuống 196,6 tỷ đồng. Tổng nợ vay của Dệt may Hà Nội tính tới cuối tháng ở mức 600 tỷ đồng.

O.L

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/hanosimex-lo-chong-lo-va-quyet-dinh-rut-khoi-det-may-lien-phuong-126414.html