Hát dân ca của đồng bào Thổ
Đồng bào Thổ huyện Như Xuân từ xưa tới nay đoàn kết và chung sống hòa thuận, thương yêu đùm bọc lẫn nhau tạo nên nét đẹp truyền thống trong cuộc sống cộng đồng. Nhiều thuần phong mỹ tục về quan hệ và ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên được trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, trở thành lẽ sống, nếp ứng xử đẹp trong cộng đồng.
Hát dân ca của đồng bào Thổ (Như Xuân).
Văn hóa dân gian của người Thổ khá phong phú. Ở đó bắt gặp một số huyền thoại, truyền thuyết, truyện kể, truyện thơ, ca dao, tục ngữ, thành ngữ... mặc dù có sự giao thoa văn hóa với tộc người Kinh và Mường nhưng vẫn có những sắc thái riêng, độc đáo.
Âm nhạc cũng được người Thổ sử dụng trong hội lễ, hát trao duyên, trao tình. Người Thổ sử dụng thành thạo đàn môi, sáo, kèn, đánh trống đất. Đặc biệt cồng chiêng được sử dụng trong cuộc sống thường ngày, nhạc cụ truyền thống này kết hợp với trống được sử dụng trong lễ tết, hội hè, đón khách, mừng nhà mới, mừng đứa trẻ chào đời, sử dụng trong cưới hỏi, hát đối đáp nam nữ, tiễn biệt người quá cố về với ông bà, tổ tiên.
Đồng bào Thổ có vốn dân ca với nhiều thể loại, làn điệu... phản ánh tâm hồn, tình cảm của những người dân nơi đây với niềm lạc quan yêu đời, yêu cảnh vật rừng cây, dòng suối, ruộng nương, cánh đồng... những con người và cảnh vật bao đời gắn bó thân thương. Dẫu cuộc sống còn chưa hết khó khăn, song không vì vậy mà lời ca, tiếng hát của họ lạt phai nghĩa tình thiết tha đằm thắm.
Người Thổ Như Xuân ham thích văn hóa, văn nghệ, say mê ca hát cho quên đi nỗi vất vả, cực nhọc của cuộc sống lao động thường ngày. Họ hát trong khi lên rẫy, xuống đồng cao, ruộng thấp; hát khi đập lúa, giã gạo, giã cốm; hát ru con ngủ, hát giao duyên gửi thương gửi nhớ cho người mình yêu, cảm mến. Họ hát mọi lúc mọi nơi: ngoài rừng, trong nhà, hát vào đêm trăng sáng, hát trong ngày hội và hát không chỉ trong khi vui mà hát ngay cả những lúc buồn cho tâm hồn đỡ trống trải, cô đơn.
Dân ca của người Thổ khá phong phú về loại hình cũng như nội dung và cách thức thể hiện. Hát ru là một trong những lối hát phổ biến, từ già tới trẻ, từ nam tới nữ đều hát ru. Hát ru không chỉ đưa bé thơ vào giấc ngủ nồng say mà qua lời ru thiết tha nồng ấm của mẹ cha, ông bà, của chị của anh, giúp trẻ thơ làm quen và đến thế giới tự nhiên với những con vật gần gũi thân quen: Ơ....ớ....ơ.../ Ờ...ơ...là.../ Con cá cụt cụt/ Con cá cụt đuôi.../ Chê con nhái nòng nọc/ Con vó ngựa lòng khòng/ Con ong cận cận/ Khen con ong tần tảo/ Nghe con quạ chồng chiêm/ Nghe con quạ chăm con/ Cõng con bay lên trời/ Nơi con nai xuống dốc/ Phát cái rẫy, cái nương/ Ở bên này đầu truông/ Quả chuối đang chín vàng/ Quả chàng ràng chín đỏ/ Chặt một cành dâu da/ Chặt ba cành lá bứa...
Lời ru bên cánh võng đưa bé thơ vào giấc ngủ nồng say, đưa con trẻ lạc vào thế giới thần tiên và những câu chuyện cổ tích, đừng có khóc dỗi: Ngủ cho bố đi ruộng/ Ngủ cho mẹ ra đồng...
Hát đồng dao cũng được nhiều người nhớ và thuộc, không những thế họ còn là chủ nhân sáng tạo nên những bài hát đồng dao này. Đồng dao không chỉ phổ biến dành cho trẻ em mà thể loại hát này được cả người lớn hát rất say mê: ...Muốn uống nước giếng/ Lên ngọn sông đào/ Muốn uống nước rào/ Lên ngọn vông đồng/ Phượng vĩ đỏ bông/ Ve sầu ca hát/ Trèo lên cây quýt/ Bắt con bọ nâu/ Đôi chim chào mào/ Chuyền cành nhảy nhót/ Hoa chuối mật ngọt/ Gọi đàn chim sâu/ Đôi chim bồ câu/ Cù nhau trong ngõ/ Là chậm đó ho.
Trong các làn điệu dân ca của người Thổ, loại hình hát đối đáp trở nên phổ biến và bao giờ cũng được hát giữa một người nam với một người nữ hoặc một bên là nam và bên kia là nữ. Họ hát giữa người trong làng với nhau và thường hát giữa người làng này với người làng khác. Hát đối đáp có nhiều nội dung như: Hát ca ngợi cảnh đẹp của quê hương, đất nước, hát kể công ơn của anh hùng dân tộc, tri ân tổ tiên, hát mời trầu, hát ướm hỏi, hát đố, hát giã cốm, hát thề ước, hát cách xa, hát trách... diễn tả nhiều cung bậc tình cảm của nam nữ, lứa đôi. Thương nhau không kể xa gần/ Khe sâu cũng lội, thác ghềnh cũng qua./ Đến đây thì ở lại đây/ Bao giờ bộn rễ xanh cây hãy về...
