Hào khí Cách mạng tháng Tám ở Huế trong thơ Tố Hữu

1. Tháng 8/1945, nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu – người con ưu tú của quê hương Quảng Thọ - Quảng Điền - Thừa Thiên Huế vừa tròn 25 tuổi, được Đảng và Bác Hồ giao trọng trách trở lại quê hương đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Thừa Thiên, nhằm lãnh đạo Việt Minh tỉnh cùng đồng bào nổi dậy giành chính quyền, đập tan xiềng xích thực dân – phong kiến theo kế hoạch của Quốc dân Đại hội Tân Trào.

 Hàng vạn người dân Thừa Thiên Huế và các Đội Cứu quốc quân tiến về sân vận động Huế Tháng 8/1945. Ảnh: Tư liệu

Hàng vạn người dân Thừa Thiên Huế và các Đội Cứu quốc quân tiến về sân vận động Huế Tháng 8/1945. Ảnh: Tư liệu

Là nhà thơ, nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng từ thập niên 30 - 40 của thế kỷ XX, với những áng thơ sục sôi, thức tỉnh lương tri của bao lớp người sống dưới chế độ bạo tàn, phản ánh chân thật đời sống khổ đau của người dân mất nước: “Nước mất nhà tan, đời khổ thế/Không làm nô lệ, đứng lên thôi”, hay“Trời ơi em biết khi mô/Thân em hết nhục giày vò năm canh…”.

Ngay từ đầu năm 1945, khi cách mạng Việt Nam đứng trước thời cơ thuận lợi, chiến tranh Thế giới thứ hai đi vào giai đoạn kết thúc, nhà thơ đã tiên đoán vận hội mới cho dân tộc Việt Nam sẽ được mở ra qua bài thơ Xuân đến, khẳng định niềm tin tất thắng: “Hỡi người bạn! Vui lên đi Ất Dậu/ Sẽ là năm khởi nghĩa, năm thành công!/ Trời hôm nay dầu xám ngắt màu đông/ Ai cản được mùa xuân xanh tươi sáng/ Ai cản được những đoàn chim quyết thắng/ Sắp về đây tắm nắng xuân hồng?”…

Sự nhạy cảm và hồn thơ tinh tế đó đã đúng, khi vào giữa tháng Tám năm 1945, trục phát xít thất bại trên toàn thế giới, phát xít Nhật đầu hàng phe Đồng Minh, mở ra cơ hội lớn cho cách mạng Việt Nam đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Còn niềm vui nào hơn thế nữa! Niềm vui hân hoan, niềm vui hội ngộ của sự đổi thay.

2. Nắm bắt thời cơ thuận lợi đó, giữa tháng 8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tại Huế nhanh chóng được thành lập do nhà thơ Tố Hữu làm Chủ tịch, đồng chí Hoàng Anh làm Phó Chủ tịch. Với vai trò Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên, lại sinh ra, trưởng thành, hoạt động ở Huế, đồng thời là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo quần chúng nhân dân Huế nổi dậy cướp chính quyền, nên thời điểm ấy, với cảm xúc dâng trào của một hồn thơ lãng mạn cách mạng, nhà thơ Tố Hữu không thể bỏ qua những thời khắc xúc động, vui sướng vỡ òa trong mạch nguồn cảm xúc để viết nên những tứ thơ hay nhất, chân thật và sinh động nhất để phản ánh hiện thực mà bấy lâu nhà thơ và cả dân tộc chờ mong. Với trạng thái cảm xúc và nhận thức của một nhà thơ, nhà cách mạng chuyên nghiệp, Tố Hữu đã viết nên một thi phẩm để đời về hào khí sục sôi trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm1945, mà sau này, chính Tố Hữu đã khẳng định:“Có lẽ trong lịch sử ở Thừa Thiên Huế, chưa có một ngày hội nào lớn và đẹp đến thế”. Bài thơ ban đầu có tiêu đề 23/8/1945, được công bố lần đầu tiên trên Tạp chí Ánh sáng (Cơ quan Tuyên truyền, cổ động của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác – Lênin, tức Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại Huế), số đặc biệt, ra ngày 19/8/1946 (Kỷ niệm 01 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công). Sau này, bài thơ được chính nhà thơ chỉnh sửa một số từ và đặt lại nhan đề Huế tháng Tám, và được in chung trong tập Từ ấy.

Cách mạng tháng Tám nổ ra không chỉ mở đầu cho nền độc lập dân tộc, mà còn kết thúc sự đô hộ gần 100 năm của thực dân – đế quốc và hàng ngàn năm của quân chủ phong kiến. Khí thế cách mạng của người dân Huế hừng hực, sục sôi mong chờ một sự chuyển mình thắng lợi “Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi!”.

Bởi vào ngày 21/8, Ủy ban Khởi nghĩa đã gửi tối hậu thư cho vua Bảo Đại, buộc nhà vua phải thoái vị, giao lại quyền lực cho chính quyền cách mạng, cũng như đảm bảo tính mạng và tài sản của hoàng gia, nhà thơ đã diễn tả “Đức Kim thượng đêm nay trong ngọc điện/ Ngự lên lầu, trông lên cao xao xuyến/ Muôn vì sao... lạnh lẽo thấm hoàng bào/ Người rùng mình, tưởng đứng đỉnh cù lao/ Nỗi cô độc giữa gió triều biển động”…

Liền sau đó là sự khẳng định cuộc chuyển giao quyền lực giữa triều đại nhà Nguyễn với chính quyền cách mạng, không phải là một cuộc lật đổ, mà là tất yếu của lịch sử, bởi nó phù hợp với ý nguyện của Nhân dân: “Một ngai vàng không thể thắng giang sơn/ Lòng muôn dân rần rật lửa căm hờn/ Máu giải phóng đã sôi lòng nhân loại/ Người phải xuống, đêm nay vui chiến bại/ Để toàn dân chiến thắng giữ ngôi son/ Người phải lui, cho dân tiến, nước còn…/Người đã quyết không làm vua nô lệ/Xuống làm dân nước độc lập hoàn toàn”.

Và chiều ngày 23/8/1945, tại sân vận động Huế, hàng vạn đồng bào tập trung chỉnh tề dưới rừng cờ cách mạng. Đại diện cho Ủy ban khởi nghĩa, nhà thơ Tố Hữu đọc diễn văn tuyên bố quyền lực về tay Nhân dân. Tố Hữu chính là chứng nhân lịch sử mới thấu hiểu sâu sắc sự thay đổi lớn lao mà người dân cả nước đạt được sau bao nhiêu năm máu đổ, đầu rơi… nên đã cất tiếng reo vui: “Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy/ Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi...” và “Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác/ Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc/ Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm/ Việt Nam, Việt Nam! Việt Nam muôn năm!”.

Không những Huế tháng Tám, cuộc cách mạng long trời lở đất được nhà thơ Tố Hữu miêu tả sinh động và chân thật, mà hào khí sục sôi của đồng bào xứ Huế trong những ngày khởi nghĩa 79 năm về trước còn được nhà thơ khắc họa đậm nét trong bài Quê mẹ, với một khí thế triều dâng, thác đổ“Tháng Tám vùng lên Huế của ta/Quảng Phong ơi, Hương Thủy, Hương Trà/Phú Vang, Phú lộc đò lên Huế/Đỏ ngập dòng sông rộn tiếng ca”… đã thực sự làm nên một Huế tháng Tám oai hùng và bất khuất.

Nguyễn Đình Dũng

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/hao-khi-cach-mang-thang-tam-o-hue-trong-tho-to-huu-145286.html