Hào khí dân tộc nâng bước doanh nghiệp Việt Nam phát triển

Từ hào khí của dân tộc, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển bứt phá, tạo nên những thành tựu mới cho đất nước.

Những thành tựu đạt được trong 50 năm sau ngày đất nước thống nhất là bệ phóng để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục xây dựng, kiến tạo tương lai. Đặc biệt, cùng với sự tăng tốc chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh đang mở rộng cánh cửa để doanh nghiệp phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Ông Lê Công Năng - Chủ tịch Diễn đàn doanh nhân, CEO Wondertour - chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.

Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội để phát triển bứt phá. Ảnh: TTXVN

Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội để phát triển bứt phá. Ảnh: TTXVN

Doanh nhân Việt từ hào quá khứ hào hùng

- Thưa ông, là một doanh nhân sinh ra trong thời bình, ông chia sẻ gì về 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước?

Ông Lê Công Năng: 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dấu mốc thiêng liêng và trọng đại trong lịch sử dân tộc. Là một doanh nhân sinh ra và trưởng thành trong thời bình, tôi cảm nhận sâu sắc giá trị to lớn của độc lập. Tôi may mắn được sống, học tập và làm việc trong môi trường hòa bình, phát triển. Tôi hiểu rằng, để có được ngày hôm nay, biết bao thế hệ cha anh đã hy sinh máu xương, đã đánh đổi cả tuổi trẻ và cuộc đời mình.

Nhìn lại chặng đường 50 năm phát triển của đất nước, tôi thấy rằng trách nhiệm của lớp trẻ hôm nay, của những doanh nhân như tôi không chỉ là tiếp nối truyền thống, mà còn là kiến tạo tương lai. Từ hào khí của dân tộc, bằng sự năng động, đổi mới, chúng tôi cần phải góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, gìn giữ những giá trị cốt lõi của dân tộc, để lịch sử không chỉ là ký ức, mà là động lực cho phát triển bền vững.

- Nhìn lại chặng đường 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, ông đánh giá thế nào về những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam?

Ông Lê Công Năng: 50 năm là quãng thời gian đủ dài để cảm nhận sự đổi thay mạnh mẽ của đất nước. Chúng ta đã chứng kiến rõ nét sự đổi thay của đất nước.

Đó là từ một quốc gia bị tàn phá sau chiến tranh, Việt Nam đã vươn mình mạnh mẽ để trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực. Tốc độ tăng trưởng GDP luôn nằm trong nhóm cao, thu nhập bình quân đầu người không ngừng cải thiện, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao rõ rệt.

Theo số liệu của Cục Thống kê, sau 50 năm thống nhất, GDP năm 2024 đạt 476,3 tỷ USD, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ phát triển hàng đầu Đông Nam Á, vươn lên đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, vượt qua Philippines (462 tỷ USD) và Malaysia (422 tỷ USD). Không chỉ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn với hơn 40.000 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư lên tới 500 tỷ USD.

Ông Lê Công Năng - Chủ tịch Diễn đàn doanh nhân, CEO Wondertour

Ông Lê Công Năng - Chủ tịch Diễn đàn doanh nhân, CEO Wondertour

Ngoài ra, Việt Nam cũng đạt được nhiều dấu ấn quan trọng trên các lĩnh vực khác, như tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, hệ thống giáo dục được mở rộng, chăm sóc y tế tiếp cận toàn dân, cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ.

Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Sự chuyển mình ấy là minh chứng sống động cho khát vọng vươn lên, cho ý chí và nội lực mạnh mẽ của toàn dân tộc.

Đặc biệt, sự xuất hiện của hàng triệu doanh nghiệp tư nhân, trong đó có hơn 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, cho thấy tinh thần khởi nghiệp đang bùng nổ trong bối cảnh đổi mới sáng tạo... Những thành tựu này càng khiến tôi thêm tự hào và cảm nhận được trách nhiệm lớn lao của mình và của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp và đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

- Theo ông, trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng hiện nay, đâu là cơ hội nổi bật cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam, kinh tế tư nhân phát triển và khẳng định vị thế?

Ông Lê Công Năng: Trong thời đại chuyển đổi số mạnh mẽ và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cộng đồng doanh nhân Việt Nam đang đứng trước những cơ hội chưa từng có để bứt phá, đổi mới và khẳng định vị thế trên trường khu vực và thế giới.

Như chúng ta thấy, công nghệ số không chỉ là xu thế mà còn là công cụ nền tảng giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tối ưu quản trị, tiếp cận thị trường toàn cầu và phục vụ khách hàng một cách thông minh, cá nhân hóa hơn bao giờ hết.

Đặc biệt, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP... đã mở ra một không gian rộng lớn cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường tiềm năng. Đây chính là điều kiện vàng để doanh nghiệp chuyển mình, đổi mới mô hình kinh doanh, nâng tầm chất lượng sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu Việt có giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, sự bùng nổ của thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… cũng mang đến những lĩnh vực hoàn toàn mới mà doanh nhân Việt Nam có thể tiên phong khai phá. Với nền tảng là sự sáng tạo, tinh thần vượt khó và khát vọng vươn lên, doanh nhân Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành lực lượng nòng cốt thúc đẩy phát triển kinh tế số, kiến tạo giá trị bền vững cho quốc gia trong thời đại mới.

Với vai trò là một doanh nhân, tôi nhận thấy rõ những cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt cơ hội, đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu mạnh.

Tôi tin rằng, với sự đoàn kết, sáng tạo và khát vọng vươn lên, Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường phát triển kinh tế, xã hội.

Động lực phát triển trong kỷ nguyên mới

- Tuy nhiên, để viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, cộng đồng doanh nghiệp cần có thêm bệ đỡ ra sao để vươn mình xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, thưa ông?

Ông Lê Công Năng: Để góp thêm những dấu ấn mới vào hành trình lịch sử dân tộc, mỗi cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp cần có được những bệ đỡ vững chắc và điều này cần sự đồng lòng từ nhiều phía.

Trước hết, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách giảm bớt thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và phát triển cơ sở hạ tầng. Sự hỗ trợ này không chỉ cần thiết cho doanh nghiệp hiện tại mà còn giúp tạo ra một thế hệ doanh nhân mới giàu năng lực và tâm huyết.

Thứ hai, mỗi doanh nhân Việt Nam cần tiếp sức để phát huy vai trò của mình trong việc đóng góp cho sự phát triển chung. Theo đó, họ cần được tạo điều kiện để phát triển kỹ năng và tham gia vào những hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo.

Cuối cùng, bản thân các doanh nhân cũng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc phát triển bền vững. Họ không chỉ là những người tạo ra giá trị kinh tế mà còn cần phải có trách nhiệm với xã hội, cân nhắc ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh của họ đến cộng đồng và môi trường.

Khi doanh nghiệp gắn kết sự phát triển của mình với lợi ích chung, chúng ta không chỉ tạo ra sự thịnh vượng cho bản thân mà còn cho cả xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Ông Lê Công Năng: Để xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh hơn, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng. Chỉ khi tất cả chúng ta cùng nỗ lực, Việt Nam mới có thể hiện thực hóa ước mơ trở thành một quốc gia phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hao-khi-dan-toc-nang-buoc-doanh-nghiep-viet-nam-phat-trien-385843.html