Hát dân ca thường có âm nhạc và nhạc cụ: kèn, đàn bầu, đàn môi, trống cái, trống con, sáo... phụ họa. Hát đối đáp một nam, một nữ họ dùng đàn môi, sáo để trao gửi tình cảm với bạn tình. Hát đối đáp nam nữ tập thể thường sử dụng các loại âm nhạc như trống và chiêng. Dàn trống chiêng gồm có 1 trống cái và 2 - 3 chiếc cồng/chiêng, do 1 người diễn tấu bằng 2 tay, đánh theo nhịp. Cùng với trống cái, trống con làm bằng chất liệu da, người Thổ còn có nhạc cụ trống đất. Làm trống đất bằng cách khoét một lỗ tròn vừa phải xuống đất, miệng nhỏ và phía dưới rộng hơn, sâu chừng 30 - 40cm, đường kính tùy ý. Lấy mo cau hoặc bẹ tre, luồng đậy kín mặt lỗ, ghim chặt, dựng một đoạn dây rừng căng vuông góc từ mặt mo kéo lên trên, hai đầu ghim chặt, lỗ này cách lỗ bên khoảng 0,5 - 1m, lấy 2 que cây dài khoảng 30 - 45cm, chống dây lên cho căng. Mỗi đầu đoạn cây tiếp xúc với điểm phá ngoài lỗ, dùng thanh tre và gõ vào khoảng giữa của dây sẽ phát ra âm thanh trầm đục theo nhịp nhanh hay chậm tùy thuộc vào người gõ trống. Trống đất được sử dụng trong ngày hội, hát đối đáp nam nữ, loại trống này cũng thường được trẻ chăn trâu, chăn bò tự chế tác và hát với nhau những bài hát đồng dao ngoài rừng, bên suối.
Ngoài những nhạc cụ trên, người Thổ còn có đàn Tính tang. Đàn Tính tang làm bằng một ống tre có 2 dây bằng cật tre căng ngang, khi sử dụng dùng một hoặc hai thanh tre gõ lên những dây này tạo nên những âm thanh đệm cho sinh hoạt văn nghệ dân gian và được mọi người sử dụng thành thạo. Cùng với nhạc cụ bằng tre, người Thổ còn dùng các ống nứa khô, một tay cầm ống nứa, một tay cầm que gõ theo nhịp, tạo nên những âm thanh rất đặc trưng của núi rừng như tiếng thác reo, suối chảy, tiếng lá khô xào xạc, vượn hót, chim kêu.
Mùa thu trong đêm trăng sáng, sau vụ thu hoạch những bông lúa nếp đầu mùa, trai gái trong làng hẹn ước, tụ tập cùng nhau giã cốm, hát đối đáp. Họ vừa tận hưởng hương vị của cốm đầu mùa, vừa tận hưởng hương tình yêu của lứa đôi đến độ chín muồi trong đêm trăng viên mãn, nam nữ vừa giã cốm, vừa hát: Chẳng xuống đồng sâu/ Không lên đồng cạn/ Em về rủ bạn/ Ra cánh đồng ngoài/ Đến chỗ cây xoài/ Tìm bông nếp tím/ Đừng ham bông chín/ Chớ chọn bông non/ Đợi đêm trăng tròn/ Rang giòn bỏ cối/ Chày năm chày bốn/ Em giã toang toang/ Tiếng chày vang sang/ Lúng Nghênh, lung ngái/ Tiếng ngàn vọng lại/ Đến tận chín mường/ Trai gái thấu tường/ Rủ nhau tìm bạn/ Trăng lên xế lặn/ Tiếng chày vẫn vang/ Tụp tụp, toàng toàng/ Chày càng rộn nhịp/ Duyên ưa phận đẹp/ Nhớ đến trăng tròn...
Dân ca của đồng bào Thổ huyện Như Xuân trầm tích nhiều giá trị văn hóa và lịch sử, phản ánh tình cảm, tâm hồn của người Thổ từ xưa đến nay. Dân ca của người Thổ vừa cất cao trong cuộc sống lao động, vừa diễn xướng trong lễ tiết hội hè, “xuân thu nhị kỳ“ mà còn ngân lên trong cuộc sống thường ngày. Đến đâu, vào thời điểm nào ở các làng gần, bản xa cũng đều bắt gặp những lời ca nồng nàn đằm thắm, hiền như khoai sắn, cả một vùng quê hò hát tâm tình. Trong quá trình giao lưu văn hóa, người Thổ vừa biết tiếp nhận những giá trị văn hóa của người Mường, người Kinh, người Thái, đồng thời họ vừa sáng tạo, bảo lưu và phát huy được nhiều giá trị văn hóa cổ truyền mà trong số đó dân ca như một”giá trị truyền khẩu” đặc sắc, góp phần làm nên sắc thái văn hóa riêng của dân tộc Thổ trong bức tranh văn hóa tỉnh Thanh đặc sắc, đa sắc màu.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/hat-dan-ca-cua-dong-bao-tho/187145.htm